Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu điểu chỉnh mở rộng khu vực địa lý “Bảo Lâm” cho quả hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

TÓM TẮT

            Hồng không hạt Bảo Lâm là đặc sản của tỉnh Lạng Sơn. Nhờ có chất lượng đặc thù gắn với khu vực địa lý nên sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Khu vực bảo hộ gồm 3 xã nhưng có 10 xã/thị trấn đang trồng. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng quả hồng không hạt tại 07 xã/thị trấn còn lại tương đương với 03 xã đã bảo hộ. Nghiên cứu điều chỉnh mở rộng khu vực địa lý “Bảo Lâm” cho thấy: Chất lượng cảm quan, lý hóa của quả hồng không hạt tại khu vực mở rộng và khu vực đã bảo hộ không có sự khác biệt nhiều; Khu vực địa lý trồng hồng không hạt Bảo Lâm có đặc điểm điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây hồng sinh trưởng và phát triển. Do đó, đề xuất điều chỉnh mở rộng vùng bảo hộ CDĐL từ 3 xã lên 10 xã/thị trấn, nhằm đảm bảo tính công bằng, bảo tồn, gìn giữ một giống hồng bản địa gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử phát triển của địa phương.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hồng không hạt Bảo Lâm là đặc sản của tỉnh Lạng Sơn. Theo tiếng của dân tộc Tày, Hồng không hạt còn được gọi là Mác hồng, còn chúng ta hay gọi là hồng ngâm do trước khi ăn, phải ngâm hồng qua nước để khử chát. Nhờ có chất lượng đặc thù gắn với khu vực địa lý nên hồng không hạt Bảo Lâm đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL số 00032 theo Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ. Khu vực bảo hộ CDĐL gồm 3 xã (Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn) thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Đến nay, hồng không hạt Bảo Lâm được trồng chủ yếu tại 10 xã/thị trấn là: Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa, Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng. Tuy nhiên, chỉ 03 xã nằm trong khu vực bảo hộ CDĐL là Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn chiếm 50% sản lượng hồng không hạt Bảo Lâm, 07 xã/thị trấn còn lại có sản lượng khoảng 50% hồng không hạt ở khu vực này. Có nhiều ý kiến cho rằng chất lượng quả hồng không hạt tại 07 xã/thị trấn còn lại cũng có chất lượng tương đương với 03 xã đã được bảo hộ. Thậm chí các cây đầu dòng tại các xã ngoài vùng bảo hộ, chất lượng của quả hồng ngoài vùng bảo hộ có chất lượng quả, kích thước quả tốt hơn; trong khi diện tích trồng trong vùng bảo hộ đã sụt giảm.... Vì vậy, địa phương đang có nhu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL thêm 07 xã/thị trấn, nhằm đảm bảo tính công bằng về khả năng tiếp cận CDĐL cho người dân trong cộng đồng sản xuất quả hồng không hạt; bảo tồn, gìn giữ một giống hồng bản địa gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử phát triển của địa phương.

            Do đó, nghiên cứu điều chỉnh mở rộng khu vực địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là rất cần thiết.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung nghiên cứu

            Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về chất lượng, đặc điểm địa lý của khu vực dự kiến mở rộng và khu vực đã bảo hộ. Từ đó làm căn cứ để hoàn thiện hồ sơ đăng ký điều chỉnh mở rộng khu vực địa lý “Bảo Lâm”.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin:

Thông tin thứ cấp: gồm các báo cáo, tài liệu sẵn có, số liệu thống kê liên quan đến sản phẩm quả hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Thông tin sơ cấp: Điều tra khảo sát các tác nhân trong chuỗi giá trị hồng không hạt; Lấy mẫu sản phẩm và phân tích các chỉ tiêu chất lượng; Lấy mẫu đất và phân tích các chỉ tiêu nông hóa của đất trồng hồng.

            - Phương pháp phân tích thông tin:

Phương pháp thống kê, so sánh và mô tả để đánh giá điều kiện địa lý của khu vực mở rộng và khu vực bảo hộ.  

Phân tích số liệu sử dụng phần mềm Excel và Word.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Hiện trạng sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm

Quả hồng không hạt Bảo Lâm là một sản phẩm đặc sản của huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn. Trong nhiều năm qua, cây hồng không hạt Bảo Lâm luôn được coi là cây trồng mũi nhọn và là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cao Lộc. Đây là cây trồng xóa đói giảm nghèo và làm giàu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chính vì vậy, trong những năm qua địa phương đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm. Cụ thể:

- Dự án cải tạo phát triển sản xuất Hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững, giai đoạn 2017-2021: Dự án được thực hiện tại 09 xã: Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn, Lộc Yên, Hòa Cư, Hải Yến, Gia Cát, Tân Thành, TT Đồng Đăng. Thực hiện mô hình trồng mới 35ha, mô hình chăm sóc, cải tạo với diện tích 100 ha với hơn 400 hộ tham gia.

