Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỸ THUẬT CANH TÁC RẢI VỤ THU HOẠCH NA PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN SINH THÁI TỈNH LẠNG SƠN

Cây na là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây cây na trở thành cây kinh tế mũi nhọn, là cây làm giàu cho người dân trên địa bàn các huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Rải vụ thu hoạch na, kéo dài thời gian thu hoạch quả sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ đòi hỏi phải ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp mới mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Na Chi Lăng

Na chủ yếu được trồng trên núi đá dốc, hiểm trở, đất thường bị rửa trôi xói mòn mạnh, nhanh bạc màu, bởi vậy cần phải có các biện pháp kỹ thuật đồng bộ vừa sử dụng kỹ thuật bón phân qua gốc kết hợp với phân bón lá có chứa các nguyên tố vi lượng, các chất điều hòa sinh trưởng để bổ sung dinh dưỡng cho cây ở những giai đoạn thiết yếu, làm tăng sự đậu quả, chất lượng và mẫu mã quả, quản lý tốt độ ẩm đất, chống rửa trôi xói mòn, vừa tăng được độ phì của đất làm cho cây sinh trưởng tốt, tăng năng suất, chất lượng và kéo dài tuổi thọ của cây.

Cây na đã được trồng lâu năm, người nông dân cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất na nhưng mới chỉ chú ý đến sản xuất theo lối truyền thống, thu hoạch quả tập trung trong thời gian ngắn. Vấn đề kỹ thuật sản xuất rải vụ thu hoạch, kỹ thuật điều khiển cho na ra hoa, tạo quả trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sớm hoặc muộn hơn so với chính vụ chưa được quan tâm chú trọng. Do vậy ngoài các biện pháp kỹ thuật bổ trợ đã áp dụng với sản xuất na như chế độ bón phân, phun bổ sung phân bón qua lá, đốn tỉa sau thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh hại,... cần nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ na phù hợp (bao gồm kỹ thuật cắt tỉa và thời vụ cắt tỉa cành, tuốt lá, kỹ thuật sử dụng chất ĐTST, sử dụng chất giữ ẩm polime siêu thấm AMS-1) để khai thác tiềm năng năng suất của giống, kéo dài thời gian rải vụ thu hoạch quả, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng na tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. 

    

Quy trình được áp dụng cho cây na thời kỳ kinh doanh được trồng trên đất bãi, đất chằm địa hình bằng phẳng, đất vàn thấp sát chân núi có độ dốc nhỏ hơn 150 tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn và các vùng sản xuất na có điều kiện ngoại cảnh tương tự.

     I. KỸ THUẬT CẮT TỈA VÀ THỤ PHẤN BỔ SUNG CHO NA

     1.1. Kỹ thuật cắt tỉa

1.1.1. Kỹ thuật cắt tỉa cơ bản

- Hàng năm tiến hành cắt tỉa tạo tán cho na để khống chế chiều cao cây, tạo cho cây trong vườn có chiều cao đồng đều, bộ tán thấp, sử dụng tối đa ánh sáng. Cắt tỉa giúp trẻ hoá cây, kích thích bật lộc, thuận lợi cho việc chăm sóc, thụ phấn, phun thuốc, bao quả, thu hoạch.

 

Vườn na sau đốn tỉa

- Thời gian cắt tỉa: từ cuối tháng 02 - 03 dương lịch, sau tiết lập xuân

- Dùng kéo, cưa chuyên dụng cắt bỏ cành la, cành tăm, cành sâu bệnh. Cắt toàn bộ các cấp cành duy trì độ cao cây < 1,8 m. Ví trí cắt cành sát gốc cành với khoảng cách 15 - 20 cm, sau đó tuốt sạch lá.

1.1.2. Kỹ thuật cắt tỉa rải vụ

Thời gian thu hoạch quả phụ thuộc vào thời điểm cắt tỉa và tuỳ thuộc vào diễn biến khí hậu thời tiết trong năm. Vì vậy, thời gian cắt tỉa sẽ quyết định thời điểm bắt đầu cho thu hoạch quả mà người trồng na mong muốn:

Vườn na bật lộc, ra hoa

 

            + Cắt tỉa vào đầu tháng 6 - Thu hoạch quả giữa tháng 10

  + Cắt tỉa vào cuối tháng 6 - Thu hoạch quả vào đầu tháng 11

  + Cắt tỉa vào giữa tháng 7 - Thu hoạch quả vào cuối tháng 11

  + Cắt tỉa vào đầu tháng 8 - Kết thúc thu hoạch quả vào cuối tháng 12

            * Cách tiến hành: Dùng kéo chuyên dụng cắt những cành, mầm mọc ra từ thân chính, cành cấp 1 và cấp 2. Cắt sát gốc cành để lại từ 10 - 15 cm, sau đó tuốt sạch lá. Sau cắt tỉa trung bình từ 10 - 15 ngày cành cắt bật mầm và ra nụ ở nách lá (nếu thời tiết thuận lợi).

