Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong hợp tác với IAEA
Phó Tổng Giám đốc IAEA bày tỏ mong muốn Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch RCA vào năm 2022, đồng thời khẳng định IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công vị trí này.
Phó Tổng Giám đốc IAEA Liu Hua trả lời phỏng vấn của TTXVN.
“Tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với chương trình hợp tác kỹ thuật của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thời gian qua và xin chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Thống đốc IAEA (BoG IAEA), một trong hai cơ chế hoạch định chính sách của IAEA”.
Trên đây là nhận định của Phó Tổng Giám đốc IAEA Hua Liu trong trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, bên lề Cuộc họp của Hội đồng BoG IAEA từ ngày 24-26/11 tại thủ đô Vienna, Cộng hòa Áo, mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên nhiệm kỳ 2021-2023.
Phó Tổng Giám đốc Hua Liu cho biết, IAEA là tổ chức liên chính phủ thực hiện 3 chức năng chính gồm giám sát việc thực hiện cơ chế ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân, ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân.
Chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA là cơ chế chủ đạo để thúc đẩy ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển bền vững, đặc biệt là trong ứng phó với biển đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thúc đẩy chăm sóc sức khỏe cộng đồng (điều trị ung thư, phòng chống dịch bệnh), phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực... Đây cũng là công cụ quan trọng giúp IAEA chuyển giao các thành tựu về công nghệ hạt nhân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các nước thành viên.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã tham gia tích cực vào Hiệp định về hợp tác nghiên cứu, phát triển và đào tạo công nghệ và kỹ thuật hạt nhân tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Hiệp định RCA).
Đây là thỏa thuận quan trọng giúp điều phối các hoạt động hợp tác về ứng dụng công nghệ hạt nhân nhằm ứng phó với các thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phó Tổng Giám đốc IAEA bày tỏ mong muốn Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch RCA vào năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp định này có hiệu lực, đồng thời khẳng định IAEA sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm nhiệm thành công vị trí này.
Về sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong hợp tác với IAEA, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, Đại diện thường trực của Việt Nam tại IAEA cho biết Việt Nam là thành viên của IAEA từ năm 1978 và ngày càng tích cực tham gia vào hoạt động chung của IAEA. Việt Nam đã nhiều lần được bầu làm thành viên BoG IAEA và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2013-2014.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên với viên gạch tượng trưng đóng góp của Việt Nam cho Dự án ReNuAL 2.
Về thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân, Việt Nam đã phối hợp với IAEA thực hiện hàng loạt dự án hợp tác đưa công nghệ hạt nhân vào ứng phó với dịch bệnh, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm chất lượng nước sạch...
Các dự án này không chỉ giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội bền vững, mà còn góp phần nâng cao năng lực về công nghệ hạt nhân, tạo điều kiện để Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào tiến trình phát triển công nghệ của IAEA.
Mới đây, Việt Nam tham gia đóng góp tài chính cho giai đoạn 2 Dự án cải tạo, mở rộng Tổ hợp nghiên cứu và ứng dụng hạt nhân (ReNuAL 2) của IAEA ở Seibersdorf, Cộng hòa Áo.
Đây là một trong các trung tâm hàng đầu của IAEA về phát triển công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, ngăn ngừa dịch bệnh, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo và nâng cao năng lực cho các nước thành viên về ứng dụng công nghệ hạt nhân.
Đặc biệt, trong quá trình ứng phó với dịch COVID-19, Tổ hợp Seibersdorf đã chuyển giao trang thiết bị, sinh phẩm và tổ chức đào tạo cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam để thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhằm chẩn đoán và phát hiện chính xác virus SARS-CoV-2.
Việc đóng góp cho Dự án ReNuAL 2 thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của IAEA và các cơ sở nghiên cứu của tổ chức này trong ứng dụng công nghệ nguyên tử phục vụ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam đồng thời tham gia dự án của IAEA trong việc hỗ trợ Lào và Campuchia. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, các dự án của Việt Nam trong năm 2020-2021 đã được triển khai tốt.
Chính vì thế, trong cuộc họp của Hội đồng BoG IAEA vừa diễn ra, tất cả các dự án hợp tác đề xuất dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2023 đã được hội đồng thông qua. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai 5 dự án trong các lĩnh vực chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với các tình huống khẩn cấp về hạt nhân. Tổng trị giá của các dự án IAEA tài trợ cho Việt Nam dự kiến gần 1 triệu euro.
Theo Đại sứ, đây là sự tiếp nối những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam trên diễn đàn đa phương, góp phần trong sự phát triển của Việt Nam cũng như nâng cao vai trò quốc gia tại IAEA và trên thế giới.
Về định hướng hoạt động của Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng BoG IAEA nhiệm kỳ 2021-2023, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết Việt Nam chú trọng khai thác, đóng góp cho các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi (bên trái) và Đại sứ Nguyễn Trung Kiên gắn viên gạch tượng trưng đóng góp của Việt Nam.
Việt Nam mong muốn phát triển kỹ thuật hạt nhân phục vụ nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực phát triển công nghệ, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường cũng như phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực đóng góp cho chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ nhấn mạnh, là thành viên có trách nhiệm của IAEA, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp trong các vấn đề đảm bảo an ninh an toàn hạt nhân. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò trong hợp tác đa phương, khẳng định vị thế của Việt Nam, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc từ sớm, từ xa./.
Nguồn: vietnamplus.vn