Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp phát triển chuỗi giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

Quả hồng không hạt Bảo Lâm là đặc sản của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Trong nhiều năm qua, cây hồng không hạt Bảo Lâm luôn được coi là cây trồng mũi nhọn và là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cao Lộc. Vì vậy, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm.

Tính đến năm 2022, toàn huyện có tổng diện tích là 462,14 ha, trong đó 257,45 ha cho thu hoạch với sản lượng đạt 1505,04 tấn. Quả hồng không hạt Bảo Lâm đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00032. Hiện nay, chuỗi hồng không hạt Bảo Lâm gặp khó khăn về diện tích già cỗi, bị chết và cho năng suất thấp, chưa khai thác hiệu quả CDĐL sau bảo hộ, chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị hồng không hạt Bảo Lâm trong thời gian tới như: Quy hoạch vùng sản xuất; Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến; Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tới thị trường Hà Nội; Hỗ trợ các hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia khai thác và sử dụng CDĐL; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại trực tuyến (online).

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Quả hồng không hạt Bảo Lâm là một sản phẩm đặc sản của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Trong nhiều năm qua, cây hồng không hạt Bảo Lâm luôn được coi là cây trồng mũi nhọn và là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cao Lộc. Đây là cây trồng xóa đói giảm nghèo và làm giàu của đồng bào các dân tộc nơi đây. Chính vì vậy, trong những năm qua địa phương đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển cây hồng không hạt Bảo Lâm. Cụ thể như: Dự án “Cải tạo phát triển sản xuất Hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững, giai đoạn 2017-2021” đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình trồng mới, chăm sóc, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết tiêu thụ cho sản phẩm; Dự án “Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn” đã đăng ký sửa đổi Giấy chứng nhận CDĐL số 00032 theo hướng mở rộng vùng bảo hộ từ 03 xã lên 10 xã/thị trấn, hỗ trợ các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm; Triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ về kỹ thuật chọn giống, trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ hồng không hạt Bảo Lâm...

Mặc dù, chuỗi hồng không hạt Bảo Lâm có được nhiều thuận lợi như trên nhưng thực tế cho thấy chất lượng sản phẩm còn chưa đồng đều, chưa hình thành được kênh phân phối ổn định cho sản phẩm mang CDĐL, giá trị sản phẩm còn thấp... Vì vậy, nghiên cứu hiện trạng sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm để đề xuất giải pháp phát triển chuỗi giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là cần thiết.

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu trạng sản xuất và kinh doanh quả hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Từ đó, đánh giá thuận lợi, khó khăn và đưa ra giải pháp phát triển chuỗi giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm trong thời gian tới.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin:

+ Thông tin thứ cấp: gồm các báo cáo, tài liệu sẵn có, số liệu thống kê liên quan đến sản phẩm quả hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

+ Thông tin sơ cấp: Khảo sát các tác nhân trong chuỗi giá trị hồng không hạt Bảo Lâm của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

- Phương pháp phân tích thông tin:

+ Phương pháp thống kê, so sánh.

+ Phân tích số liệu sử dụng phần mềm Excel và Word.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Thực trạng sản xuất và kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm

3.1.1. Thực trạng sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm

- Thực trạng diện tích, năng suất, sản lượng hồng không hạt Bảo Lâm:

Cách đây khoảng 10 năm hồng không hạt Bảo Lâm được trồng chủ yếu tại 03 xã (Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn), trong đó xã Bảo Lâm có diện tích lớn nhất hơn 100 ha với hàng ngàn cây hồng với đủ độ tuổi (có cây hàng trăm năm), mỗi cây cho thu hoạch từ 80 đến 100 kg/vụ, quả hồng to, trung bình 15-6 quả được 1 kg, với giá bán thấp nhất cũng 20.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 thì cây hồng tại xã Bảo Lâm chịu sự tấn công của nhiều loại sâu bệnh như: mọt đục thân, sâu đục cuống, thán thư, thoái hóa giống…đã làm giảm diện tích hồng không hạt Bảo Lâm, có lúc diện tích chỉ còn khoảng 10 ha, năng suất, chất lượng quả hồng cũng giảm.

Để gìn giữ, phục hồi hồng không hạt Bảo Lâm, từ năm 2017, UBND huyện Cao Lộc phê duyệt “Dự án cải tạo, phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021”. Thông qua các hoạt động trong dự án như: áp dụng quy trình chăm sóc cây hồng không hạt Bảo Lâm theo 4 giai đoạn phù hợp với sinh trưởng của cây, từ sau thu hoạch cho đến khi quả chín; Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con về quy trình kỹ thuật dưới nhiều hình thức (như: qua các buổi tập huấn, tham quan học tập mô hình, cử cán bộ đến “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng kế hoạch). Hiện nay, ngoài các xã Bảo Lâm, Thanh Lòa, Thạch Đạn thì hồng không hạt Bảo Lâm còn được trồng nhiều ở các xã/thị trấn (như: Hòa Cư, Hải Yến, Gia Cát, Tân Thành, Cao Lâu, Lộc Yên và thị trấn Đồng Đăng) thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc, tính đến năm 2022 cả huyện có 462,14 ha trồng hồng không hạt Bảo Lâm, trong đó 257,45 ha cho thu hoạch (xã Bảo Lâm diện tích khoảng 34,34 ha). So với năm 2020, thì diện tích hồng không hạt Bảo Lâm tăng thêm 10,72%, năng suất tăng thêm 16,14%, sản lượng tăng 35,52%. Điều này cho thấy, trong những năm gần đây người dân đã quan tâm đầu tư trồng, chăm sóc cây hồng không hạt Bảo Lâm nhiều hơn.