* Với biện pháp cắt tỉa rải vụ trên đất chằm, đất bãi phải kết hợp bón phân, tưới nước bằng phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới đẫm sau khi bật mầm đặc biệt thời gian cắt phải phù hợp với thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây. Trên đất chân núi vàn thấp không chủ động được nước tưới nên sử dụng vật liệu giữ ẩm AMS-1 để đảm bảo duy trì giữ độ ẩm gốc cây, bón phân, che tủ đất giảm thiểu sự thoát hơi nước, hạn chế rửa trôi lượng phân đã bón vào trong đất.

1.2. Kỹ thuật thụ phấn bổ sung

Thụ phấn bổ sung là biện pháp kỹ thuật bổ trợ bắt buộc đối với sản xuất na, tăng khả năng đậu quả, giúp quả căng tròn, mẫu mã đẹp, tăng khối lượng quả và nâng cao năng suất của cây na.

Thụ phấn bổ sung cho hoa na

- Chọn hoa để lấy phấn: chọn những hoa có 3 cánh trong đã nở tách rời nhau hoàn toàn, túi phấn của nhị đực đã chuyển sang màu đen, không lấy những hoa bao phấn chưa chín (màu trắng) hoặc bao phấn đã quá già màu đen sẫm.

- Chọn hoa để thụ phấn: chọn những hoa to mọc ở thân, cành chính phân bố đều trên cây. Hái bỏ tất cả các hoa nhỏ, những hoa phát triển không cân đối, những hoa ở ngoài chóp cành, cành nhỏ.

- Cách thu hạt phấn: Nên hái hoa vào lúc chiều mát, khoảng 4-5 giờ chiều, cho các hoa này vào túi nilon hoặc túi giấy đem về để nơi khô mát, qua đêm cho hoa nở hoàn toàn, bao phấn rời khỏi trục hoa. Bao phấn nứt và phấn màu kem rơi ra túi. Dùng kẹp kẹp bao phấn rũ vào cốc thủy tinh hay đĩa petri, rồi bỏ xác bao phấn cùng cuống, cánh, nhị hoa, đậy kín lại.

- Cách thụ phấn bổ sung: Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy cái giữa lòng hoa. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8 - 10 giờ sáng, khi những hoa có 3 cánh trong đã nở, đầu nhụy đã chuyển sang màu trắng, có nhiều chất dính, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo. Trong quá trình thụ phấn, chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả sẽ cao, quả sẽ to và ít bị rụng quả sau này.

* Chú ý: Trong thời gian thụ phấn bổ sung không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời để nuôi quả lớn.

II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

1. Bón phân

- Lượng bón: 10 kg phân hữu cơ + 4,0 kg NPK 13-13-13+ TE Đầu Trâu

- Thời gian và liều lượng bón: chia làm 4 đợt bón

+ Đợt 1: Tháng 2-3, sau khi cắt tỉa cơ bản bón 100% phân hữu cơ +1,0 kg NPK đầu trâu. Rạch rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng 20-30 cm, sâu 10-15 cm, rắc phân đều vào rãnh và lấp đất.

+ Đợt 2: tháng 5, sau khi đậu quả ổn định, bón 1,0kg NPK đầu trâu

+ Đợt 3: Tháng 7, bón thúc quả, bón 1,0 kg NPK đầu trâu

+ Đợt 4: Tháng 9, bón 1,0 kg NPK đầu trâu để nuôi quả, thúc quả lớn (lứa quả rải vụ).

Bao quả cho na

- Cách bón: Phân hữu cơ bón 10 kg/cây, bón 1 lần vào cuối năm sau khi kết thúc thu hoạch quả cuối cùng (hoặc sau khi cắt tỉa cơ bản, tháng 2-3).

Đối với bón đợt 2, 3 và 4, có thể hòa phân với nồng độ 0,3 - 0,5% tưới xung quanh hình chiếu của tán hoặc rắc trực tiếp xung quanh gốc cây rồi xới nhẹ cho phân bị vùi vào đất.

