Hội đồng nghiệm thu dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lạc đỏ của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn”
Ngày 04/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn tiến hành họp Hội đồng nghiệm thu dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Lạc đỏ của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn” do Trường Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Thái Nguyên thực hiện trong thời gian 22 tháng (từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2024). Hội đồng do Bà Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh chủ trì, điều hành.
Bà Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh- Chủ tịch Hội đồng chủ trì, điều hành cuộc họp
Dự án với mục tiêu xây dựng được bộ hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Lạc đỏ của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn”; xây dựng được hệ thống tổ chức, hệ thống các phương tiện, điều kiện để quản lý và khai thác giá trị nhãn hiệu tập thể.
Sau thời gian triển khai, dự án đã tiến hành thu thập các tài liệu về vùng địa danh, lịch sử, danh tiếng của sản phẩm Lạc đỏ, huyện Chi Lăng; thu thập thông tin, khảo sát về quy mô, hiện trạng, sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ; xây dựng bản đồ địa lý khu vực sản xuất kinh doanh Lạc đỏ của huyện Chi Lăng; tiến hành phân tích một số chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm Lạc đỏ huyện Chi Lăng; xây dựng Logo, ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng” nộp Cục Sở hữu trí tuệ và được Cục chấp thuận, cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định.
Ngoài ra, dự án đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc; quy trình thu hoạch và bảo quản Lạc đỏ mang nhãn hiệu tập thể “Lạc đỏ Chi Lăng”; xây dựng hệ thống các phương tiện nhận diện thương hiệu gồm: hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; hệ thống giới thiệu và quảng bá sản phẩm (poster, tờ rơi,…); xây dựng phương án khai thác thương mại và phát triển giá trị nhãn hiệu tập thể…
Toàn cảnh Hội đồng
Nhận xét, góp ý báo cáo kết quả thực hiện, các thành viên hội đồng đánh giá cao những nỗ lực của nhóm nghiên cứu, các ý kiến đều nhất trí dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung theo hợp đồng đã ký; sản phẩm đảm bảo về số lượng, chất lượng theo đặt hàng của tỉnh; kết quả của dự án đã ứng dụng được trong thực tế… Tuy nhiên, hội đồng đề nghị chủ nhiệm dự án cần rà soát lại cách thức khi trình bày báo cáo; thống nhất các số liệu trong báo cáo; bổ sung tài liệu viện dẫn trong các chuyên đề để tăng độ tin cậy cho nghiên cứu; bổ sung các phương án tài chính, vận hành mô hình sau khi dự án kết thúc…
Tại Hội đồng, các thành viên đã nhất trí nghiệm thu dự án đạt loại Khá./.
Đặng Nguyệt Ánh