Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KH,CN&ĐMST - Nền tảng, động lực phát triển bền vững đất nước

Có thể thấy, trong dòng chảy 65 năm, các thành tựu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đã để lại những dấu ấn lịch sử trong nhiều ngành, lĩnh vực trọng yếu, trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. 

Ngày 15/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và Kỷ niệm 65 năm thành lập (1959-2024).

Toàn cảnh Lễ chào mừng.

Tham dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị, xã hội; các doanh nghiệp, viện, trường, tập đoàn kinh tế trong và ngoài Ngành; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Vai trò của KH,CN&ĐMST được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng

Bộ KH&CN, tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước, được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04/3/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH&CN được thông qua, quy định ngày 18/5 hằng năm là ngày KH&CN Việt Nam.

Vai trò của KH,CN&ĐMST luôn được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng như: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn kiện Đại hội XII, XIII… khẳng định “KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu”; “KH,CN&ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Thông qua hệ thống pháp luật về KH&CN toàn diện và đồng bộ với 8 đạo luật chuyên ngành, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển KH&CN đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo cơ sở và tiền đề cho những đổi mới và cải cách về quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN, đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đã từng bước đơn giản hóa về thủ tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tăng cường hậu kiểm; tạo môi trường học thuật tiên tiến và thí điểm chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN.

Đầu tư cho KH&CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển dịch quan trọng theo hướng xã hội hoá. Trước đây chủ yếu chi từ ngân sách nhà nước thì nay tỷ trọng đã gần ngang bằng nhau (52% và 48%). Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH,CN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Ghi dấu ấn trong các lĩnh vực

Khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần bổ sung, lý giải và làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ trong quá trình xây dựng, soạn thảo các văn kiện, nghị quyết của Đảng qua từng nhiệm kỳ đại hội. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan triển lãm Con đường 65 năm đổi mới; sách KH,CN&ĐMST; 10 năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu; gian hàng thành tựu KH,CN&ĐMST.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên tập trung vào nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; góp phần quan trọng nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao. 

Trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỉ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhiều kết quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ, vật liệu, giải pháp kỹ thuật mới, cơ khí, tự động hóa, chế tạo nội địa hóa thiết bị thí nghiệm, kiểm định với mức tự động hóa cao. 

Trong lĩnh vực y tế, đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp... làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng gồm thận, gan, tụy, tuỵ - thận, tim, phổi, một số kỹ thuật ghép tạng đạt trình độ ngang tầm thế giới, mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh và mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội (KT-XH)... 

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trên toàn quốc. Năm 2023, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp. Bộ KH&CN đã xây dựng Bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả ĐMST của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST.

Với những đóng góp to lớn của KH&CN trong phát triển KT-XH, Việt Nam đã chuyển từ việc tiếp nhận viện trợ sang trở thành đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trong hợp tác quốc tế về KH&CN. Nước ta đã mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, và tổ chức quốc tế, là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực. Trên 80 hiệp định và thỏa thuận hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ đã được ký kết và triển khai.

Để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược và là động lực chính cho phát triển KT-XH, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống ĐMST quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST. Qua đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi niềm đam mê khoa học và khát vọng phát triển, vượt lên mọi khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.

Minh Huấn sưu tầm

Nguồn: https://www.most.gov.vn/