Mô hình trồng Hồng không hạt Bảo Lâm tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn: trong năm 2018, thực hiện xây dựng mô hình trồng Hồng không hạt Bảo Lâm với diện tích 4 ha (của 4 hộ thực hiện) tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.

- Dự án Xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác,  tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nâng cao giá trị sản phẩm Hồng không hạt Bảo Lâm tại xã Hải Yến: Dự án triển khai tại xã Hải Yến với các nội dung Xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 04 ha; Mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 06ha; Mô hình xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác nâng cao giá trị sản phẩm Hồng không hạt Bảo Lâm. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả Hồng không hạt Bảo Lâm, đưa quả Hồng không hạt Bảo Lâm trở thành sản phẩm OCOP được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xếp hạng 03 sao.

- Dự án trồng mới cây hồng không hạt Bảo Lâm tại xã Tân Thành: trong năm 2020, thực hiện xây dựng mô hình trồng mới cây Hồng không hạt Bảo Lâm với diện tích 4,1 ha (của 32 hộ tham gia) tại xã Tân Thành, huyện Cao Lộc.

- Công tác thực hiện một số mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác mới và sử dụng chế phẩm nâng cao giá trị, chất lượng: 1) Mô hình chăm sóc cây Hồng Bảo Lâm sử dụng chế phẩm sinh học Phù Đổng kết hợp với các loại thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh theo quy trình của Công ty cổ phần sinh trưởng sinh học Mùa Vàng hướng dẫn; 2) Mô hình chăm sóc cây Hồng Bảo Lâm với chế phẩm Bo Hữu Cơ và KHno6 của Công ty TNHH Thanh Hà; 3) Nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học nâng cao năng suất chất lượng Hồng không hạt Bảo Lâm năm 2021: Sử dụng chế phẩm Phù đồng của Công ty CP sinh trưởng sinh học Mùa Vàng.

- Công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ: Năm 2020, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Lộc phối hợp với Hội Làm vườn huyện và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức 33 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và cấp phát tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ hồng không hạt Bảo Lâm cho hơn 1.600 lượt hộ tham gia thực hiện dự án và các hộ dân trên địa bàn 09 xã, thị trấn thực hiện dự án.

Hỗ trợ các hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả Hồng không hạt Bảo Lâm: Đã hỗ trợ 01 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Hồng không hạt Bảo Lâm tại xã Hải Yến tham gia thực hiện chương trình OCOP cho sản phẩm Hồng không hạt Bảo Lâm, sản phẩm được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao.

Nhờ có các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời gian qua mà đến hết năm 2021 toàn huyện có 453,3 ha (trồng mới năm 2021: 38,48 ha), diện tích cho quả là 224,3 ha và sản lượng đạt 1.172 tấn. Diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP là 36 ha. Cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được mở rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện như: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng. Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thời tiết nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Chất lượng quả hồng không hạt Bảo Lâm nơi đây có những tính chất đặc thù như: Quả không có hạt và có 4 tai nhỏ ở cuống, có 4 - 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả. Mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau màu hơi đỏ tương phản với màu thịt quả. Khối lượng quả từ 15-16 quả/kg. Vỏ quả dày, nhẵn nhưng kém bóng, có màu vàng đỏ, màu đất có ánh xanh lục. Thịt quả có màu đỏ vàng da cam đến vàng đậm, thịt quả mịn. Vị quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm.

Sản phẩm quả hồng không hạt Bảo Lâm cung ứng ra thị trường thường được phân làm hai loại (loại 1: 15-16 quả/kg và loại 2 khoảng 25 quả/kg). Giá bán quả hồng không hạt tại vườn trung bình từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, giá bán ra thị trường trung bình từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm thu mua, chất lượng, mẫu mã quả mà giá bán sẽ có sự thay đổi. Quả hồng không hạt Bảo Lâm đã có truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu, bao bì.