* Ghi chú: Có thể bổ sung lượng phân đơn hoặc phân đa lượng khác với thành phần và hàm lượng dinh dưỡng tương đương phân NPK Đầu Trâu 13-13-13 +TE

2. Quản lý độ ẩm và sử dụng vật liệu giữ ẩm Polime siêu thấm AMS-1

2.1. Quản lý độ ẩm

 

- Giai đoạn từ sau cắt tỉa cơ bản (tháng 3, 4) đến giai đoạn quả lớn (tháng 5, 6 và 7) cần duy trì độ ẩm trên vườn đảm bảo 60 - 75%. Có thể tưới theo rãnh, nếu trồng theo luống hoặc sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tưới cho na, vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo độ ẩm thường xuyên vừa phải. Đồng thời cũng kết hợp tưới nước với bón phân theo nước tưới để tiết kiệm công lao động.

-  Sử dụng chất giữ ẩm AMS-1 để duy trì độ ẩm trong đất.

- Che tủ gốc, trồng cây che phủ đất để bảo vệ độ ẩm đất và chống xói mòn.

2.2. Sử dụng vật liệu giữ ẩm Polime siêu thấm AMS-1

- Sử dụng AMS-1 để giúp cho cây luôn đảm bảo độ ẩm duy trì trong suốt quá trình sinh trưởng đặc biệt giai đoạn cần thiết cho quá trình bật lộc, ra hoa, tạo quả trái vụ. 

- Liều lượng: chất giữ ẩm AMS-1 với lượng 50 kg/ha tương đương 100 g/gốc (01 ha trồng 500 cây) được bón cho cây cùng với phân chuồng hoai mục vào cuối năm sau thu hoạch đợt quả cuối cùng (hoặc sau khi cắt tỉa cơ bản), trước khi cây ra hoa.

- Cách bón: rạch rãnh xung quanh tán, sâu 7-10cm, trộn AMS-1 với phân chuồng hoai mục rắc vào rãnh, lấp đất.

3. Sử dụng chất điều tiết sinh trưởng, phân bón lá

Các loại phân bón lá: Sử dụng phân bón lá Đầu Trâu kết hợp với chất điều tiết sinh trưởng Atonik 0,3% để tăng tỷ lệ đậu quả, mẫu mã và chất lượng quả.

Các loại phân bón lá được phun vào 3 giai đoạn: Trước khi ra hoa 5-7 ngày; Phun sau khi tắt hoa, đậu quả; Phun khi quả có ĐK khoảng 2-3 cm (phun nhắc lại sau 12-15 ngày cho đợt 2 và 3). Lượng phun 3 lít dung dịch cho 1 cây, phun ướt đều mặt lá khi trời râm mát.

Ngoài ra có thể phun bổ sung thêm phân bón lá Canxi Bo và Botrac để tăng tỷ lệ đậu quả và giảm khả năng bị nứt quả.

4. Kỹ thuật bao quả na

Việc bao quả na không bắt buộc đối với sản xuất chính vụ, tuy nhiên khi sản xuất na trái vụ việc bao quả được khuyến cáo vì giúp rút ngắn sinh trưởng phát triển nhanh trong giai đoạn nhiệt độ giảm thấp và hạn chế tối đa sự gây hại của ruồi đục quả tăng năng suất, chất lượng quả.

Hình ảnh quả na đậu sau thụ phấn ở các công thức cắt tỉa

 

            - Vật liệu bao quả: Có thể sử dụng các loại túi bao quả sau: túi nilon trắng có đục lỗ dưới đáy; túi được thiết kế với 1 mặt vải không dệt và mặt kia là nilon; túi bao 2 lớp bên ngoài là nilon bên trong là lưới xốp.

- Thời gian bao quả: Bao quả được tiến hành khi quả có đường kính 2 - 3 cm.

- Chuẩn bị trước khi bao quả: Trước khi bao quả, cần tỉa bỏ những quả sâu, quả bệnh, quả xấu, quả quá sát nhau. Trên mỗi cành quả chỉ giữ lại 1 - 2 quả. Phun hỗn hợp thuốc trừ nấm và thuốc trừ sâu (rệp sáp và thán thư, sâu đục quả). Bao quả khi bề mặt quả đã khô.

- Quá trình bao quả: Dùng túi luồn từ dưới lên bao trọn quả và dùng dây để siết miệng túi vừa với cuống quả.

III. PHÒNG TRỪ MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH

3.1. Các loại sâu hại chính

(1). Bọ xít muỗi (Helopentis theivora Waterhouse):

            - Đặc điểm gây hại: Bọ xít thường châm vòi vào ngọn non, hoa, quả non hút nhựa, trực tiếp làm chậm sự lớn của quả; ngoài ra ở chỗ vết châm, nhựa quả bị oxy hóa đen lại làm xấu quả.

