Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm Hương tại vùng núi cao xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
Chủ nhiệm Dự án: KS. Hoàng Văn Trọng.
Đơn vị thực hiện: Trung tâm, Ứng dụng phát triển khoa học – công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm.
Thời gian thực hiện: 2019 - 2020.
Lĩnh vực nghiên cứu: Nông nghiệp.
Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm Hương tại vùng núi cao xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn góp phần tạo ra mô hình kinh tế mới nhằm phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại khu vực núi cao Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
- Sản xuất giống nấm Hương cấp I, cấp II và cấp III tại Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đo lường, chất lượng sản phẩm.
- Tổ chức sản xuất đóng bịch nấm tại khu vực núi Mẫu Sơn. Đảm bảo bịch sau khi cấy có tỷ lệ hỏng dưới 20%; sau 60 - 120 ngày cấy giống mọc quả thể.
- Xây dựng 01 mô hình nuôi trồng nấm Hương tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với tổng quy mô là 50.000 bịch nấm (hao hụt 20%).
- Tổ chức sấy tại khu vực núi Mẫu Sơn 5.600kg để thu được
- Xây dựng hệ thống nhận diện, đăng ký nhãn hiệu tập thể "Nấm Hương Mẫu Sơn, Lạng Sơn" cho sản phẩm nấm Hương tươi, nấm Hương đã qua sơ chế, chế biến có xuất xứ từ khu vực núi Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn.
- Tổ chức đào tạo tập huấn, hội nghị đầu bờ.
2. Đánh giá hiệu quả
2.1. Hiệu quả kinh tế trực tiếp của dự án
Hoạch toán sản phẩm nấm Hương thu hoạch được thông qua việc triển khai mô hình sản xuất nấm Hương tại vùng núi cao xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nhau sau:
- Tổng chi phí đầu tư cho dự án:
TT | Nội dung | Chi phí (1.000đ) |
| Tổng chi phí đầu tư | 1.510.033 |
1 | Nguyên vật liệu nhân giống | 28.804 |
1.1 | Giống cấp I (83 tuýp) | 21.404 |
1.2 | Giống cấp II (100 chai) | 7.400 |
1.3 | Giống cấp III (1.666 bịch) | 10.004 |
2 | Nguyên liệu sản xuất 50.000 bịch nấm thương phẩm | 576.750 |
3 | Nguyên vật liệu xây dựng 1.300m2 lán trại (khấu hao 15%) | 44.455 |
4 | Thuê xây dựng nhà xưởng (10 nhà nuôi trồng x 130m2/ 1 nhà nuôi trồng x 1300m2) | 200.000 |
5 | Dụng cụ ,phụ tùng, vật rẻ tiền mau hỏng | 45.000 |
6 | Điện sản xuất giống; bịch thương phẩm; sấy | 25.000 |
7 | Nước nuôi trồng, chăm sóc cho 50.000 bịch nấm Hương | 23.040 |
8 | Xe chuyển giống lên Mẫu Sơn | 2.000 |
9 | Thiết bị máy móc (khấu hao thiết bị 15%) | 71.400 |
10 | Công lao động | 483.580 |
10.1 | Công nhân giống cấp I, II, III (144 công) | 44.680 |
10.2 | Công đóng bịch và chăm sóc 50.000 bịch (2.310 công x 190.000đ/công) | 438.900 |
- Sản lượng nấm Hương thương phẩm thu hoạch từ dự án:
TT | Nội dung | Đơn vị | Số lượng | Đơn giá (1.000 đ) | Thành tiền (1.000đ) |
| Tổng sản phẩm thu hoạch |
|
|
| 1.708.624 |
1 | Nấm Hương tươi thương phẩm | Kg | 23.110,4 | 60 | 1.386.624 |
2 | Nấm Hương khô thương phẩm | Kg | 805 | 400 | 322.000 |
- Lợi nhuận nấm Hương thương phẩm từ sản phẩm của dự án:
TT | Nội dung | Thành tiền (1.000đ) |
I | Tổng chi phí đầu tư nuôi trồng 50.000 bịch nấm Hương thương phẩm | 1.510.033 |
II | Tổng sản phẩm thu hoạch | 1.708.624 |
| Lợi nhuận: II-I | 198.591 |
Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là: 198.591.000 đồng (Viết bằng chữ: Một trăm chín mươi tám triệu năm trăm chín mươi mốt nghìn đồng chẵn).