Thị trường tiêu thụ tại tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Có hai hình thức tiêu thụ sản phẩm: (1) Bán cho tư thương, chủ buôn trong và ngoài huyện. Các sản phẩm tiêu thụ qua kênh này chủ yếu được tư thương, chủ buôn vào tận vườn nhà mua theo cây theo từng đợt, giá cả do hai bên tự thỏa thuận và ít có hợp đồng mua bán. (2) Người dân tự tiêu thụ tại chỗ, mang ra chợ bán hoặc bán qua các trung tâm dịch vụ thương mại của huyện và tỉnh.

Nhìn chung, hồng không hạt là cây trồng bản địa, mang những đặc thù riêng mà không phải vùng nào cũng có được. Đây được coi là một trong những loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, giúp cho bà con nơi đây giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Mặc dù những năm qua, huyện đã có chương trình, dự án hỗ trợ cây hồng không hạt phát triển nhưng đến nay trong sản xuất kinh doanh hồng không hạt tại huyện Cao Lộc vẫn đang gặp khó khăn về kỹ thuật sản xuất, thoái hóa giống, diện tích sản xuất manh mún, thị trường đầu ra chưa ổn định, sản phẩm bị mạo danh trên thị trường…trong khi tiềm năng phát triển sản phẩm tại địa phương vẫn còn chưa được khai thác hết.

2. Đánh giá chất lượng hồng không hạt tại khu vực mở rộng

Bảng 1.        Bảng tổng hợp kết quả đánh giá cảm quan của sản phẩm

               Ghi chú thang điểm chấm cảm quan sản phẩm x/5:

            - Hình dáng quả: 5. Quả thuôn dài, có từ 4 - 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả; 4. Quả tròn đều, có từ 4 - 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả; 3. Quả thuôn dài, có trên 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả 2. Quả thuôn dài, có dưới 4 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả; 1. Quả tròn, có trên 6 rãnh dọc kéo dài từ cuống đến giữa quả.

            - Số hạt quả: 5. Quả không có hạt; 4. Quả có ít hạt lép; 3. Quả có nhiều hạt lép; 2. Quả có ít hạt; 1. Quả có nhiều hạt.

            - Tai quả: 5. Tai quả nhỏ, có 4 tai; 4. Tai quả nhỏ, có trên 4 tai; 3. Tai quả nhỏ, có dưới 4 tai; 2. Tai quả to, có 4 tai; 1. Tai quả to, có trên 4 tai;

            - Vỏ quả: 5. Vỏ dày, nhẵn nhưng kém bóng; 4. Vỏ dày, nhẵn nhưng rất bóng; 3. Vỏ dày, không nhẵn; 2. Vỏ mỏng, nhẵn nhưng kém bóng; 1. Vỏ mỏng, nhẵn nhưng rất bóng.

            - Thịt quả: 5. Màu vàng da cam đến vàng đậm, mịn, ít đốm đen; 4. Màu vàng da cam đến vàng đậm, mịn, nhiều đốm đen; 3. Màu vàng da cam đến vàng đậm, không mịn, nhiều đốm đen; 2. Màu vàng da cam đến vàng nhạt, mịn, nhiều đốm đen; 1. Màu vàng da cam đến vàng nhạt, không mịn, nhiều đốm đen.

            - Mùi thơm quả: 5. Thơm mạnh; 4. Thơm khá; 3. Thơm trung bình; 2. kém thơm; 1. Không thơm.

            - Vị quả: 5. Giòn, ngọt đậm, có hạt cát đường; 4. Giòn, ngọt đậm, không có hạt cát đường; 3. Giòn, ít ngọt, có hạt cát đường; 2. Không giòn, ngọt, có hạt cát đường; 1. Không giòn, ít ngọt, có hạt cát đường;

            - Mặt cắt ngang của quả: 5. Có hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau, màu hơi đỏ tương phản với màu thịt quả; 4. Có hình hoa thị 8-12 cánh không đều nhau, màu hơi đỏ; 3. Có hình hoa thị trên 12 cánh đều nhau, màu hơi đỏ; 3. Có hình hoa thị dưới 8 cánh đều nhau, màu hơi đỏ; 2. Có hình hoa thị dưới 8-12 cánh không đều nhau, màu vàng;

            - Trọng lượng quả: 5. Khoảng 15-16 quả/kg; 4. Quả to dưới 15 quả/kg; 3. Quả to dưới 10 quả/kg; 2. Quả nhỏ trên 20 quả/kg; 1. Quả nhỏ trên 25 quả/kg.

            Tổng hợp kết quả đánh giá cảm quan cho thấy:

            - Những mẫu quả lấy từ các xã trong khu vực bảo hộ và khu vực dự kiến mở rộng đều có chất lượng quả tốt.

