Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thông tư 08/2024/TT-TTCP: Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2022

Ngày 18 tháng 12 năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP (Thông tư 08) hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư mang lại sự thống nhất và cụ thể hóa quy trình tiến hành thanh tra, từ khâu chuẩn bị đến công bố kết luận thanh tra, đã tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư này gồm 4 Chương, 27 Điều, trong đó điểm nhấn của Thông tư là việc quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. Theo đó, 51 mẫu văn bản chuẩn đã được thiết lập, bao gồm quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, biên bản làm việc, các văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra và các văn bản khác. Điều này giúp chuẩn hóa các thủ tục và đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động thanh tra. Đây là một trong những văn bản nhận được sự quan tâm của rất nhiều người trong ngành Thanh tra, kể cả các đối tượng thanh tra, tổ chức, đơn vị có liên quan.

 

Đoàn Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành thanh tra việc thực hiện

nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra

Thông tư 08 nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định và triển khai thực hiện...

Về việc ban hành quyết định thanh tra (Điều 5), Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chỉ đạo người dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra nghiên cứu thông tin thu thập được để xây dựng dự thảo quyết định thanh tra. Quyết định này phải nêu rõ đối tượng, nội dung, thời hạn và thành phần đoàn thanh tra. Quyết định thanh tra phải được gửi cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, người tiến hành thanh tra, người giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kế hoạch tiến hành thanh tra. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu, yêu cầu, phạm vi thanh tra, phương pháp thực hiện và các biện pháp đảm bảo điều kiện vật chất. Một điểm đáng chú ý là việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn thanh tra phải được thực hiện bằng văn bản, đảm bảo minh bạch và rõ ràng.

Trong thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo Trưởng đoàn thanh tra theo nhiệm vụ được phân công, (Điều 8) Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ đã hoàn thành, các khó khăn gặp phải và những công việc còn lại. Báo cáo này giúp người ra quyết định theo dõi sát sao quá trình thanh tra và có những điều chỉnh cần thiết nếu có sự chồng chéo, bất cập.

Ngoài ra, Điều 9 của Thông tư cũng quy định về việc sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch thanh tra nếu cần. Quá trình này sẽ được thực hiện khi có lý do chính đáng và phải được phê duyệt bởi người ra quyết định thanh tra. Điều này đảm bảo kế hoạch thanh tra luôn bám sát thực tiễn và mục tiêu ban đầu.

Về việc xây dựng dự thảo kết luận thanh tra: Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo kết luận thanh tra (Điều 14); điểm mới đáng chú ý của Thông tư là khi cần thiết, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra tổ chức cuộc họp với đối tượng thanh tra để yêu cầu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo kết luận thanh tra. Trường hợp đối tượng thanh tra giải trình chưa rõ, người ra quyết định thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình bằng văn bản (Điều 15).

Công khai kết luận thanh tra và giám sát hoạt động thanh tra

 Thông tư 08 còn quy định về trách nhiệm công khai kết luận thanh tra (Điều 18). Đối với hình thức tổ chức niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra thì chậm nhất 10 ngày kể từ ngày kết thúc niêm yết, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra có văn bản xác nhận việc niêm yêt công khai kết luận thanh tra.

Một điểm mới đáng chú ý của Thông tư là việc bổ sung các quy định về giám sát. Cụ thể, Điều 20 quy định về giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên đoàn thanh tra, trong đó thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra thực hiện việc giám sát người đó trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Điều này giúp ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình thanh tra.

Tăng cường trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm

Để đảm bảo hiệu lực thực thi, Thông tư số 08 đưa ra các quy định xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm của người tiến hành thanh tra. Các hành vi như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật; tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra khi kết luận thanh tra chưa được công khai; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra… đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng nhấn mạnh xử lý hành vi vi phạm của người thực hiện giám sát, người thực hiện thẩm định. Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân và giảm thiểu các sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Với các hướng dẫn chi tiết và toàn diện, Thông tư số 08 là văn bản pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thanh tra và các nghị định liên quan. Thông tư không chỉ đưa ra hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra mà còn tạo ra một cơ chế giám sát và thẩm định minh bạch, rõ ràng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, ngăn ngừa tiêu cực và vi phạm trong hoạt động công quyền. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 03/02/2025./.

 Minh Anh