Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

 

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Hệ thống thể chế, các cơ chế, chính sách pháp luật được ban hành đồng bộ, kịp thời, sát với thực tiễn; thủ tục hành chính được rà soát, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính quyền địa phương cấp xã cũng như tổ chức tự quản thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh từng bước tinh gọn, phù hợp với lộ trình phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trình độ, năng lực và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được chuẩn hoá, nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hình mới; việc phân cấp quản lý tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương chủ động trong quản lý, điều hành hiệu quả, có cơ chế phù hợp khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ về tài chính; việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và tăng cường chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong đổi mới lề lối làm việc, từng bước nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, qua kết quả công bố Chỉ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh chưa ổn định, thiếu tính bền vững. Theo đó, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để đo lường dựa trên thực tế nhằm đánh giá một cách toàn diện, chính xác, đảm bảo sự hài lòng của người dân theo hướng bền vững, thực hiện thành công theo quan điểm và mục tiêu mà Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra tại Nghị quyết số 60-NQ/TU ngày 15/12/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030.

Xuất phát từ những kết quả nêu trên, để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, mong đợi của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 60-NQ/TU ngày 15/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, Sở Nội vụ đã đề xuất triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 26/8/2022.

Triền khai thực hiện các nội dung Đề tài khoa học, nhóm đề tài đã tập trung nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày càng phát triển, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của người dân, tổ chức.

Ảnh: Hội thảo khoa học “Lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo đề xuất khung công cụ đo lường chỉ số hài lòng của người dân (Chỉ số SIPAS) đối với cơ quan cấp Huyện và cấp Sở của tỉnh Lạng Sơn” thuộc đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Sau 01 năm triển khai, Đề tài nghiên cứu đã xây dựng một khung lý thuyết làm cơ sở khoa học cho việc phân tích, đánh giá thực trạng của việc CCHC cũng như mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đề tài cũng đã thực hiện nghiên cứu về chỉ số SIPAS và sự tác động đến cải cách hành chính tại địa phương. Nghiên cứu thực trạng công tác cải cách hành chính tỉnh Lạng Sơn giai đoạn từ 2018 đến 2022 và kinh nghiệm cải thiện chỉ số SIPAS của một số địa phương có điều kiện tương đồng và bài học cho tỉnh Lạng Sơn. Nghiên cứu thực trạng của việc đo lường chỉ số SIPAS trên địa bàn tỉnh và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn từ 2018 đến 2022. Bên cạnh đó, đề tài cũng phân tích và đánh giá chỉ số SIPAS theo các tiêu chí thành phần của tỉnh Lạng Sơn đối với cơ quan hành chính cấp Huyện và cấp Sở. Trên cơ sở phân tích các dữ liệu về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, trong đó có phân tích kết quả chỉ số SIPAS của tỉnh Lạng Sơn, nghiên cứu đã xác định các vấn đề đặt ra cần phải có giải pháp hữu hiệu để gia tăng kết quả tích cực của chỉ số SIPAS tại các địa phương nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng theo hướng ổn định, bền vững.

Đề tài đã xây dựng và đề xuất các giải pháp gắn với đặc thù và điều kiện thực tế của tỉnh Lạng Sơn nói chung, nền hành chính của tỉnh nói riêng, gồm những giải pháp cụ thể sau:

Một là, Giải pháp về cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó tập trung đề xuất giải pháp về hoàn thiện chính sách đãi ngộ, xây dựng môi trường làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Giải pháp về Chính sách đào tạo, bồi dưỡng; Giải pháp về chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức:

Cần nhanh chóng tổ chức thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết Nghị quyết 69/2022/QH15. Cùng với đó cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, công khai, minh bạch các thông tin về chính sách, nhất là những chính sách mới ban hành liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Cân đối và bổ sung nguồn hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là CBCCVC làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, CBCCVC là người dân tộc thiểu số, CCVC làm việc tại các phòng tiếp dân, bộ phận Một cửa, Một cửa liên thông để động viên kịp thời và giữ chân CBCCVC.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức, đạo đức nghề nghiệp; nâng cao văn hóa công sở và văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, các quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Môi trường làm việc của CBCCVC là nơi thực hiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của họ, bao gồm các yếu tố: Đặc điểm công việc chuyên môn; cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, điều kiện sinh hoạt chuyên môn, sự cạnh tranh công bằng…, có ảnh hưởng mang tính thường xuyên và trực tiếp đến năng lực làm việc của CBCCVC.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo hường chuẩn hoá và nâng cao năng lực, trình độ đối với CBCC cấp xã, đặc biệt là nguồn CBCC tại chỗ. Có chính sách và lộ trình ĐTBD dự nguồn  để bổ sung cho ngân lực khu vực công trên địa bàn tỉnh. Cải cách chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Ngoài các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức, cần tăng cường các khoản tiết kiệm chi thường xuyên, các dịch vụ sẵn có cho nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ thêm một phần các khoản chi phí mà người học không được chi theo quy định: chi phí học chuyển đổi, lệ phí ôn thi đầu vào, kinh phí thực tế cuối khóa,… để giảm bớt khó khăn cho viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần quan tâm động viên về mặt tinh thần, tạo điều kiện về mặt thời gian, hỗ trợ giải quyết công việc trong thời gian viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo sự an tâm đối với viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo sự ủng hộ của toàn thể viên chức để chính sách tiếp tục triển khai thực hiện và đạt kết quả cao hơn, đồng thời khắc phục những bất hợp lý của chế độ chính sách chung. 

