Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

SỞ HỮU TRÍ TUỆ - NỀN TẢNG THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Sở hữu trí tuệ hay có thể gọi là tài sản trí tuệ là những sản phẩm sáng tạo do con người tạo ra, đó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… Vì vậy, có thể nói, đổi mới sáng tạo là khởi đầu của sự hình thành tài sản trí tuệ được bắt nguồn từ các ý tưởng mới. Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành, gắn kết với hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó, thúc đẩy và khuyến khích các tổ chức, pháp nhân, chủ thể quyền, cá nhân... trong xã hội không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm nghệ thuật hoặc giống cây trồng mới…Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường đổi mới sáng tạo.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền với các sáng tạo nói trên. Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ mạnh cho đổi mới sáng tạo, tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ, đây chính là một loại tài sản quan trọng giúp cho chủ thể quyền nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trong những năm qua, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đã rất chú trọng, quan tâm đến sự phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ một cách có hệ thống, nhiều chính sách đã đi vào thực tiễn đời sống. Những chính sách có thể kể tới như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra nhiệm vụ quan trọng là “Hoàn thiện các chính sách về hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ”;  Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII yêu cầu “Bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra”;  Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ nhấn mạnh “Thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, tài sản trí tuệ cho các sản phẩm được bảo hộ”;  Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuê theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả;

 Chính phủ và các Bộ ban ngành cũng tích cực triển khai các hoạt động cụ thể để hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thương hiệu như Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình OCOP, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia và nhiều chương trình, đề án quan trọng khác;

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ hiện nay đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Với quan điểm đổi mới sáng tạo lấy sở hữu trí tuệ là nền tảng và doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, khuyến khích các hoạt động đầu tư về sở hữu trí tuệ, tìm kiếm, khai thác sáng chế phát triển công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đồng thời với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Chính phủ, nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mọi tầng lớp xã hội ngày một nâng cao, có thể thấy, những năm gần đây tình hình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày một gia tăng và đạt được những thành tựu đáng kể, cụ thể:

Đối với các loại hình đăng ký bảo hộ khác cũng được quan tâm trong giai đoạn 2013-2022 đã có: 10 đơn sáng chế, 01 đơn giải pháp hữu ích và đã được cấp, đó là giải pháp “Hệ thống bể khí sinh học để xử lý chất thải và tạo ra khí sinh học sạch”;  61 đơn Kiểu dáng công nghiệp và đã được cấp văn bằng 40 đơn; 1.147 đơn đăng ký nhãn hiệu và đã được cấp 601 văn bằng bảo hộ (khá nhiều văn bằng bảo hộ đã hết hạn hiệu lực mà không gia hạn).

Đối với công tác bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP của các địa phương. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn Công tác phát triển thương hiệu đối với nông sản của tỉnh nói chung, đặc biệt là các mặt hàng nông sản được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng hình ảnh và quảng bá hiệu quả các nông sản đặc trưng của tỉnh. Đến nay đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm: 03 sản phẩm nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (Hoa Hồi Lạng Sơn, Hồng không hạt Bảo Lâm được bảo hộ trong nước và tại Châu Âu theo Hiệp định EVFTA, Thạch đen Lạng Sơn bảo hộ trong nước), 06 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận (quả Na Chi Lăng, rau thành phố Lạng Sơn, lợn quay Lạng Sơn, vịt quay Lạng Sơn, gà sáu ngón Mẫu sơn, vịt quay Thất Khê), 28 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể (Hồng vành khuyên Văn Lãng, Rượu Mẫu Sơn,Quýt vàng Bắc Sơn, Thạch đen Tràng Định,Quế Tràng Định,Quýt Tràng Định,Khoai lang Lộc Bình, Ba Kích Đình Lập, Chanh rừng Mẫu Sơn,Rau Cao Lộc, Nem nướng Hữu Lũng, Măng Bát độ Hữu Lũng, Hoa quả tươi Hữu Lũng,Cao khô Vạn Linh,Ngựa bạch Hữu Kiên, Rau bò khai Chi Lăng, Cao khô Chợ Bãi, Rượu Hữu Lễ, Rượu Hội Hoan, Thanh Long Bình Gia, Trám đen Văn Quan, Nấm hương Mẫu Sơn, Măng nứa Vĩnh Yên, Gà Vạn Linh, Lan kim tuyến Đình Lập, Lạp sườn Bình Gia, Cá lồng Văn Quan, Bánh phồng Tràng Định). Ngoài ra, hiện nay đang triển khai lập hồ sơ đăng ký bảo hộ cho  các sản phẩm cụ thể như: Chỉ dẫn địa lý Na Lạng Sơn, Chanh rừng Mẫu Sơn, mác mật Lạng Sơn; Nhãn hiệu chứng nhận Du lịch Quỳnh Sơn, Du lịch Đồng Lâm, Khau nhục Lạng Sơn; Nhãn hiệu tập thể Lạc đỏ Bắc Sơn, Lạc đỏ Chi Lăng, Cây giống lâm nghiệp Hữu Lũng, Gà Ri Văn Quan.

