Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN địa phương: Hàng ngàn hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ mỗi năm
Đây là con số được công bố tại hội nghị “Hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương năm 2022” do Bộ KH&CN tổ chức mới đây tại TPHCM.
Tại Hội nghị diễn ra vào ngày 8/12, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, giai đoạn từ 2018 – 2022, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN được thành lập trực thuộc các Sở KH&CN địa phương đã làm chủ được hơn 400 công nghệ; triển khai hơn 14.000 hợp đồng dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ; và thực hiện hơn 1.000 nhiệm vụ KH&CN để ứng dụng vào thực tiễn. Riêng trong năm 2022, các Trung tâm thực hiện 2.735 hợp đồng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ - chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, an toàn bức xạ, năng lượng, kiểm nghiệm - với tổng giá trị 62 tỷ đồng.
Thứ trưởng đánh giá, các trung tâm này là cầu nối quan trọng, tạo sự liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để chuyển giao các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông, hoạt động của các Trung tâm còn có những hạn chế, ví dụ, chưa quan tâm đầu tư cho việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu và liên kết theo chuỗi giá trị; chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp...
Chia sẻ hoạt động của các Trung tâm tại Hội nghị Ảnh: KA
Trong khi đó, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN cho biết, hiện nay có 26 Trung tâm được tổ chức theo hướng 3 chức năng (Ứng dụng, Thông tin, Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) trong 1; 22 Trung tâm theo mô hình 2 chức năng (Ứng dụng, Thông tin hoặc Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) trong 1; và 15 Trung tâm có chức năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Việc sắp xếp này khiến hầu hết các Trung tâm phải đảm nhiệm nhiều chức năng, dẫn đến tình trạng một nhân sự phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ hoặc cùng lúc tham gia nhiều đề tài, dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công việc. Bên cạnh đó, phần lớn nhân lực làm việc trên 10 năm, có trình độ, kinh nghiệm đều chuyển đi làm việc ở nơi khác.
Mô hình ứng dụng kỹ thuật trong chăm sóc cây cà phê ở Đắk Nông. Ảnh: TT
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ, cho biết, các Trung tâm đang gặp khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021, do Thông tư hướng dẫn ban hành chậm. Bên cạnh đó, các Trung tâm còn lúng túng trong việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, lập dự toán triển khai nhiệm vụ, tuyển dụng, bố trí nhân sự hợp lý do chưa có quy định đầy đủ về định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN; cũng như chưa có văn bản hướng dẫn xây dựng đề án vị trí việc làm theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ.
Cùng ý kiến với bà Uyên, ông Ngô Hoàng Linh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện hệ thống pháp lý đối với các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, trong đó xác định rõ danh mục dịch vụ công cho hệ thống các đơn vị sự nghiệp có chức năng ứng dụng tiến bộ KH&CN. Ngoài ra, cần có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề quản lý tài chính, các định mức kinh tế kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên, các hoạt động dịch vụ tư vấn KH&CN để giúp các Trung tâm có cơ sở xây dựng nhiệm vụ hằng năm.
Nguyễn Như Thủy – Nguồn: báo khoa học và phát triển