Lạng Sơn: Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp
Xác định nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của tỉnh.
Xác định nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ đã góp phần tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh và hiệu quả cao đối với cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của tỉnh. Doanh nghiệp và người dân đã chủ động, tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và ứng dụng quy trình công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản, đồng thời cơ giới hóa một số khâu trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông lâm sản. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp, qua đó góp phần quảng bá và đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, trong những năm qua, các nhiệm vụ, hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bám sát vào chủ trương, định hướng chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương; nghiên cứu thử nghiệm các giống cây trồng mới, vật nuôi mới, có lợi thế cạnh tranh; các nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen cây trồng và dược liệu; các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả phục vụ sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm sản của địa phương nhằm phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường. Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật như: nhân giống, khảo nghiệm, chọn lọc được nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng như tổ hợp lúa lai, ngô lai, giống khoai, lạc, đỗ tương, chuối tiêu hồng, khoai môn,...
Mô hình trình diễn áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp bọ hà hại khoai lang
Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho bà con nông dân áp dụng, góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Công nghệ nhân giống được áp dụng rộng rãi để phát triển nhiều loài cây ăn quả, cây hoa quý. Quy trình công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được triển khai và đạt được những thành công nhất định. Ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp bảo tồn và nhân nhanh nhiều giống cây trồng đặc hữu, có giá trị kinh tế. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân, phát huy tiềm năng, lợi thế điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của từng huyện phù hợp với đối tượng cây trồng bản địa để bảo tồn nguồn gen và khai thác tối ưu hiệu quả kinh tế cho từng đối tượng cây trồng đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người nông dân. Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất theo hướng hàng hóa đối với nhiều loại cây ăn quả như: Na, Quýt, Bưởi, Thanh Long, Hồng, Đào, Lê, Mận, chanh rừng....; các đề tài, dự án điển hình: nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh, xử lý giảm hạt nâng cao năng suất và chất lượng Quýt Bắc Sơn; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống Mít bản địa tại huyện Hữu Lũng; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống Dứa bản địa tại huyện Hữu Lũng; xây dựng mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ tại huyện Bình Gia; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng các mô hình trồng Cam, Bưởi giống mới tại huyện Bắc Sơn; nghiên cứu trồng thử nghiệm một số dòng, giống Bơ trong nước và nhập nội, xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng mô hình trồng Táo Đài Loan theo hướng hàng hóa tại huyện Hữu Lũng; phục tráng giống Đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống Đào mới tại khu Du lịch Mẫu Sơn; xây dựng mô hình sản xuất Măng tây xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Lộc Bình; xây dựng mô hình trồng Xoài ăn xanh tại huyện Hữu Lũng, và rất nhiều loại cây ăn quả khác cũng đang thực hiện nghiên cứu như: chanh rừng, mận cơm, hồng Vành Khuyên, Quýt Tràng Định, Dẻ, Lê ......
Các đề tài, dự án được thực hiện có khả năng ứng dụng cao, từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Thông qua các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật người nông dân có những nhận thức mới về khoa học và công nghệ, tích cực áp dụng các kết quả nghiên cứu, triển khai của đề tài, dự án và các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát huy được danh tiếng, uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường./.
Hoàng Thị Hiên