Ứng dụng công nghệ sản xuất nấm Hương kết hợp với khai thác lợi thế tự nhiên của vùng núi cao Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn nhằm tận dụng ưu việt về khí hậu của vùng đất này để nấm Hương sinh trưởng phát triển, có năng suất, chất lượng hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ mới giúp cho quả thể nấm được hình thành đúng thời điểm, hay còn gọi là quá trình xử lý thúc quả thể. Tỷ lệ thúc quả thể thành phẩm đạt cao trên 90%. Với hệ thống lán được dựng hợp lý, khoa học, chi phí thấp hơn so với giải pháp xây dựng nhà lưới khoảng 30%.
2.2. Hiệu quả xã hội trực tiếp từ Dự án
Có thể khẳng định sản xuất nấm Hương theo tài liệu kỹ thuật được chuyển giao đã mang lại hiệu quả cao. Các kết quả của dự án là hoàn toàn có thể chủ động sản xuất nguồn giống ngay tại địa phương và thông qua dự án này đã đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho cán bộ Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đo lường chất lượng, sản phẩm Lạng Sơn, và các hộ nông dân có khả năng ứng dụng các tiến bộ KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn cho tỉnh Lạng Sơn.
Dự án này đem lại một số hiệu quả quan trọng trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, cụ thể:
- Cán bộ Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đo lường, chất lượng sản phẩm tỉnh Lạng Sơn được có điều kiện nghiên cứu, triển khai, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý và kinh nghiệm chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật mới tại Mẫu Sơn phục vụ phát triển nền nông nghiệp nông thôn đáp ứng tiêu chí mỗi xã một sản phẩm theo Nghị quyết HĐND đã đề ra.
- Xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nấm Hương tại vùng núi cao Mẫu Sơn đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong bộ gồm 19 tiêu chí thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019.
- Việc sản xuất giống tại địa điểm triển khai mô hình góp phần tiết kiệm vật liệu (nhập nội) sử dụng lao động tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành, do đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
- Dự án hoàn thiện các quy trình cấy giống, thiết kế lán trại, nuôi trồng, sơ chế, sấy nấm Hương theo điều kiện thực tế của địa phương, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất.
- Cung cấp cho thị trường kịp thời sản phẩm an toàn chất lượng cao giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc giống và chất lượng nấm thương phẩm.
- Đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề trong việc sản xuất bịch phôi giống nấm Hương; nuôi trồng và sơ chế nấm Hương tại vùng núi cao Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn.
- Góp phần làm tăng trình độ dân trí của người dân vùng núi cao Mẫu Sơn. Đặc biệt, dự án giúp người dân khu vực núi cao Mẫu Sơn tiếp cận với các thành tựu KH&CN mới. Ngoài ra, giúp người dân bản địa nhận thức về sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường,...
- Áp dụng phương pháp mới trong sản xuất nấm Hương tại Mẫu Sơn, Lạng Sơn đã góp phần khai thác tối đa lợi thế của địa phương vào sản xuất, làm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trong nông thôn.
- Qua việc xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ nấm Hương áp dụng phương pháp mới đã góp phần đưa nhanh các tiến bộ KHCN vào cuộc sống, từng bước cao nhận thức của nhân dân về việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh.
- Chất thải của dự án là bã nấm được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, dễ phân hủy, có thể tái chế để làm phân bón, cho các loại cây rau, đậu. Do vậy, việc thực hiện mô hình không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
2.4. Hiệu quả kinh tế - xã hội mở rộng của Dự án
Đây là cơ sở để đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào cuộc sống. Người dân vùng núi cao Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn được tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn được phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.
- Các thông tin, kết quả của dự án được công bố, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi, là điểm trình diễn mô hình sản xuất mới để các địa phương, các vùng trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập và nhân rộng.
- Hệ thống sản xuất nấm Hương bắt nguồn từ nuôi cấy mô cho phép chủ động sản xuất được giống sạch bệnh, giảm chi phí phải nhập nội. Ngoài ra, hệ thống này còn cung cấp cho thị trường sản phẩm giống sạch bệnh có chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho sản xuất, giúp người dân chủ động và yên tâm về nguồn và chất lượng giống.
- Dự án thành công đã giúp liên kết khoa học - đào tạo - sản xuất thiết thực để thực hiện thắng lợi Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 của tỉnh.
