Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QUY TRÌNH PHÒNG CHỐNG BỆNH RỤNG LÁ HỒI TẠI TỈNH LẠNG SƠN

            1. Đối tượng và điều kiện áp dụn

 

          1. Đối tượng và điều kiện áp dụng

- Quy trình này áp dụng cho các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân, các vùng trồng hồi của tỉnh Lạng Sơn.

2. Nguồn gốc xuất xứ

“Quy trình  kỹ thuật phòng chống bệnh rụng lá hồi tại tỉnh Lạng Sơn” là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp tỉnh, tên đề tài: “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý bệnh gây rụng lá và sâu đục ngọn hại hồi theo hướng bền vững tại tỉnh Lạng Sơn”,

          3. Các thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này một số thuật ngữ được hiểu như sau:

3.1. Phòng trừ tổng hợp: là hệ thống các biện pháp được tiến hành trong một điều kiện cụ thể liên quan tới quần thể của loài gây hại, trong đó sử dụng một cách thích hợp các biện pháp kỹ thuật sẵn có (ở mức có thể được) để duy trì quần thể các sinh vật có hại ở dưới mức gây hại kinh tế.

3.2. Dịch hại cây trồng: là các loài sinh vật sống trên và xung quanh cây trồng, lấy cây trồng làm thức ăn, làm ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất cây trồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của con người trồng loại cây đó.

3.3. Thiên địch: để chỉ các loài sinh vật tự nhiên có khả năng tiêu diệt các đối tượng dịch hại trên cây hồi.

3.4. Biện pháp canh tác: là những biện pháp kỹ thuật tạo ra điều kiện sinh thái thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của cây hồi và thiên địch, nhưng không thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển, tích luỹ, lây lan của sâu bệnh, cỏ dại.

3.5. Biện pháp sinh học: là sử dụng những sinh vật sống hay các sản phẩm hoạt động sống của chúng nhằm ngăn ngừa hoặc làm giảm bớt tác hại do các sinh vật có hại gây ra.

3.6. Biện pháp hoá học: là biện pháp sử dụng các chất hoá học để diệt trừ sâu bệnh, cỏ dại nhằm bảo vệ cây trồng và nông sản.

3.7. Biện pháp thủ công, lâm sinh: là biện pháp dùng sức lao động để tiêu diệt sâu bệnh, cỏ dại (phát quang bờ bụi, tỉa cành bị bệnh, cành vô hiệu, thu gom tàn dư nguôn bệnh, lá có chứa nguồn bệnh,…), vợt bắt sâu hại nhằm ngăn chặn sự lây lan của các loài sâu bệnh hại.

4.  Nội dung qui trình

4.1. Biện pháp thủ công (lâm sinh)

- Cắt tỉa, tiêu hủy những tàn dư gây bệnh (lá hồi bị bệnh rụng xuống). Thời gian từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 12.

- Phát quang những cây dại xung quang rừng hồi, tạo sự thông thoáng giúp hạn chế sự phát triển của nấm bệnh.

4.2. Biện pháp sinh học

Bảo vệ các loài thiên địch quan trọng

Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ một số nấm đối kháng: Trichoderma, Bacillus, streptomyces, chaetomium  và nấm xanh (Metarhizium anisopliae), nấm trắng (Beauveria bassiana)...

Sử dụng thuốc sinh học

- Thường xuyên kiểm tra rừng hồi, theo dõi, khi phát hiện lá rụng có vết bệnh (tỉ lệ hại từ 1-3%) cần tiến hành phòng trừ ngay:

- Thuốc sinh học: dùng các loại thuốc có hoạt chất (Trichoderma viride) như thuốc Biobus WP, hoặc hoạt chất (Trichoderma harzianum) như thuốc Zianum 1.00WP,v.v...

Thời điểm phun: thông thường bệnh xuất hiện đa số vào đầu tháng 7 (5/7 - 30/7), và phát triển liên tục cho đến cuối tháng 12 hằng năm, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Dụng cụ phun: dùng máy phun thuốc bằng động cơ áp lực cao dung tích 16 lít, 20 lít hoặc 25 lít chạy bằng điện hoặc bằng xăng.

Cách phun: phun từ đỉnh đồi xuống chân đồi, từ cao xuống thấp phun ướt đều xung quanh tán cây hồi.

Chú ý: khi pha thuốc phải đổ nước vào trước 1/3 bình, sau đó mới cho thuốc vào khuấy đều rồi đổ tiếp nước cho đến khi đầy bình, khuấy lại một lần nữa mới được phun. Đối với bệnh rụng lá phải phun kỹ ướt hết lá.

4.3. Biện pháp hóa học

- Thường xuyên kiểm tra rừng hồi, theo dõi, khi phát hiện lá rụng có vết bệnh, tỉ lệ lá hại 3- 5% cần tiến hành phòng trừ ngay:

+ Thuốc hóa học: dùng các loại thuốc trừ bệnh có các hoạt chất sau để phòng chống: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar Top 325EC); Propineb (Antracol 70 WP); Difenoconazole + Propiconazole (Tilt Super 300 EC);…

Thời điểm phun: bệnh thường xuất hiện mạnh vào đầu tháng 7 (10/7 - 15/8), và phát triển liên tục cho đến cuối tháng 12 hằng năm, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu tỉ lệ hại của bệnh >5% cần phải phun kép 2 lần, lần 1 cách lần 2 từ 10-14 ngày. Sau mỗi lần phun nên đổi loại thuốc khác để tránh hiện tượng kháng thuốc.

Dụng cụ phun: dùng máy phun thuốc bằng động cơ áp lực cao dung tích 16 lít, 20 lít hoặc 25 lít chạy bằng ắc quy điện hoặc bằng xăng.

Cách phun: phun từ đỉnh đồi xuống chân đồi, từ cao xuống thấp phun ướt đều xung quanh tán cây hồi.

Chú ý:

- Nếu là thuốc bột khi pha thuốc phải đổ nước vào trước 1/3 bình, sau đó mới cho thuốc vào khuấy đều rồi đổ tiếp nước cho đến khi đầy bình, khuấy lại một lần nữa mới được phun. Đối với bệnh rụng lá phải phun kỹ ướt hết lá.

- Để kết quả phòng trừ bệnh rụng lá mang lại hiệu quả cao cần có nhiều người trồng hồi cùng tham gia phòng chống, tránh hiện tượng nấm bệnh lây lan từ rừng này sang rừng khác.

Nguồn kết quả nghiên cứu các đề tài KHCN

Post type
Featured

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết