Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn

Vịt cổ xanh là giống vịt đặc sản bản địa của tỉnh Lạng Sơn, được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên những năm gần đây, sự du nhập của nhiều giống vịt ngoại khiến đàn vịt cổ xanh bị lai tạp, mất đi những ưu điểm vốn có. Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc khôi phục và phát triển giống vịt cổ xanh vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, đồng thời tuyển chọn nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) làm chủ nhiệm triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt (vịt cổ xanh) Lạng Sơn". Đề tài được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2024.

Người dân xã Tân Văn, huyện Bình Gia chăn nuôi vịt cổ xanh

Vịt cổ xanh còn có tên gọi khác như: pất bản, pất Khuông, pất Cò Kheo, pất Mẩu sinh... đây là giống vật nuôi gần gũi với người dân trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của giống vịt này là ngoại hình đẹp, bộ lông xám, ánh xanh lam, xanh lục, phần cổ chuyển sang màu xanh biếc rất đẹp. Đặc biệt, vịt cổ xanh có khả năng thích nghi tốt với môi trường sống trên địa bàn rộng, khả năng chống chịu bệnh cao, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, ngọt, thơm ngon, rất phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Tại các huyện: Tràng Định, Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc cho thấy vịt cổ xanh không được nuôi tập trung thành trang trại mà phân bố đều ở các hộ chăn nuôi, đây cũng là giống vịt chiếm hơn 80% tổng đàn vịt tại các hộ được khảo sát. Mặc dù là giống vịt đặc sản bản địa nhưng vài năm trở lại đây, do tập quán nuôi chăn thả tự do của người dân và sự du nhập của các giống vịt ngoại khiến đàn vịt cổ xanh có nguy cơ bị lai tạp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy, chủ nhiệm đề tài chia sẻ, triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn”, chúng tôi đã điều tra, thu thập mẫu ngẫu nhiên từ các hộ chăn nuôi để phân tích đặc điểm nguồn gen vịt cổ xanh. Từ kết quả điều tra, nuôi giữ quỹ gen và dữ liệu thu thập được về giống vịt cổ xanh, chúng tôi đã tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân với những chỉ tiêu cụ thể về ngoại hình, khả năng cho thịt, trứng. Để có đàn vịt hạt nhân, nhóm nghiên cứu đã lấy 2.200 quả trứng vịt cổ xanh từ các đàn trên địa bàn tỉnh ấp nở rồi lựa chọn 1.270 vịt con (1.000 con mái, 270 con trống) khỏe mạnh để nuôi dưỡng, khi vịt trưởng thành tiếp tục chọn ra 200 vịt mái, 40 vịt trống ưu tú nhất. Những con giống ưu tú được nuôi qua 2 thế hệ nhằm đảm bảo nguồn gen thuần chủng, có những ưu điểm nổi trội của bố mẹ để bảo tồn.

Từ đàn hạt nhân, nhóm thực hiện đề tài tiếp tục nghiên cứu xây dựng đàn vịt cổ xanh giống với quy mô 500 vịt mái sinh sản; xây dựng mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh Lạng Sơn sinh sản và mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh thương phẩm. Trong đó, vịt cổ xanh ở đàn mô hình sinh sản có tỷ lệ sống đạt trên 94%; từ 24 tuần tuổi, trọng lượng đạt 2.280 gram/con, vịt bắt đầu đẻ trứng. Năng suất trứng là 177 quả/năm, trọng lượng trứng đạt 80,25 gram/quả, lượng thức ăn tiêu tốn cho 10 quả trứng là 3,82 kg; tỷ lệ trứng có phôi là 91,59%, tỷ lệ nở 85,97%. Hiệu quả kinh tế ước tính thu được khi nuôi vịt sinh sản là trên 457.000 đồng/con/năm, thu nhập khi nuôi 500 con mái sinh sản đạt trên 228 triệu đồng/năm. Ở mô hình vịt cổ xanh thương phẩm quy mô 500 con, sau 12 tuần tuổi, vịt có tỷ lệ nuôi sống là 97%; trọng lượng đạt 2.380 gram/con; để tăng 1kg vịt cổ xanh tiêu tốn 3,23 kg thức ăn; tỷ lệ thịt đạt 68,26%. Hiệu quả kinh tế khi nuôi 500 vịt thương phẩm đạt trên 115 triệu đồng/lứa. Sau khi xây dựng thành công các mô hình, nhóm đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cổ xanh sinh sản, thương phẩm cho một số hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh.

Bà Hoàng Bích Ngọc, Giám đốc HTX Nà Pái, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Trước đây, hơn 40 hộ thành viên trong hợp tác xã đều chăn nuôi vịt cổ xanh với quy mô nhỏ từ 20 đến 40 con/lứa nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán lại không cao. Năm 2023, các thành viên HTX được nhóm thực hiện đề tài khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên hướng dẫn phương pháp chăn nuôi riêng biệt đối với vịt thương phẩm, vịt sinh sản cũng như hướng dẫn chi tiết thời điểm phòng bệnh, tăng cường dinh dưỡng, mở rộng thị trường tiêu thụ… Nhờ đó, vịt không chỉ nhanh lớn, ít mắc bệnh, cho nhiều trứng mà chất lượng thịt, trứng lại tăng lên. Có kinh nghiệm từ các nhà khoa học chuyển giao, hiện nay các hộ đều mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn. Có thời điểm toàn hợp tác xã chăn nuôi từ 7.000 đến 10.000 con, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 đến 30.000 đồng/kg so với trước.

Với những kết quả mà nhóm thực hiện đề tài đạt được, tháng 8/2024, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vịt cổ xanh Lạng Sơn”. Mong rằng thời gian tới, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tiếp tục được nhân rộng, tạo tiền đề cho nông dân mở rộng quy mô, đầu tư chăn nuôi vịt cổ xanh theo hướng hàng hóa.

Nguồn: Báo Lạng Sơn