Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển bền vững

 

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang đóng góp thành tựu vào hầu hết tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới như xoá đói giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp, thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng…  KH&CN nói chung cùng sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói riêng có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới 2024 là: “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Chủ đề năm nay rất hay và có ý nghĩa sâu sắc, khám phá cách thức mà SHTT khuyến khích và hỗ trợ tăng cường các giải pháp ĐMST quan trọng hướng tới xây dựng tương lai chung dựa trên các SDG của Liên hiệp quốc.

Cùng với xu thế phát triển của cả nước, trong những năm gần đây sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới. Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ngày càng được quan tâm. Các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và quan tâm đến việc sáng tạo, xác lập, bảo hộ, khai thác, phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển. Qua đó góp phần quảng bá và đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Công tác triển khai các biện pháp thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện nghiêm túc và liên tục.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp theo mục tiêu của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hộ, từng bước phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo phương thức ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Vì vậy, công tác xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Sở khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát xác định sản phẩm với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ để xác định hình thức đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm.

Hình ảnh: Họp triển khai xác định các sản phẩm đăng ký bảo hộ SHTT

 Kết quả đạt được, đến nay tinh Lạng Sơn có 45 nhãn hiệu cộng đồng được xác lập dưới hình thức chỉ dẫn địa lý 04, nhãn hiệu chứng nhận 05 và nhãn hiệu tập thể 36. Các sản phẩm được bảo hộ chủ yếu tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực và dịch vụ du lịch của tỉnh như: Hồi, Thạch đen, Na, Quế, Hoa đào, du lịch Quỳnh Sơn, du lịch Đồng Lâm…

 Để thuận lợi cho quá trình quản lý, ngay trong quá trình xác lập quyền, Lạng Sơn đã giao cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng (Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) làm cơ quan quản lý đối với những sản phẩm có chất lượng. Các nhãn hiệu cộng đồng sau khi được xác lập quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm khai thác, quản lý và phát triển dần tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Đến nay đã có 04 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu hoa Hồi được trao  quyền sử dụng CDĐL Hoa Hồi Lạng Sơn, 05 chủ thể là doanh nghiệp và Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Hồng Bảo Lâm được trao quyền sử dụng CDĐL Hồng không hạt Bảo Lâm; 05 hộ kinh doanh du lịch được cấp quyền sử dụng NHCN du lịch Quỳnh Sơn,  05 hộ kinh doanh du lịch được cấp quyền sử dụng NHCN du lịch Đồng Lâm, Hữu Liên; Gần 2000 hộ sản xuất kinh các sản phẩm nông sản được cấp quyền sử dụng các nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh.

 

Để có thể khai thác và phát triển đươc các sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là sản phẩm mang nhãn hiệu công đồng, Lạng Sơn chú trọng đến:  (i) Quản lý chất lượng và nguồn gốc sản phẩm; (ii) Quản lý quy trình sản xuất sản phẩm; (iii) Quản lý việc sử dụng NHTT/NHCN/CDĐL.

Các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành các hoạt động kiểm soát bên ngoài như giám sát, kiểm tra, lấy mẫu đối chứng kiểm nghiệm, phân tích theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Hoạt động kiểm tra quản lý nhà nước đối với các nhãn hiệu cộng đồng được thực hiện định kỳ hằng năm bởi Sở Khoa học và Công nghệ. Thông qua hoạt động kiểm tra đối với các chủ thể nhãn hiệu cũng như các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được những thuận lợi và khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng sau bảo hộ.

* Thuận lợi:

100% các nhãn hiệu cộng đồng của tỉnh sau khi được xác lập đều được duy trì sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và tạo tiền đề quan trọng là sức bật thực hiện thành công các Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình xây dựng nông thôn mới và các Chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ triển khai thác thương mại và phát triển TSTT chủ yếu tập trung vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo. Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền SHTT đều được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng cơ chế quản lý NHTT, xây dựng các tài liệu kỹ thuật sản xuất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu cộng đồng và các chủ sở hữu nhãn hiệu chủ động trong hoạt động cấp, trao quyền sử dụng các nhãn hiệu cộng đồng.

Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh tích cực lồng ghép hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ, các triển lãm, trưng bày nhằm quảng bá sản phẩm và từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, kết nối thương mại.

Các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá cũng được đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của các cơ quan quản lý và nỗ lực của các doanh nghiệp và các tổ chức tập thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương đến nay nhiều sản phẩm  không ngừng được mở rộng thị trường, giá trị kinh tế của sản phẩm cũng tăng lên, tạo niềm tin cho người lao động tích cực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tích cực phát huy vai trò trong việc quản lý và phát triển quyền SHTT. Các sản phẩm nông sản của tỉnh sau khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

* Mặc dù vậy, công tác xác lập, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ của tỉnh Lạng Sơn đối với nhãn hiệu cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như:

- Về hoạt động quản lý NHTT/NHCN/CDĐL

+ Vai trò và chức năng của chủ sở hữu NHCN/CDĐL chưa rõ ràng: Hiện nay, do chủ sở hữu NHCN/CDĐL là các cơ quan quản lý tại địa phương, mặc dù có toàn quyền đối với NHCN/CDĐL, nhưng lại không có nguồn lực (cả con người và tài chính) để phát triển.

+ Vai trò và chức năng của chủ sở hữu NHTT còn hạn chế: Chủ sở hữu NHTT còn hạn chế về năng lực và cả nguồn lực (con người và tài chính) dẫn đến sự thiếu chủ động tạo sức ép trách nhiệm lên các cơ quan nhà nước.Việc tuân thủ những nguyên tắc về hành động tập thể còn yếu, vai trò của cộng đồng chưa được phát huy.

+ Hoạt động quảng bá đối với người tiêu dùng trên thị trường còn mờ nhạt: Hoạt động quảng bá các sản phẩm mang NHTT, NHCN, CDĐL chưa thường xuyên, một số sản phẩm chưa kết nối được với doanh nghiệp, hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Do đó, chưa trở thành một dấu hiệu nhận diện, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng, mặc dù nhu cầu đối với sản phẩm gắn với NHTT, NHCN CDĐL là khá lớn.

- Về công tác quản lý nhà nước đối với các nhãn hiệu cộng đồng:

+ Chưa văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện kiểm tra quản lý nhà nước đối với các tài sản trí tuệ của cộng đồng gây bất cập trong hoạt động quản lý nhà ngược tại địa phương.

+ Lực lượng công chức làm công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương mỏng phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác nhau.

- Công tác xác lập và khai thác quyền sở hữu trí tuệ: Số lượng sáng chế/giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, áp dụng còn hạn chế; Việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi; Việc hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực nông sản xuất khẩu của Lạng Sơn ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn như thời gian tiến hành đăng ký dài, trong khi đó quy định về thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước ngắn, khó xác định số kinh phí đăng ký dẫn đến việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gặp khó khăn.

- Công tác thực thi: Vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra phức tạp, chưa có chương trình phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi về SHTT.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xác lập, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ cần có một số giải pháp cụ thể như:

Một là, về cơ chế chính sách Bộ KH&CN cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nghiên cứu giải pháp/chính sách để tháo gỡ những khó khăn trong việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra nước ngoài từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Ban hành văn bản hướng dẫn quy trình kiểm tra quản lý nhà nước đối với các tài sản trí tuệ (nhãn hiệu cộng đồng) sau bảo hộ để phục vụ công tác quản lý; Ban hành cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi.

Hai là, thường xuyên bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin tra cứu về SHTT cho địa phương.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin với các cơ quan QLNN về SHTT ở địa phương để nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình đăng ký xác lập quyền SHTT.

Bốn là, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường phân cấp xử lý đơn cho địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc triển khai các hoạt động xác lập, quản lý và phát triển các đối tượng SHTT cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng các chương trình truyền thông về SHTT.

Có thể nói, khoa học và công nghệ luôn đồng hành và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo, kết nối cùng các doanh nghiệp, đề xuất và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy hoạt động SHTT và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung./.

 

                                                                                                  Vy Thúy