Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ - Góp phần xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ

Văn hóa SHTT là gì và phải làm thế nào để xây dựng văn hóa SHTT? Đến nay, chưa có một khái niệm cụ thể về văn hóa SHTT nhưng có thể nhận định văn hóa SHTT là tổng hòa các giá trị tinh thần từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến SHTT. Nói đến văn hóa SHTT đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, hành vi của con người đối với các vấn đề SHTT. Có thể nói văn hóa SHTT là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác. Bản chất của văn hóa SHTT là ý thức về vấn đề SHTT được hình thành trong xã hội. Chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT thì hệ thống SHTT mới vận hành hiệu quả. Văn hóa SHTT có thể được sử dụng như một công cụ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội khi được nhìn nhận một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, được thiết lập cân bằng và phù hợp. Văn hóa SHTT có vai trò quan trọng:

- Đối với quốc gia: Văn hóa SHTT là nền tảng xã hội không thể thiếu trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc mở rộng đầu tư, tạo ra công nghệ tiên tiến và tự chủ công nghệ của một quốc gia; đồng thời góp phần ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, một quốc gia có nền tảng văn hóa SHTT tốt sẽ có lợi thế quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là điều kiện quan trọng để tham gia các hiệp định hợp tác song phương, đa phương.

- Đối với hệ thống giáo dục: Việc giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về SHTT cần được thực hiện theo hướng khuyến khích tạo ra tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng văn hóa SHTT, lấy thế hệ trẻ làm nền tảng bởi họ là nguồn thụ hưởng thành quả trí tuệ từ thế hệ trước, là người trực tiếp tham gia, thiết lập quá trình phát triển của xã hội, là khởi nguồn để tạo ra những đổi mới.

- Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Việc tạo dựng và khai thác văn hóa SHTT sẽ giúp doanh nghiệp duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh, uy tín trên thị trường. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa SHTT, có hoạt động sản xuất, kinh doanh từ tài sản trí tuệ sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, có tri thức và sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, việc hình thành văn hóa SHTT sẽ tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực cho sự phát triển của xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập, tình trạng xâm phạm quyền SHTT càng phổ biến nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền SHTT là rất cần thiết. Một trong các giải pháp quan trọng là hình thành văn hóa SHTT trong từng cá nhân, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác. Để hình thành và phát triển văn hóa SHTT tại Việt Nam, cần tạo dựng môi trường tốt cho sự phát triển của văn hóa SHTT do văn hóa SHTT tốt không chỉ được quyết định bởi bản thân hệ thống SHTT mà còn bởi môi trường văn hóa của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, để văn hóa SHTT trở thành yếu tố nền tảng của xã hội, cần có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, trường học, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là thế hệ trẻ...

Khung pháp luật về sở hữu trí tuệ đầy đủ, các công cụ quản lý Nhà nước đủ mạnh, nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp là những yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của  hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia. Và nền tảng giúp cho hệ thống tiến từng bước vững chắc chính là sự tôn trọng công sức sáng tạo, là nhận thức chung của cộng đồng đối với sở hữu trí tuệ, để từ đó, các hoạt động xác lập quyền, quản lý và khai thác quyền cùng những hoạt động bổ trợ có được mảnh đất màu mỡ để vươn lên mạnh mẽ nhất.

Hệ thống sở hữu trí tuệ, hơn bao giờ hết, đang đứng trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn. Nền kinh tế tri thức, với sự xuất hiện của các xu hướng công nghệ mới, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đang dẫn dắt nền kinh tế, đòi hỏi phải thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát huy tài sản trí tuệ. Đáp ứng đòi hỏi của quá trình này, hệ thống sở hữu trí tuệ cũng phải chuyển mình, theo kịp với sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, để tạo ra định chế mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà sáng tạo, của các doanh nghiệp, từ đó gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế đất nước.

Vì vậy, đánh giá cao tầm quan trọng của nhận thức của cộng đồng đối với sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ nên lần đầu tiên Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/8/2019 đã đề cập tới thuật ngữ “văn hoá sở hữu trí tuệ”, trong đó “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ” là một trong chín nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đề ra.

          Việc đưa giải pháp hình thành “văn hoá sở hữu trí tuệ”  vào Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 là một bước tiến vượt bậc trong những nỗ lực kéo dài suốt 40 năm qua của hoạt động Sở hữu trí tuệ. Có thể nói, đây là điểm sáng trong Chiến lược sở hữu trí tuệ, với quyết tâm để từng người dân, từng thành phần kinh tế - xã hội có thể thấm nhuần ý thức tôn trọng và tôn vinh thành quả sáng tạo của con người.

Tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu càng cao về cơ chế, năng lực phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam, góp phần hình thành văn hóa SHTT trong xã hội. Đây là một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tỉnh ta có đường biên giới với Trung Quốc dài 231,74 km; có 11 cửa khẩu: 02 cửa khẩu quốc tế và 09 cửa khẩu phụ trải dài qua 05 huyện biên giới. Cùng với xu thế phát triển của cả nước, trong những năm gần đây sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới. Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ngày càng được quan tâm. Các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và quan tâm đến việc sáng tạo, xác lập, bảo hộ, khai thác, phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trong xã hội việc vi phạm quyền SHTT vẫn diễn ra khá phổ biến, người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm là hàng vi phạm quyền SHTT do giá cả cạnh tranh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT trong phát triển sản phẩm, về lâu dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt hiện nay chưa có các chương trình giáo dục phù hợp nhằm hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Cụ thể hóa Chiến lược Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Đề án triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 20230 trong đó nội dung “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội” với một số giải pháp pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ - Góp phần xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ:

Một là,  tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cổng thông tin điện tử của tỉnh; Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh... nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT, hình thành văn hóa SHTT trong xã hội.

Hai là, tăng cường tuyên truyền pháp luật, thủ tục đăng ký quyền SHTT, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thành tựu của hoạt động SHTT.

Ba là,  xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhằm từ đó tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chính sách, pháp luật quốc gia và quốc tế về SHTT đến cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên; khuyến khích đội ngũ này tham gia vào các hoạt động liên quan đến quyền SHTT và thi hành quy định về quản lý hoạt động SHTT trong các cơ sở giáo dục.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT, cần đổi mới hình thức, tiếp cận đa chiều trong tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, đơn vị sẽ phối hợp xây dựng video, đồ họa với hình ảnh, âm thanh, công cụ tương tác hiện đại, giới thiệu trên cổng thông tin điện tử, các mạng xã hội nhằm lan tỏa nhanh thông điệp, nội hàm về SHTT. Khảo sát cụ thể đối tượng, nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để đưa ra cách thức tập huấn phù hợp. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về SHTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT đến các cơ quan quản lý các cấp, các ngành và trong toàn xã hội. Từng bước hình thành văn hóa SHTT trong cộng đồng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030.

 

Vy Thúy