Mặc dù có được những kết quả như vậy, tuy nhiên công tác bảo hộ và quản lý, quản lý các tài sản trí tuệ nhất là chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều bất cập, cụ thể:

- Chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chủ yếu là sản phẩm tươi, sống. Trong khi đó thị trường đa số thường có nhu cầu sử dụng sản phẩm chế biến.

- Quy mô sản xuất nhỏ, các cơ sở sản xuất/ kinh doanh chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo sản phẩm trên thị trường; nhiều cơ sở sản xuất chưa thấy hết giá trị của việc gắn tem nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sợ tăng giá thành sản phẩm nên việc gắn tem cho sản phẩm chưa được sử dụng rộng rãi; vai trò của các Hợp tác xã trong việc tuyên truyền, quảng bá còn nhiều hạn chế.

- Mô hình quản lý khá đa dạng chưa thống nhất: Quy định về quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý được ban hành ở nhiều cấp: UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Sở…. giữa các sản phẩm ở từng địa phương có sự khác nhau về: tổ chức, quy định và nguyên tắc. Hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa được thực hiện hoặc thực hiện không thường xuyên trên thực tế. Vì vậy, các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp chưa được xử lý kịp thời gây mất uy tín cho sản phẩm của các chủ thể đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;

- Nhà nước đóng vai trò chủ đạo; Vai trò - chức năng của tổ chức tập thể chưa rõ ràng; Nội dung - kế hoạch kiểm soát thiếu tính đồng thuận và chi tiết. Không tích hợp hệ thống quản lý giữa các ngành. Năng lực quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý của các chủ thể sản xuất và kinh doanh được trao quyền sử dụng có nhiều hạn chế. Có nhiều chủ thể được lựa chọn để trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình nông dân. Các tổ chức kinh tế này gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, vận hành, đa dạng hóa hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng, chủ trì xây dựng và điều phối chuỗi giá trị. Nguyên nhân là do lãnh đạo các tổ chức kinh tế còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm về xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng liên kết, hợp tác tiêu thụ các sản phẩm. Yêu cầu kinh phí nâng cấp sản phẩm để đáp ứng các tiêu chí (bao bì, nhãn mác, truy xuất, phân tích kiểm nghiệm để công bố và kiểm soát chất lượng, quảng bá, xúc tiến thương mại…) lớn, vượt quá nguồn lực có thể huy động và khả năng đầu tư của chủ thể;

- Sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn lỏng lẻo. Một trong những lý do chủ đạo là do việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nói chung và sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là hoạt động phức tạp, có liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau, do đó, đòi hỏi các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị đó phải phối hợp, hợp tác cùng tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị;

- Người tiêu dùng ít có thông tin và chưa có hiểu biết đầy đủ về sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong khi đây là tác nhân đóng vai trò quyết định đến sự phát triển thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm.

Hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và tỉnh Lạng Sơn  giai đoạn hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện cả về cơ chế chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Vì thế, không nhiều chỉ dẫn địa lý thực sự chứng minh được vai trò, vị trí của đối tượng này trong phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Vì vậy, từ thực tế nêu trên, hoạt động bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cần đổi mới cả về cơ chế chính sách và cách tiếp cận.  Để phát huy được vai trò và hiệu quả của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù,  bên cạnh cần sự hỗ trợ về nguồn lực, cần căn cứ vào tình hình thực tế của sản phẩm đặc thù, chủ lực như: sự ổn định chất lượng của sản phẩm cũng như điều kiện địa lý, quy mô sản xuất, năng lực và nhu cầu của các nhà sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của thị trường cũng như định hướng phát triển sản phẩm của địa phương... để lựa chọn sản phẩm, lựa chọn hình thức đăng ký phù hợp.

Phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương thông qua việc hỗ trợ bảo hộ của các Chương trình, đề án đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Sự kết nối chặt chẽ giữa Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình OCOP trong giai đoạn vừa qua đã thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống, văn hóa bản tri thức bản địa để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đã có 91 sản phẩm OCOP được công nhận và  khai thác vùng nguyên liệu  trong đó có một số sản phẩm  gắn với chỉ dẫn địa lý, như: Hoa hồi, Na Chi Lăng, Hồng vành khuyên Văn Lãng… 

Chính vì vậy, sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường đổi mới sáng tạo sở hữu trí tuệ được ví là công cụ đòn bẩy thúc đẩy, nâng tầm cho đổi mới sáng tạo.

                                                                                             Vy Thúy

Post type
Hot

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết