Ứng dụng chùm tia điện tử để chiếu xạ kiểm dịch nông sản xuất khẩu
Diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMA), hội thảo khoa học “Chiếu xạ kiểm dịch trái cây” đã đề cập đến một nhu cầu bức thiết của nông sản: muốn xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Úc…, cần phải được kiểm dịch.
TS. Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, các điều kiện để xuất trái cây là cần truy xuất được nguồn gốc thông qua mã số vùng trồng (PUC), mã số cơ sở đóng gói (PHC) và mã số cơ sở chiếu xạ (TFC), trong đó chiếu xạ để đảm bảo sản phẩm không nhiễm các loài vi sinh vật gây hại...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Để đáp ứng yêu cầu đó, các nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều được chiếu xạ. Theo bà Nguyễn Thị Lý (VINAGAMA), chủ nhiệm đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu quy trình chiếu xạ kiểm dịch nhãn, xoài, thanh long trên máy gia tốc chùm tia điện tử UELR-10-15S2”, việc xử lý chiếu xạ kiểm dịch có thể giúp duy trì chất lượng nhãn 41 ngày ở điều kiện giả định (23 ngày vận chuyển ở nhiệt độ 1-2oC và 18 ngày sử dụng ở nhiệt độ 25-26oC), duy trì chất lượng xoài cát Hòa Lộc sau 38 ngày ở điều kiện giả định (23 ngày vận chuyển ở nhiệt độ 5-8oC và 15 ngày sử dụng ở nhiệt độ 25-26oC)…
Chiếu xạ bằng chùm tia điện tử là một giải pháp tốt cho Việt Nam, nhất là khi rau quả Việt Nam đã xuất sang 70 nước và khu vực trên thế giới, trong đó có 11 loại trái cây xuất khẩu chính như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm...
Nguyễn Như Thủy – Nguồn: Báo khoa học và phát triển