            - Nhiều mẫu ở một số xã khu vực dự kiến mở rộng có chất lượng quả tốt hơn so với các xã đã bảo hộ như xã Hải Yến, Tân Thành, Lộc Yên,…

            - Các mẫu sản phẩm ở khu vực mở rộng đều có chất lượng cảm quan tương đồng với chất lượng đặc thù của sản phẩm hồng không hạt đã được bảo hộ CDĐL “Bảo Lâm”.

            Kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng (Độ Brix, Đường tổng số, Đường khử, Chất khô, Tanin, Caroten, Axit tổng số, Vitamin C) của mẫu quả hồng không hạt tại khu vực gồm 3 xã đã bảo hộ (gồm: Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa) và 7 xã/thị trấn dự kiến mở rộng (gồm: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng). Kết quả như bảng sau:

                                                        Bảng 2.        Kết quả phân tích mẫu quả hồng tại khu vực mở rộng

 Nguồn: Tổng hợp kết quả phân tích mẫu quả hồng không hạt

            Kết quả phân tích cho thấy các chỉ tiêu chất lượng của quả hồng vùng bảo hộ và vùng mở rộng không có sự khác biệt nhiều và đặc biệt là đều đạt trong ngưỡng giá trị sản phẩm mang CDĐL “Bảo Lâm”, cụ thể như sau:

Chất lượng quả hồng vùng mở rộng:

- Brix (%): 18,45 – 21,58.

- Đường tổng số (%): 12,16 – 16,25.

- Đường khử (%): 11,69 – 14,82.

- Chất khô (%): 17,99 – 19,86.

- Tanin (%): 0,49 – 1,63.

- Caroten (mg/100g): 352,06 – 361,21.

- Axit tổng số (%): 0,11 – 0,18.

- Vitamin C (mg/100g): 6,05 – 9,39.

            Nhìn chung, từ kết quả phân tích các chỉ tiêu của quả hồng không hạt Bảo Lâm tại các xã trong vùng đã được bảo hộ và vùng dự kiến mở rộng cho thấy quả hồng không hạt ở đây đều đạt chất lượng tốt. Thậm chí, quả hồng tại một số xã ở khu vực dự kiến mở rộng các chỉ tiêu chất lượng cao hơn.

            So sánh các chỉ tiêu chất lượng của quả hồng không hạt Bảo Lâm tại khu vực bảo hộ và khu vực dự kiến mở rộng cho thấy không có sự khác biệt nhiều. Đặc biệt có nhiều chỉ tiêu chất lượng của quả hồng trong khu vực mở rộng tốt hơn so với vùng đã được bảo hộ. Điều này cũng đã chứng minh thông qua đánh giá chất lượng cảm quan của quả hồng không hạt Bảo Lâm trong khu vực các xã dự kiến mở rộng và khu vực đã được bảo hộ.

3. Đánh giá điều kiện nông hóa thổ nhưỡng của khu vực mở rộng

Đặc thù đất trồng hồng không hạt Bảo Lâm đã được xác định trong Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00032 cho sản phẩm hồng Bảo Lâm là: Độ chua tầng mặt trung bình 4,0 – 4,5, cao nhất 5,7 – 5,9; Hàm lượng chất hữu cơ (OM%) tầng mặt trung bình 1,53%, cao nhất 2,55;  Hàm lượng đạm tổng số (N tổng số) tầng mặt trung bình 0,12%, cao nhất 0,21%; Hàm lượng lân tổng số (P2Otổng số) trung bình 0,13%, cao nhất 0,35%; Hàm lượng lân dễ tiêu (P2O5 dễ tiêu) tầng mặt trung bình 5,35 mg/100g đất, cao nhất 23,60 mg/100g đất; Hàm lượng kali tổng số (K20 tổng số) tầng mặt trung bình 1,11%, cao nhất 2,39%; Hàm lượng kali dễ tiêu (K20 dễ tiêu) tầng mặt trung bình 5,12 mg/100g đất, cao nhất 14,40 mg/100g đất; Khả năng trao đổi cation của đất (CEC) tầng mặt trung bình  15,96 meq/100g đất; cao nhất 26,95 meq/100g đất; Đất có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình.