- Tạo dựng cơ sở để hình thành nghề nuôi trồng và phát triển nấm Hương ở vùng núi cao Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn.
- Dự án triển khai thành công đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người lao động. Tạo ra niềm tin và thói quen ứng dụng KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới.
- Thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo Dự án sẽ góp phần phổ biến các tri thức KH&CN. Tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho quá trình đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn nhờ ứng dụng phương pháp mới trong sản xuất.
3. Kết luận và đề nghị
- Sản xuất thành công các cấp giống nấm Hương tại Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và đo lường, chất lượng sản phẩm gồm:
+ Đã sản xuất 83 tuýp giống cấp I, tỷ lệ thành công đạt 92,22%.
+ Đã sản xuất 113 chai giống cấp II, tỷ lệ thành công 86,92%.
+ Đã sản xuất 1.666 bịch giống cấp III, tỷ lệ thành công chiếm 93,02%.
- Tổ chức sản xuất và xây dựng 01 mô hình nuôi trồng nấm Hương tại thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình:
+ Diện tích sản xuất: 1.300m2. Dựng được 10 lán nuôi trồng nấm Hương có kết cấu bằng khung thép, mái lợp nilon, xung quanh quây lưới.
+ Đã sản xuất 50.000 bịch giống nấm Hương thương phẩm tỷ lệ bịch ra nấm chiếm 82,3% số lượng bịch đem vào nuôi trồng.
+ Năng suất bình quân đạt 703,33gram/bịch. Với quy mô 50.000 bịch nấm Hương năng suất đạt 28.710,4kg nấm Hương tươi. Trong đó, sử dụng 5.600kg nấm Hương tươi thương phẩm cho mô hình sơ chế, số còn lại 23.110,4kg nấm tươi.
- Sơ chế (sấy) nấm Hương tươi thương phẩm tại khu vực núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn: Sấy 5.600kg nấm tươi thu được 805kg nấm Hương khô, tỷ lệ nấm hương tươi/khô trung bình đạt 6,69kg tươi thu 1kg khô, độ ẩm nước <12%.
- Hệ thống nhận diện, đăng ký NHTT "Nấm Hương Mẫu Sơn, Lạng Sơn", được Cục sở hữu trí tuệ ra QĐ số: 22959/QĐ-SHTT ngày 5/5/2020 về việc chấp nhận đơn hợp lệ nhãn hiệu tập thể Nấm hương Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Nhãn hiệu tập thể Nấm hương Mẫu Sơn, Lạng Sơn được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quyết định số 71307/QĐ-SHTT, ngày 03/09/2020 của Cục Sở hữu trí tuệ.
- Đã phối hợp với công ty TNHH Greeen Food Hà Nam và Công ty CP đầu tư Nông nghiệp Đông Bắc liên kết trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nấm Hương của dự án. Thiết lập các kênh tiêu thụ bằng các các phương thức: Bán trực tiếp cho người tiêu dùng và bán cho nhà phân phối, đại lý, người bán buôn.
- Đã tổ chức thành công 01 lớp tập huấn cho 30 người cư trú tại khu vực núi Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình và huyện Cao Lộc về kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế nấm Hương.
- Tổ chức thành công 01 Hội nghị đầu bờ có 40 Đại biểu tham dự để quảng bá, giới thiệu sự thành công của mô hình.
- Tổ chức thành công 01 Hội thảo góp ý kiến và xây dựng NHTT với 40 Đại biểu cho các sản phẩm nấm Hương tươi và khô từ sản phẩm của dự án.
- Đề nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã Công Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình; phòng NN&PTNT, Hội Làm vườn, Đảng ủy, HĐND, UBND, huyện Lộc Bình và huyện Cao Lộc tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và có các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển nghề nuôi trồng nấm Hương.
- Đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn ứng dụng kết quả, nhân rộng mô hình của dự án đến các địa bàn có điều kiện phù hợp.
- Đề nghị Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong các năm tiếp theo.
- Đề nghị Công ty TNHH Green food Hà Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Đông Bắc tại Lạng Sơn tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trồng nấm Hương nhằm phát triển kinh tế xã hội cho khu vực núi Mẫu Sơn, Lạng Sơn, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, tiếp tục có các phương án mở rộng vùng sản xuất, hỗ trợ người dân khi dự án kết thúc: tư vấn thiết kế lán trại; chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm Hương; liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân tại địa phương.
Nguồn: Theo báo cáo Dự án