- Thời gian gây hại: tháng 3 - 8 cây, gây hại trên lá non quả non

            - Biện pháp phòng trừ:

                         Rệp khổng lồ hại na                                 Rệp sáp phấn trắng hại quả na

+ Tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch, phát quang bụi rậm, thu gom, tiêu hủy những bộ phận gây hại, bắt ấu trùng bằng tay nếu phát hiện được. Dọn sạch cỏ dại trong và quanh vườn. Sử dụng thiên địch như: ong ký sinh Euphrus Helpeltis Ferr, nấm ký sinh, kiến vàng.

+ Sử dụng thuốc trừ sâu Actara 25WG (Thiamethoxam 250g/kg), Permecide 50EC (Permethrin 500 g/lít), SecSaigon 10ECb (Cypermethrin: 10%), Bulldock 25 EC (Beta-cyfluthrin 25 g/L). Hướng dẫn sử dụng theo trên bao bì.

(2). Ruồi hại quả (Bactrocera dorsalis Hendel)

            - Đặc điểm gây hại: Ruồi gây hại từ khi quả chưa thành thục. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc thủng vỏ quả và đẻ trứng vào trong phần thịt quả. Ngay sau khi trứng được đẻ trong quả, quả sẽ ứa nước nơi vết đẻ trứng, vết này sau đó thâm nâu lại. Dòi nở ra ăn phần thịt quả xung quanh và tuổi càng lớn, dòi càng đục sâu vào phía trong làm thịt quả hư và thối, một thời gian sau đó có thể bị rụng.

- Thời gian gây hại: Quanh năm

- Phòng trừ bằng bẫy bả Vizubon-D (Methyl Eugenol 75% + Dibrom 25%) hoặc Ruvacon (Methyl eugenol 75 % + Dibrom 25 %) để bẫy và diệt ruồi đực, làm cho ruồi cái đẻ trứng nhưng trứng không nở thành dòi được. Có thể phun bả protein của Viện Bảo vệ thực vật hoặc Viện Cây ăn quả miền Nam. Hạn chế tối đa thiệt hại của ruồi đục quả trong sản xuất na trái vụ bằng cách áp dụng biện pháp kỹ thuật bao quả.

(3). Rệp sáp phấn (Planococcus lilacilus Cockerell):

            - Đặc điểm gây hại: Rệp sáp sống tập trung ở lá, quả dùng vòi chích hút chọc thủng lớp biểu bì lá, vỏ quả vv.. để hút các chất dinh dưỡng trong dịch cây. Các vết châm của rệp làm cho mô cây bị thâm nâu hạn chế quá trình vận chuyển chất trong cây. Các cây na bị rệp hại sinh trưởng phát triển yếu, cây còi cọc , lá chuyển màu xanh vàng có ánh đỏ và xoăn; quả bị rệp hại có nhiều vết bẩn trên quả, nếu quả non bị rệp hại sẽ bị khô và rụng, còn quả già làm quả suy giảm chất lượng. Ngoài ra, chất thải của rệp còn chứa nhiều đường mật, tạo thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến quang hợp của cây

            - Thời gian gây hại: tháng 4 - 11

            - Biện pháp phòng trừ: thường xuyên cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, những quả, cành có rệp đeo bám. Trừ kiến là côn trùng mang rệp từ cành này sang cành khác, bằng cách dọn sạch cỏ rác nơi trú ngụ của kiến. Dùng Padan 95SP (Cartap 950g/kg), Basudin 10H hoặc Regent 3G (Fipronil: 3g/kg) bột rải xung quanh gốc để trừ kiến. Thường xuyên theo dõi phát hiện rệp sáp để tiến hành trừ bằng dầu khoáng DC-Tron Plus 0,5%, thuốc hóa học như Oneol 20 EC (Benfuracarb), Dragon 585 EC (Cypermethrin 5.5% + Chlorpyriphos Ethyl 53%, Chất phụ gia 41.5%), Vicondor 50 EC (Imidacloprid (min 96 %): 50g/l).

 

Bẫy bả ruồi vàng tại vườn na

(4). Sâu đục quả (Anonaepestis bengalella) 

 - Đặc điểm gây hại: Con cái đẻ trứng trên các vết nứt của quả từ khi còn non. Sau khi nở, ấu trùng đục vào bên trong ăn phá phần thịt quả rồi thải phân ra ngoài.