Cần xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng phù hợp, khoa học, nghĩa là việc tuyển dụng, sử dụng CBCCVC  phải được thực hiện theo nguyên tắc gắn với vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Chính sách đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp đánh giá phù hợp: có đánh giá trong và đánh giá ngoài. Việc đãi ngộ cần đúng người, đúng công trạng, có giá trị tương xứng và công khai để CBCCVC thực sự hứng thú, hăng say, sáng tạo.

Hai là, Giải pháp tăng cường giám sát và tuyên truyền về hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tập trung đề xuất giải pháp tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ người dân.

Bên cạnh sự tham gia của người dân vào các hoạt động của người dân, tổ chức, doanh nghiệp gắn với việc cung ứng dịch vụ công và xây dựng, tổ chức thực thi chính sách, cũng cần có sự giám sát của các cơ quan chuyên môn như Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội. Hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát theo chuyên đề một mặt đảm bảo tính khách quan trong đánh giá kết quả, cũng là hình thức thẩm định hoạt động của các cơ quan hành chính trong phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Mặt khác, cũng là cách để điều chỉnh kịp thời những vẫn đề phát sinh, gây khúc mắc để nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người dân. Để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động giám sát cũng như cho các cơ quan hành chính các cấp, cần tổ chức giám sát liên ngành, phối hợp giữa các cơ quan dân cử với các cơ quan chuyên môn. Đối với những phản ánh, kiến nghị của người dân gây tác động tiêu cực đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân đối với cả hệ thống chính trị, cần phải thực hiện giám sát chuyên đề. Bên cạnh đó, cũng cần có đánh giá kết quả giám sát và đề xuất những giải pháp, chế tài xử lý những trường hợp sai phạm hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực.

Để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả, bên cạnh hệ thống các cơ quan truyền thông chính thống, cũng cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như tổ chức các cuộc thi về xây dựng phong cách người công chức chuẩn mực; dán các khẩu hiệu tại các trụ sở làm viêc của các cơ quan nhà nước; phát động phong trào học tập theo các gương sáng điển hình. Thông qua các cán bộ không chuyên trách ở cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố để tuyên truyền cho người dân về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia phản biện, góp ý xây dựng góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ trong nền hành chính ở địa phương.

Ba là, Giải pháp về hoàn thiện hạ tầng số, trong đó đề xuất giải pháp chung và một số giải pháp cụ thể; giải pháp đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng số; giải pháp Đầu tư trang thiết bị công nghệ phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ công.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; triển khai kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định.

Phát triển, duy trì hoạt động ổn định nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); kết nối liên thông đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chuyển đổi số của tỉnh.

 Duy trì hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng hiệu quả các nền tảng, ứng dụng dùng chung của tỉnh đã triển khai như: hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh... phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, Đề xuất khung công cụ đo lường công cụ đo lường chỉ số hài lòng của người dân (Chỉ số SIPAS) đối với các cơ quan cấp huyện và cấp sở của tỉnh Lạng Sơn.

Xây dựng công cụ đo lường chỉ số hài lòng của người dân (Chỉ số SIPAS) đối với các cơ quan cấp huyện và cấp sở của tỉnh Lạng Sơn nhằm đánh giá, xếp loại các cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện CCHC nhằm nâng chất lượng và hiệu quả phục vụ đối với người dân, tổ chức.

 Kết quả đánh giá, xếp loại từ việc đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính cấp sở, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là căn cứ quan trọng để các cấp Ủy đảng và cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; xét thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân hàng năm.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại theo chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính cấp sở, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo năm theo Quyết định phê duyệt và công bố kết quả đánh giá, xếp loại của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị xác định được mức độ đạt yêu cầu về chất lượng hoạt động; đồng thời có cơ sở khoa học để đề ra các giải pháp phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai chương trình cải cách hành chính cũng như cải thiện chỉ số SIPAS, nâng cao sự hài lòng của người dân. Với kết quả nghiên cứu đề tài đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài và đánh giá xếp loại Đạt./.

Hoàng Thị Hiên