Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Lạc đỏ Chi Lăng" của huyện Chi Lăng

Ngày 25/4/2024, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh- Đại học Thái Nguyên- đơn vị chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Lạc đỏ của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” phối hợp cùng Hội làm vườn huyện Chi Lăng tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng” của huyện Chi Lăng. Tham dự chương trình có Bà Bế Thị Thu Hiền- Phó Giám đốc Sở KH&CN, đại diện lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng, đại diện lãnh đạo một số phòng chuyên môn của huyện, đại diện lãnh đạo UBND các xã cùng 26 hộ sản xuất và kinh doanh Lạc đỏ trên địa bàn các xã của huyện Chi Lăng.

Tại huyện Chi Lăng, cây Lạc đỏ là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, phù hợp với tập quán canh tác của người dân trong tỉnh. Lạc đỏ huyện Chi lăng là loại sản phẩm đặc sản của địa phương và đang có chiều hướng tiêu thụ tốt. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể được coi là bước đi quan trọng nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm Lạc đỏ huyện Chi Lăng đối với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.

 

Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Lạc đỏ Chi Lăng" cho Hội Làm vườn huyện Chi Lăng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhấn mạnh “thời gian tới, để khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Lạc đỏ Chi Lăng" Hội làm vườn Huyện Chi Lăng và tổ chức có liên quan cần phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất, kinh doanh Lạc đỏ trên địa bàn huyện Chi Lăng có kế hoạch và biện pháp khai thác sử dụng tốt nhãn hiệu tập thể vì lợi ích chung và lâu dài. Qua đó, tạo niềm tin cho khách hàng để gia tăng giá trị kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương trong phạm vi vùng sản xuất, kinh doanh Lạc đỏ cũng cần tăng cường phối hợp với Hội Làm vườn huyện Chi Lăng thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy định cũng như lợi ích khi tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể  "Lạc đỏ Chi Lăng" đến người trồng Lạc, kịp thời phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý những hành vi vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể đã được cấp theo quy định.

 

Toàn cảnh buổi Lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng” của huyện Chi Lăng

Cũng tại buổi Lễ, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh- Đại học Thái Nguyên- đơn vị chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Lạc đỏ của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Hội Làm vườn huyện Chi Lăng trên các lĩnh vực quản lý, khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Lạc đỏ Chi Lăng", đồng thời tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, chế biến... tạo ra giá trị tăng thêm cho các hộ sản xuất, kinh doanh Lạc đỏ của huyện Chi Lăng.

Hình ảnh một số hoạt động diễn ra tại buổi Lễ:

 

 

 

Đặng Nguyệt Ánh