Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các cấp hội nông dân toàn tỉnh: Hỗ trợ nông dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân (HVND), các cấp hội nông dân (HND) trên toàn tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến nông dân.

Những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân (HVND), các cấp hội nông dân (HND) trên toàn tỉnh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho HVND .

Trước đây, Chi Lăng đã nổi tiếng là vùng trồng na thơm, ngon. Để sản phẩm na ngày càng nâng cao chất lượng, thời gian qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao KHKT đến HVND để sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Nhờ đó, đến nay, diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha (tăng 30 ha so với năm 2018), sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha (tăng hơn 500 ha so với năm 2018). Thu nhập của các hộ trồng na theo đó cũng tăng lên, từ chỗ đạt từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/hộ/năm thì hiện nay, đã có nhiều hộ đạt thu nhập từ  200 đến hơn 400 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí.

Description: https://baolangson.vn/uploads/2022/11/15/1-2.jpg

HVND thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc áp dụng KHKT vào trồng, chăm sóc cây ăn quả

Đây chỉ là một điển hình về việc HVND áp dụng KHKT trong trồng, chăm sóc cây ăn quả. Không chỉ có cây na, việc áp dụng KHKT còn được nhiều HVND ứng dụng trong trồng hồng, quýt, chăn nuôi an toàn sinh học và đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Bà Phạm Thị Huyền, HVND thôn Làng Cà, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng cho biết: Từ năm 2018 đến nay, thông qua lớp tập huấn KHKT do HND xã phối hợp tổ chức, tôi được biết đến mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Nhận thấy việc sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi chuồng trại, giữ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè và hạn chế tối đa các bệnh như hen, tiêu chảy… nên tôi đã áp dụng vào mô hình chăn nuôi gà của gia đình. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa hơn 2.000 con, đem lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Bà Huyền chỉ là một trong số nhiều HVND áp dụng thành công KHKT vào sản xuất để tăng thu nhập. Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Những năm qua, các cấp HND trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn ứng dụng chuyển giao KHKT cho nông dân. Qua đó, giúp HVND giảm chi phí sản xuất, giảm công sức lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đó, để phát huy vai trò “cầu nối” đưa KHKT đến với HVND, hội chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn KHKT dựa trên đề xuất của các địa phương và nông dân để triển khai những kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng tiếp thu, truyền thống canh tác của HVND. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội phối hợp tổ chức hơn 760 cuộc tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 33.000 lượt HVND tham gia. Nội dung tập huấn xoay quanh các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi như: cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đồng thời, các cấp HND còn tổ chức cho HVND tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như từ năm 2019 đến nay, HND huyện Hữu Lũng phối hợp tổ chức cho HVND đi Sơn La tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa và trồng cây ăn quả, tổ chức tham quan mô hình VAC tại Vĩnh Phúc… Sau tham quan, hầu hết các HVND đều áp dụng được nhiều kỹ thuật hay vào chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả tại địa phương. Ngoài ra, các cấp HND còn thường xuyên nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất để HVND học tập và ứng dụng.

Những giải pháp thiết thực trên tạo điều kiện giúp HVND đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập từ các mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Hiện toàn tỉnh có nhiều vùng sản xuất chuyên canh của HVND như: trồng cây thông tại các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc; trồng cây keo, bạch đàn tại Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định, Đình Lập… Đồng thời, hình thành nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn tỉnh.

Tiêu biểu như huyện Hữu Lũng có tổng diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt gần 500 ha, Văn Lãng có hơn 220 ha hồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, Bắc Sơn có gần 200 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Qua đó, xuất hiện nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học vào phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập từ 150 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm, số hộ HVND đạt danh hiệu hộ SXKDG ngày càng tăng qua các năm. Đơn cử như năm 2021, toàn tỉnh có 10.015 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, tăng 462 hộ so với năm 2016.

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn


Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết