Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ đề tài đánh giá hoạt tính cao chiết hồi đầu thảo

“Đánh giá hoạt tính của cao chiết cây hồi đầu thảo thu thập ở tỉnh Lạng Sơn” là đề tài của nhóm nghiên cứu gồm Trần Bảo Ngọc; Nguyễn Phương Thảo, học sinh Lớp 10A1 (năm học 2022 – 2023), Trường THPT chuyên Chu Văn An dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hoàng Thị Luyến, giáo viên môn Sinh học. Những thông tin mà các em nghiên cứu được là dữ liệu khoa học quan trọng về khả năng điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư của cây hồi đầu thảo, phục vụ những nghiên cứu sâu hơn.

cao hồi đầu thảo.jpg

Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm về khả năng kháng viêm của cao chiết hồi đầu thảo

Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh Lớp 10A1 (năm học 2022 – 2023), Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Hồi đầu thảo hay còn gọi là thủy điền thất, cỏ vùi đầu, vạn bốc… mọc nhiều ở ven các con suối khu vực vùng núi phía Bắc. Tại tỉnh Lạng Sơn, loài cây này sẵn có trong tự nhiên và được thương lái thu mua để xuất sang Trung Quốc với giá 10.000 đồng/cây. Tuy có giá trị, nhưng chúng em thấy rằng người dân ít sử dụng cây dược liệu này để điều trị bệnh. Chính vì vậy, trong năm học 2022 – 2023, chúng em đã tiến hành đánh giá hoạt tính sinh học của cây hồi đầu thảo.

Theo kinh nghiệm dân gian, hồi đầu thảo có vị đắng dùng chữa các bệnh về tiêu hoá kém, đau bụng, sốt vàng da, viêm gan, huyết áp cao, đau dây thần kinh toạ, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Để đánh giá hoạt tính của cây hồi đầu thảo, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu cây hồi đầu thảo vào tháng 10/2022 tại huyện Lộc Bình. Cây hồi đầu thảo sau thu thập được sơ chế, làm sạch rồi phơi khô trong môi trường bóng râm nhằm rút bớt nước trong thân cây, đồng thời vẫn đảm bảo dược tính của cây. Lá, củ hồi đầu thảo sau khi được phơi khô thì tách riêng, tán nhỏ thành bột và bảo quản ở lọ tối màu, nhiệt độ thấp.

Nhóm nghiên cứu điều chế cao chiết hồi đầu thảo bằng cách ngâm bột củ, lá hồi đầu thảo trong dung môi ethanol 70% ở nhiệt độ 80°C trong 1 giờ, sau đó tiến hành lắc trong 12 giờ ở nhiệt độ phòng. Quá trình này giúp các dược chất trong cây tiết ra ngoài. Dịch chiết sau đó được làm khô bằng máy cô quay chân không để thu lấy cao chiết hồi đầu thảo.

Sau khi điều chế thành công cao chiết từ củ và lá cây hồi đầu thảo, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tiến hành đánh giá các hoạt tính sinh học như: Khả năng chống ô xi hóa, hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, khả năng gây độc đối với tế bào một số loại ung thư… Qua các thí nghiệm cho thấy, sử dụng ethanol làm dung môi điều chế cao chiết đảm bảo an toàn cho con người hơn là sử dụng dung môi Methanol. Cao chiết ethanol củ và lá (đặc biệt cao chiết củ) hồi đầu thảo có khả năng chống ô xi hóa, đặc biệt, khả năng kháng viêm mạnh, gây độc đối với dòng tế bào ung thư phổi (A549), ung thư biểu mô (KB) khá mạnh. Đây là cơ sở khoa học để sử dụng cao chiết ethanol của củ và lá hồi đầu thảo trong phòng ngừa và điều trị các bệnh viêm nhiễm, bệnh về chuyển hóa và là tài liệu ý nghĩa để nghiên cứu các loại thuốc phòng ngừa, điều trị ung thư phổi và ung thư biểu mô.

Cô giáo Hoàng Thị Luyến, Trường THPT chuyên Chu Văn An  giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các phòng thí nghiệm hiện đại nên một số thí nghiệm không thể thực hiện được, do đó, nhóm nghiên cứu phải phối hợp với Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để thực hiện. Việc đi lại, nghiên cứu gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, các em đã hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Ông Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023 cho biết: “Đánh giá hoạt tính của cao chiết cây hồi đầu thảo thu thập ở tỉnh Lạng Sơn” là một trong 4 mô hình sản phẩm được Ban Tổ chức đánh giá cao và lựa chọn tham dự Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 19 năm 2023. Tuy các em còn nhỏ tuổi và gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu song bằng sự nỗ lực, sáng tạo của mình, các em đã hoàn thành các mục tiêu mà đề tài đặt ra. Đây là cơ sở quan trọng cho những nghiên cứu sâu hơn về dược liệu sau này.

Việc nghiên cứu hoạt tính sinh học của các loại dược liệu, trong đó có cây hồi đầu thảo chính là cơ sở khoa học để phát triển các bài thuốc dân gian, hướng đến khai thác nguồn dược liệu địa phương cho ngành công nghiệp dược phẩm. Với những kết quả đạt được, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023 đã quyết định trao giải nhất cho nhóm nghiên cứu.

Nguồn Báo Lạng Sơn

Post type
Hot

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết