Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số quy định mới nổi bật của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2024

Ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật số 19/2023/QH15). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2023) gồm 7 chương và 80 điều. So với Luật năm 2010 thì Luật năm 2023 đã mở rộng về đối tượng áp dụng, quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng, bổ  sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, một số giao dịch đặc thù, quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, phương thức giải quyết tranh chấp và quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… cụ thể 11 điểm mới nổi bật đáng chú ý như sau:

Kiểm tra về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn tại Lạng Sơn

 

  1. Bổ sung đối tượng áp dụng: Tại Điều 2 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 bổ sung nhóm chủ thể là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

2. bổ sung khái niệm tiêu dùng bền vững và quy định hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững: Luật 2023 bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững (khoản 10 điều 3). Đồng thời, Luật quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững (Khoản 7 Điều 7) và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững (khoản 1 Điều 75).

3. Tăng quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng

Tại Điều 4 của Luật quy định người tiêu dùng có 11 quyền (tăng 03 quyền so với quy định tại Luật năm 2010). Cụ thể, Luật mới bổ sung các quyền: Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh;  được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công và quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Tại Điều 5 Luật 2023 bổ sung nghĩa  vụ như: Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững; chịu trách nhiệm về cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch  giữa người tiêu dùng và tổ chức, các nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

4. Bổ sung quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Tại Điều 8 của Luật quy định các đối tượng được coi là người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Đây là nhóm người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh; trong đó, nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

5. Thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Tại Điều 10 Luật 2023 đã bổ sung một số hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:

- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

6. Quy định mới về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Theo đó, Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 02 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra là tổ chức, cá nhân thực hiện  hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm hàng hóa và tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 34).

Ngoài ra, bổ sung các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm: Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại; Tổ chức, cá nhân đã áp dụng đầy đủ các biện pháp về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi sản phẩm hàng hóa có khuyết tật theo quy định tại điều 32,điều 33 của Luật này, người tiêu dùng tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm, hàng hóa bị lỗi và gây ra thiệt hại... (Điều 35)

7. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng

Đó là trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng (Điều 14); quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (Điều 15)  và làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa (Điều 30); bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng (Điều 31).

8. Bổ sung một số giao dịch đặc thù (Chương III):

Luật 2023 bổ sung một số quy định về giao dịch đặc thù nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các  giao dịch, gồm:

- Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm bổ sung của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng (mục 1).

- Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam  (Mục 2).

9. Bổ sung Quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội. (Chương

Tại Chương IV Luật 2023 đã quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội (bao gồm tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, quy định rõ tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

10. Bổ sung các quy định trong giải quyết tranh chấp:

Luật năm 2023 bổ sung quy định trong phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh  được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan (Điều 54).

Đồng thời, Luật 2023 cũng bổ sung nhiều nội dung trong thương lượng (mục 2), hòa giải (mục 3), trọng tài (mục 4) và giải quyết tranh chấp tại tòa án (mục 5).

11. Bổ sung quy định trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Tại Chương VI, Luật năm 2023 đã bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện, xã và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể trong các việc:  Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện giao nhiệm vụ chom tổ chức xã hội có tôn chỉ mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Thị Thanh - Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng