Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thách thức trong phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Việt Nam hy vọng sẽ xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực và trở thành một điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

/upload/105367/20241004/grab1d21eTTX1.jpg

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ chủ chốt trong thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số Việt Nam trong năm 2024.

Cùng với đó là blockchain (chuỗi khối), bigdata (dữ liệu lớn) và IoT (Internet vạn vật).Việt Nam đã sớm nhận thức tầm quan trọng của việc tìm kiếm và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực.

Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Chiến lược này kết hợp cùng Luật Công nghệ cao 2008 đã trở thành khung pháp lý giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần được nghiên cứu và triển khai trên cơ sở có đầy đủ các quy định và chính sách cụ thể liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cũng như sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong các hoạt động phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Từ nguồn nhân lực thiếu…

Trong những năm gần đây, nhiều mô hình về trí tuệ nhân tạo do Việt Nam phát triển như PhoGPT, VinBrain, LovinBot hay FPT AIMentor…

Ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot trí tuệ nhân tạo, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) cho biết: "Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030."

Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trí tuệ nhân tạo không chỉ là công cụ hữu ích mà còn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và tồn tại của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, cần đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề nguồn nhân lực và việc phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay, nhân lực làm việc được trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn rất thiếu.

Mỗi năm, nguồn nhân lực này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng, trong khi chỉ có khoảng 30% trong số 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường hàng năm có thể làm việc liên quan tới trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh việc thiếu hụt nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức khác như thiếu cơ hội tiếp cận với các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về trí tuệ nhân tạo để đánh giá và thẩm định sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp...

Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở giáo dục, trường đại học đã có những bước đi tiên phong nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai trí tuệ nhân tạo.

Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân chia sẻ, Đại học Quốc gia Thành phố được định hướng để phát triển thành một đại học hàng đầu khu vực, trong đó công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo là ba mũi nhọn.

Tính riêng tổng quy mô các khối ngành đào tạo liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Đại học Quốc gia có khoảng 6.000 sinh viên đại học, 1.000 học viên cao học, 300 thầy, cô giáo. Đại học Quốc gia Thành phố mong muốn được đóng góp nguồn nhân lực cao cấp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho đất nước.

… đến hoàn thiện chính sách AI có trách nhiệm

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược này là đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

 

/upload/105367/20241004/grab1f60bTTX2.jpg

Giáo viên tại Ninh Thuận sử dụng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm định hướng chiến lược gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trí tuệ nhân tạo; xây dựng hạ tầng dữ liệu, tính toán để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển môi trường hỗ trợ cho trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực khác nhau; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Với những nỗ lực này, Việt Nam hy vọng sẽ xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo uy tín trong khu vực và trở thành một điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chiến lược, Việt Nam đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đóng góp của nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo được xã hội và thế giới ghi nhận.

Nhiều sản phẩm dựa trên trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong cuộc sống. Một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho trí tuệ nhân tạo và từng bước cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Mới đây, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, thiết kế, phát triển, cung cấp các hệ thống trí tuệ nhân tạo được khuyến khích áp dụng các nội dung trong tài liệu hướng dẫn.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với xu thế chung trên thế giới, các hệ thống trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, xã hội và nền kinh tế Việt Nam thông qua việc hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn mà con người, cộng đồng đang phải đối mặt.

Song song với quá trình đó, cần nghiên cứu, có biện pháp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo và cân đối các yếu tố kinh tế, đạo đức và pháp lý liên quan.

Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn để định hướng kể cả đó là các quy định mềm và không có tính ràng buộc.

Hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ 9 nguyên tắc trong nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Đó là tinh thần hợp tác, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tính minh bạch; khả năng kiểm soát; nguyên tắc an toàn; nguyên tắc bảo mật; quyền riêng tư; tôn trọng quyền và phẩm giá con người; hỗ trợ người dùng; trách nhiệm giải trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, đạo đức trong trí tuệ nhân tạo đang là vấn đề nghị sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên toàn thế giới.

Đây không đơn thuần là vấn đề học thuật, cũng không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà liên quan đến sự phát triển của con người, của quốc gia và nhân loại. Đạo đức và trách nhiệm trong trí tuệ nhân tạo nằm ở tất cả các khâu, từ xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện, và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Nêu quan điểm về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn khác so với những công nghệ trước đó. Khả năng thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của người máy cũng là thách thức đối với các nhà lập pháp trong bối cảnh mới.

Cũng theo Tiến sỹ Đỗ Giang Nam, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc xây dựng trí tuệ nhân tạo cần tuân thủ nguyên tắc chung và nguyên tắc điều chỉnh cho từng lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận "mềm hóa" đề cao các giá trị đạo đức, độ tin cậy và trách nhiệm là chìa khóa để phát triển trí tuệ nhân tạo một cách bền vững.

"Niềm tin là nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Để đạt được điều này, cần có những công cụ đủ mạnh để đảm bảo trí tuệ nhân tạo được sử dụng một cách có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào các trụ cột lõi bao gồm tính hợp pháp, đạo đức và bền vững công nghệ, cách tiếp cận "vị nhân sinh" lấy con người làm trung tâm, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động phát triển trí tuệ nhân tạo," Tiến sỹ Đỗ Giang Nam cho biết thêm.

Trong bối cảnh hiện nay, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và dự đoán xu hướng mà còn tạo ra những ứng dụng hữu ích trong tương lai ở các lĩnh vực tự động hóa quá trình sản xuất đến hỗ trợ y tế, giao thông thông minh và nhiều lĩnh vực khác.

Trong triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trí tuệ nhân tạo đã và đang được Chính phủ coi là một trong những công cụ hữu hiệu tạo ra những đột phá quan trọng trong tương lai./.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam