BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH LẠNG SƠN ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ TÁN SỎI ĐƯỜNG MẬT BẰNG LASER QUA DA
Sỏi mật là một bệnh lý hay gặp ở Việt Nam cũng như ở các nước khác trên thế giới, bệnh có diễn biến phức tạp, có nhiều biến chứng có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ cũng như đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Sỏi mật có thể gặp ở các vị trí khác nhau sỏi túi mật, sỏi đường mật gan phải, sỏi đường mật gan trái, sỏi đường mật gan trái hoặc sỏi ống gan chung. Thành phần hoá học chủ yếu của sỏi vẫn là sắc tố mật và muối mật. Về đại thể, sỏi có màu nâu hoặc đen, bên trong màu vàng, mật độ mềm và dễ vỡ. Số lượng sỏi thường kích thước khác nhau từ vài milimet đến vài centimet (3 - 4 cm). Tuỳ từng vị trí của sỏi gây biến đổi hình thái gan ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay có nhiều phương pháp điều trị sỏi mật, như là điều trị nội khoa, kháng sinh, giảm đau, giãn cơ, điều trị thủ thuật (nội soi mật tuỵ ngược dòng lấy sỏi), phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi lấy sỏi. Các phương pháp điều trị đang thực hiện đều có nhược điểm là sót sỏi, gây tỷ lệ tái phát sỏi mật rất cao. Hiện nay, phương pháp tán sỏi đường mật qua da bằng laser cho phép tiếp cận và tán được sỏi ở mọi vị trí của đường mật, kể cả sỏi ở những ống gan nhỏ nhất mà mổ mở cũng không thể lấy được. Đây là phương pháp ít xâm lấn, thích hợp với người cao tuổi và người phẫu thuật đường mật nhiều lần; người bệnh gần như không đau, ít biến chứng, nhanh hồi phục nên rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị. Tán sỏi đường mật qua da bằng laser là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay giúp điều trị sỏi đường mật, sỏi trong gan hiệu quả, an toàn.
Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu ứng dụng triển khai kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và giao trực tiếp cho Bệnh viên Đa khoa là đơn vị chủ trì thực hiện, với Đồng chủ nhiệm đề tài là BSCKII Trần Mậu Việt và TS. BS Lê Tuấn Linh.
Triển khai thực hiện các nội dung thực hiện đề tài Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử 02 bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tham gia đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nay các bác sĩ tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này và điều trị cho nhiều bệnh nhân đạt kết quả tốt.
Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng sơn đã phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật bằng laser qua da cho 15 bệnh nhân, kết quả điều trị cho thấy:
Về đặc điểm lâm sàng: Tỷ lệ nữ/nam bằng 1.5 và Tuổi trung bình của nghiên cứu của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi (60,2 ± 17,2) tương đồng với độ tuổi trung bình nghiên cứu các tác giả khác. Triệu chứng cơ năng thường là lý do đến viện, nghiên cứu cho thấy triệu chứng đau đau bụng chiếm 100%, Trong nghiên cứu có 2 bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp chiếm tỷ lệ 13,3%; 01 bệnh nhân bị basedow chiếm tỷ lệ 6,7%; có 7 bệnh nhân đã phẫu thuật lấy sỏi đường mật chiếm tỷ lệ cao nhất 46,7%, đứng thứ hai là bệnh nhân đã cắt túi mật chiếm 20%, có 1 bệnh nhân đã được phẫu thuật ổ bụng khác (chiếm 6,7%).
Ảnh: Tán sỏi qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Về đặc điểm cận lâm sàng: Có 6 bệnh nhân có tăng bạch cầu trên 10 G/L chiếm 40%, giá trị trung bình là 10,0 ± 3,7. Ngoài ra tỷ lệ bạch cầu trung tính trung bình của nghiên cứu là 78,4 ± 14,7%. 10 bệnh nhân có tăng bilirubin toàn phần, chiếm 66,7%, bệnh nhân có bilirubin toàn phần trong giới hạn bình thường chiếm 33,3%. có 8 bệnh nhân được xét nghiệm vi khuẩn học dịch mật lấy sau dẫn lưu, trong đó 3 trường hợp có vi khuẩn trong dịch mật nuôi cấy dương tính chiếm 20%, 5 trường hợp kết quả cấy dịch mật âm tính, chiếm 33,3%. Về chẩn đoán hình ảnh có 13 bệnh nhân được phát hiện có sỏi đường mật trên siêu âm chiếm 93,3%, 2 trường hợp không phát hiện có sỏi đường mật chiếm 6,7%.có 13/15 bệnh nhân được phát hiện có sỏi đường mật trên phim chụp cắt lớp vi tính chiếm tỷ lệ là 93,3%. Kích thước OMC các trường hợp có giãn OMC trung bình là 18,8 ± 8,9 mm, trường hợp giãn OMC nhiều nhất là 34 mm. Về Tính chất sỏi trong nghiên cứu có 9 bệnh nhân có sỏi ống mật chủ đơn thuần chiếm 60 %; Tỷ lệ bệnh nhân có sỏi ống mật chủ và sỏi gan phải chiếm tỷ lệ 13,3%; bệnh nhân có sỏi ống mật chủ và sỏi gan trái chiếm tỷ lệ 13,3%. Tỷ lệ sỏi trong gan 2 bên hoặc sỏi trong gan 1 bên không có sỏi OMC phối hợp có tỷ lệ bằng nhau là 6,7%. Như vậy vị trí sỏi OMC đơn thuần chiếm tỷ lệ cao nhất.
Đánh giá hiệu quả tán sỏi mật bằng laser qua da: Có 13 bệnh nhân được tạo đường hầm vào nhánh đường mật gan phải chiếm 86,7%, 2 bệnh nhân được tạo đường hầm và nhánh đường mật gan trái chiếm 13,3%. có 2 bệnh nhân đặt dẫn lưu đường mật gan trái đều đặt dẫn lưu đường mật - đường hầm tán sỏi từ nhánh đường mật bên trái phù hợp để tán sỏi trực tiếp cùng bên. Các bệnh nhân nghiên cứu được đặt dẫn lưu thì một chủ yếu gặp triệu chứng đau vị trí đặt dẫn lưu, đây cũng là triệu chứng thường gặp ở các nghiên cứu khác khi các bệnh nhân có đặt dẫn lưu đường mật gan phải. 100% bệnh nhân phải sử dụng rọ lấy sỏi phối hợp với laser. Theo kết quả nghiên cứu thời gian từ sau tán sỏi đến khi ra viện trung bình là 5,9 ± 3,1 ngày, số ngày nhiều nhất từ sau tán đến khi ra viện là 16 ngày, số ngày ít nhất là 3 ngày. Có 2/15 bệnh nhân gặp các biến chứng trong và sau can thiệp, chiếm 13,4%. Biến chứng gặp phải là chảy máu đường mật với 1 trường hợp, chiếm 6,7%, trường hợp phải tiến hành nút mạch cấp cứu; 1 trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng đường mật sau can thiệp, chiếm 6,7%. Bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định, sinh hoạt bình thường khi xuất viện kết quả điều trị là khỏi là 15/15 bệnh nhân chiếm 100%.
Ảnh: Hội thảo Khoa học về kết quả điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng laser
Với Kết quả nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân sỏi đường mật như trên, Hiện nay Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã làm chủ được kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng Laser với đội ngũ y bác sỹ được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo Bác sĩ chuyên khoa I Lý Kiên Trung - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết “Sau khi kết thúc số bệnh nhân nghiên cứu theo đề tài, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp tục điều trị kỹ tuật tán sỏi đường mật qua da bằng laser cho trên 150 bệnh nhân, kết quả 150 bệnh nhân điều trị khỏi và có sức khỏe ổn định, ngoài ra Bệnh viên còn chuyển giao kỹ thuật điều trị cho một số bệnh viện của các tỉnh khác”
“Tán sỏi đường mật qua da bằng laser là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về can thiệp đường mật, kỹ năng về nội soi đường mật và tán sỏi bằng laser. Bên cạnh đó, để thực hiện được kỹ thuật này thì cơ sở y tế cũng cần phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị hiện đại. Do vậy hiện nay trên cả nước, chưa nhiều bệnh viện triển khai được kỹ thuật tán sỏi mật trong gan bằng laser. Phương pháp này được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn là một bước tiến quan trọng trong công tác khám và điều trị bệnh nhân sỏi mật”. Bác sĩ CKII Trần Mậu Việt - Phó giám Đốc Bệnh viện Đa khoa cho biết.
Tán sỏi mật qua da bằng laser là bước đột phá, mở ra hi vọng mới trong điều trị bệnh lý sỏi mật cho người bệnh. Từ đây, phương pháp tán sỏi mật qua da sẽ dần thay thế hoàn toàn phương pháp mổ mở truyền thống, giúp nhân dân trong tỉnh được điều trị bằng phương pháp hiện đại, hiệu quả, an toàn mà không phải chuyển tuyến. Với việc áp dụng thành công kỹ thuật điều trị tán sỏi mật qua da bằng laser, đề tài do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thực hiện đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh đánh giá, nghiệm thu đạt loại Xuất sắc./.
Đỗ Thu Hạnh