- Thời giai gây hại Từ tháng 05- 9

- Biện pháp phòng trừ: Thu gom, tiêu hủy quả bị sâu. Sử dụng thuốc hóa học Catex 3.6EC (Abamectin: 3,6%), Vifast 5ND (Alpha cypermethrin), Dimenat 40EC (Dimethoate: min 95 %), Sagolex 30EC (Dimethoate 27% + Cypermethrin 3%),  (Phun khi sâu non nở rộ chưa kịp chui vào bên trong sản phẩm quả

 3.2. Các loại bệnh hại chính

(1). Bệnh thán thư (colletotrichum sp):

- Đặc điểm gây hại: Bệnh hại cả trên lá, ngọn, hoa và quả. Trên lá, bệnh tạo thành các đốm nâu hình tròn, xung quanh viền vàng, lâu dần hoá thành các vòng đen đồng tâm chứa các bào tử nấm. Trên ngọn, bệnh làm khô búp, hoa và quả. Quả non bị bệnh thì khô đen và rụng. Quả lớn có thể bị khô đen một phần.

- Thời gian gây hại: Phát sinh mạnh khi trời ấm và ẩm trong tháng 3 và 4. Trời có m­ưa đúng vào thời kỳ ra hoa và hình thành trái non làm ảnh hưởng đến năng suất.

- Biện pháp phòng trừ: hàng năm phải tỉa tán tạo hình cho vườn cây thông thoáng. Vườn na ở chân dốc hoặc trên đất ruộng phải đào rãnh thoát nước trong mùa mưa, kết hợp với làm sạch cỏ trên mặt đất. Phun phòng từ khi quả nhỏ đến trước thu hoạch 10 ngày, định kỳ 15 ngày 1 lần bằng thuốc Bendazon 50WP (Benomyl (min 95 %) : 50 %w/w) pha 100 g cho 1 bình 8 lít. Sử dụng thuốc hoá học Antracol 70WP, Tilt-Super 300EC, Amistar top 325SC phòng trừ bệnh thán thư và đen quả.

(2). Bệnh thối cổ rễ: do nấm Fusarium solani

- Đặc điểm gây hại: Cây bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém dần, lá vàng và rụng, quả ít và nhỏ. Nấm sống trong đất phá hại bộ rễ, hạn chế sự hấp thu nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây. Bị hại nặng lâu ngày rễ bị hư hại hoàn toàn và cây bị chết.

            - Thời gian gây hại: Thời kỳ độ ẩm tương đối cao và đất trồng na thuộc loại đất sét nặng là điều kiện môi trường thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển.

            - Biện pháp phòng trừ: Không trồng na trên đất có thành phần cơ giới nặng, địa hình trũng, đọng nước hoặc đất thoát nước kém. Vườn cây phải luôn thoát nước, không được để đọng nước sau khi mưa. Hàng năm bón bổ sung vôi và dùng thuốc Boocđô hoặc các loại thuốc gốc đồng tưới vào gốc 2-3 lần sẽ ngăn ngừa được bệnh. Cuối vụ thu hoạch phải vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ những cành bị bệnh, nhặt những quả thối và lá rụng trên mặt đất, đốt tiêu hủy.

IV. THU HOẠCH

4.1. Thời điểm thu hoạch

- Thu hoạch đúng độ chín: khi vỏ quả chuyển từ màu xanh, mắt sâu chuyển sang màu xanh vàng, na có quả tròn, mắt to, các kẽ trắng rộng, da có màu xanh non, cuống nhỏ.

- Nên thu hái quả vào những ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng hoặc buổi chiều, tránh thu hái vào giữa trưa khi trời quá nóng. Quả thu hoạch xong cần để nơi râm mát để đưa đến nơi tiêu thụ hoặc bảo quản.

Sau khi thu hái, na được tập kết, phân loại và xếp vào thúng để gánh xuống chợ

4.2. Kỹ thuật thu hái

  • Dùng kéo chuyên dùng cắt cuống của quả na, cắt cuống sao cho có độ dài 3-4 cm. Để nguyên túi bao quả để tránh bóc trước gây thâm quả na. Trước khi xếp na vào thúng (thùng xốp) cần chú ý lót 1 lớp giấy báo hoặc 1 lớp lá xuống đáy. Chú ý xếp cuống quả na quay xuống dưới, thao tác nhẹ nhàng tránh hiện tượng làm quả na bị thâm đen và mất phấn.
  • Vận chuyển na: Phân loại quả trước khi vận chuyển bán ngoài thị trường. Quả na sau khi thu hái có thể dùng các dụng cụ như sọt tre, quang gánh... để vận chuyển, có thể dùng hệ thống dây cáp để vận chuyển na từ trên núi xuống. Chú ý khi vận chuyển phải hết sức nhẹ nhàng, đóng thùng đúng cách, tránh va đập mạnh gây tổn thương cho quả.