            Tiến hành phân tích mẫu đất khu vực dự kiến mở rộng và khu vực đã bảo hộ, kết quả thể hiện qua bảng sau:

                                                                     Bảng 1.        Đặc thù chất lượng đất trong khu vực mở rộng

Nguồn: Tổng hợp kết quả phân tích mẫu đất trồng hồng không hạt

            Kết quả phân tích đặc điểm của đất trong khu vực 03 xã đã bảo hộ (gồm: Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa) và 7 xã/thị trấn dự kiến mở rộng (gồm: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng) có điều kiện nông hóa thổ nhưỡng không có sự khác biệt nhiều. Các chỉ tiêu trong đất tại 10 xã/thị trấn đều có điều kiện phù hợp cho cây hồng không hạt Bảo Lâm sinh trưởng và phát triển tốt. Cụ thể, đặc điểm các yếu tố trong đất khu vực dự kiến mở rộng như sau:

- Thành phần cơ giới của đất: từ thịt nhẹ đến trung bình

- Hàm lượng chất hữu cơ (OM): trung bình 2,20%, thấp nhất là 1,75% và cao nhất là 2,5%.

- Độ chua tầng mặt (PH): trung bình 4,57, thấp nhất 4,11 và cao nhất 5,15.

- Nitơ tổng số (N): trung bình 0,15%, thấp nhất 0,12% và cao nhất 0,20%

- P2O5 tổng số: trung bình 0,20%, thấp nhất 0,13 và cao nhất 0,34%.

- P2O5 dễ tiêu: trung bình 19,18 mg/g, thấp nhất 11,42 mg/g và cao nhất 23,54 mg/g.

- K20 tổng số: trung bình 1,43%, thấp nhất 1,11% và cao nhất 1,97%.

- K20 dễ tiêu: trung bình 5,73 mg/g, thấp nhất 4,25 mg/g và cao nhất là 7,16 mg/g.

- Cation trao đổi (CEC): trung bình từ 17,56 mđl/100g, thấp nhất là 16,13 mđl/100g và cao nhất là 19,04 mđl/100g.

So sánh chất lượng đất khu vực mở rộng và khu vực đã bảo hộ không có sự khác biệt nhiều, thậm chí một số chỉ tiêu chất lượng đất ở khu vực mở rộng còn cao hơn so với khu vực đã bảo hộ. Điều này cho thấy chất đất trồng hồng không hạt Bảo Lâm tại khu vực mở rộng là phù hợp. Các chỉ tiêu trong đất trồng hồng tại khu vực mở rộng đều đáp ứng về đặc thù chất lượng đất trồng hồng không hạt mang CDĐL “Bảo Lâm” tại Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, có thể xác định được khu vực địa lý đăng ký điều chỉnh mở rộng CDĐL “Bảo Lâm” là 10 xã/thị trấn (trong đó có 03 xã bảo hộ và 7 xã/thị trấn tiềm năng mở rộng) gồm: Bảo Lâm, Thạch Đạn, Thanh Lòa, Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng.

IV. KẾT LUẬN

            Nghiên cứu điều chỉnh mở rộng khu vực địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ ra rằng: Chất lượng cảm quan và lý hóa của sản phẩm hồng không hạt tại khu vực dự kiến mở rộng và khu vực đã bảo hộ không có sự khác biệt nhiều và đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mang CDĐL; Khu vực địa lý trồng hồng không hạt Bảo Lâm có đặc điểm điều kiện tự nhiên phù hợp cho cây hồng sinh trưởng và phát triển. Phân tích chất lượng đất tại khu vực mở rộng và khu vực đã bảo hộ cho thấy không có sự khác biệt nhiều, thậm chí một số chỉ tiêu chất lượng đất ở khu vực mở rộng còn cao hơn so với khu vực đã bảo hộ. Mặt khác, về mặt kỹ thuật sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm tại khu vực đã bảo hộ và khu vực dự kiến mở rộng không có sự khác biệt. Do đó, đề xuất hoàn thiện hồ sơ để đăng ký điều chỉnh mở rộng vùng bảo hộ CDĐL từ 3 xã lên 10 xã/thị trấn (Bảo Lâm, Thanh Hòa, Thạch Đạn, Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành và thị trấn Đồng Đăng), nhằm đảm bảo tính công bằng về khả năng tiếp cận CDĐL cho người dân trong cộng đồng sản xuất quả hồng không hạt; bảo tồn, gìn giữ một giống hồng bản địa gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử phát triển của địa phương.

            TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo, số liệu thống kê về diện tích hồng không hạt Bảo Lâm của Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc – năm 2021.

Kết quả phân tích mẫu sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm.

Kết quả phân tích mẫu đất trồng hồng không hạt Bảo Lâm.

Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00032 cho sản phẩm hồng Bảo Lâm.

Quyết định số 1825/QĐ-UBND ngày 04/10/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc Ủy quyền cho UBND huyện Cao Lộc quản lý CDĐL “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt.

Nguồn: Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển