Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lang Sơn thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới
Ngày 19/6/2023, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động số 88-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới để cụ thể hóa mục tiêu, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Chương trình hành động số 88-CTr/TU là tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, phấn đấu đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định sẽ tiếp nhận và làm chủ các công nghệ sinh học chủ yếu; hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học, tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đưa Lạng Sơn trở thành tỉnh có khả năng sản xuất và cung ứng các sản phẩm công nghệ sinh học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học. Phấn đấu đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển và có đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh.
Đồng thời, tại Chương trình hành động số 88-CTr/TU cũng xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tuyên truyền của các cơ quan nhằm thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Tổ chức quán triệt, cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện.
Thứ hai, cụ thể hoá kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học. Tổ chức triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.
Thứ ba, tập trung phát triển, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống, hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học, tạo ra nhiều sản phẩm đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, lĩnh vực y dược, bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng các vắc xin và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng. Ứng dụng công nghệ sinh học để thực hiện các biện pháp thâm canh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới; xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp. Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học.
Nuôi cấy mô tế bào cây gừng núi đá tại Trung tâm ứng dụng, phát triển KH&CN và đo lường chất lượng sản phẩm Lạng Sơn
Thứ tư, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng cơ sở vật chất từng bước đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học (trong phòng chống dịch bệnh ở người, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, xử lý môi trường), thực phẩm chức năng, bảo quản, chế biến thực phẩm phù hợp với thực tiễn sản xuất của tỉnh.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học với các nước có trình độ công nghệ sinh học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... trên các lĩnh vực: đảm bảo an ninh, sản xuất nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường, chế biến thực phẩm. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học, gắn kết hợp tác về khoa học và công nghệ với hợp tác về kinh tế. Tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan đến công nghệ sinh học mà Việt Nam tham gia
Chi tiết Chương trình hành động số 88-CTr/TU tại văn bản đính kèm.
Đinh Xuân Anh
Tệp đính kèm | Size |
---|---|
CTrHD cua BTVTU thuc hien NQ 36 của Bo Chinh tri.pdf | 532.06 KB |