Diện tích, năng suất, sản lượng hồng không hạt Bảo Lâm

Nguồn: Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc

- Thực trạng tổ chức sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm:

Sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm chủ yếu là các hộ gia đình sản xuất với qui mô nhỏ, manh mún và chưa phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, khả năng tiếp cận thị trường yếu, giá bán không ổn định. Hoạt động trồng hồng không hạt còn tự phát, người dân chưa thực sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho vườn Hồng, chưa mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật được tập huấn, hướng dẫn. Điều này dẫn tới năng suất còn thấp, chất lượng quả không đồng đều. Ngoài ra, cây hồng không hạt Bảo Lâm được người dân trồng lâu năm, đa số diện tích đã già cỗi, sâu bệnh phá hại nhiều ảnh hưởng lớn đến diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm.

Những năm gần đây, dưới sự hỗ trợ của các chương trình, dự án diện tích hồng không hạt Bảo Lâm đã được mở rộng ra nhiều xã. Ngoài ra, đã thành lập được các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm tại các xã (như: Hợp tác xã cây củ quả sạch xã Hòa Cư, Hợp tác xã rau củ quả sạch xã Gia Cát, Tổ hợp tác sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến...). Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác đã giúp năng suất, chất lượng quả hồng không hạt Bảo Lâm của các hộ gia đình tốt hơn. Năm 2020, quả hồng không hạt Bảo Lâm của tổ hợp tác sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện rất tốt để xúc tiến thương mại cho quả hồng không hạt Bảo Lâm.

- Thực trạng xây dựng thương hiệu hồng không hạt Bảo Lâm:

Nhờ có tính chất, chất lượng đặc thù nên trong năm 2012, quả hồng không hạt Bảo Lâm đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00032 (theo Quyết định số 2838/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ). Trong khuôn khổ dự án: “Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn” đã sửa đổi Giấy chứng nhận CDĐL số 00032 (theo Quyết định số 644/QĐ-SHTT ngày 13/4/2023 của Cục Sở hữu trí tuệ) theo hướng mở rộng vùng bảo hộ từ 03 xã lên 10 xã/thị trấn và UBND huyện Cao Lộc là cơ quan quản lý CDĐL. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm.

Trước đây, để khai thác CDĐL hồng không hạt Bảo Lâm, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 về việc cho phép thành lập Hội sản xuất và kinh doanh Hồng không hạt Bảo Lâm tỉnh Lạng Sơn (Hội). Hội được hoạt động theo Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ Hội sản xuất và kinh doanh Hồng không hạt Bảo Lâm tỉnh Lạng Sơn và thuộc quản lý của Sở KHCN tỉnh Lạng Sơn. Hội có chức năng vận hành quản lý nội bộ CDĐL hồng không hạt Bảo Lâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hội hầu như không hoạt động được, không huy động được các hội viên tham gia, khó khăn trong việc lựa chọn các thành viên chủ chốt (Ban chấp hành hội). Về bản chất hội là tổ chức nghề nghiệp, các thành viên tự nguyện tham gia, tự trang trải kinh phí hoạt động. Do vậy, không thu hút được các hội viên tham gia quản lý, sử dụng CDĐL hồng không hạt Bảo Lâm.

3.1.2. Thực trạng tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm

- Thực trạng tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm:

Trong chuỗi quả hồng không hạt Bảo Lâm có những tác nhân chính tham gia như sau: Tác nhân sản xuất (hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác), tác nhân thương mại (người thu gom, công ty, cửa hàng bán buôn, bán lẻ) và tác nhân tiêu thụ (người tiêu dùng tại các tỉnh thành). Phân phối quả hồng không hạt Bảo Lâm từ khâu sản xuất tới tiêu dùng được thể hiện qua sơ đồ sau:

Quả hồng không hạt Bảo Lâm được tiêu thụ qua các kênh chính sau:

- Kênh 1 (80%): Tác nhân sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm bán quả hồng tươi cho thu gom trong và ngoài huyện đến mua. Giá bán sản phẩm qua các kênh này do hai bên thỏa thuận, không có hợp đồng thu mua, giá bán vụ năm 2022 trung bình khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Sau khi thu mua về các thu gom thực hiện ngâm hồng rồi vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ huyện, thành phố và vận chuyển về chợ đầu mối tại các tỉnh thành trong cả nước để tiêu thụ.

Đánh giá: Đây là kênh hàng chính của chuỗi quả hồng không hạt Bảo Lâm, tuy nhiên giá trị đem lại cho người sản xuất còn thấp và chịu ảnh hưởng từ giá cả thị trường.

- Kênh 2 (5%): Tác nhân sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm bán quả hồng tươi cho các công ty (Công ty cổ phần Transtech, Công ty cổ phần Green light). Các tác nhân sản xuất liên kết tiêu thụ qua các kênh này thường là những tổ chức có sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc HTX, THT có sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 3 sao (như: Tổ hợp tác sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm xã Hải Yến, HTX sản xuất củ quả sạch xã Hòa Cư). Giá bán của tác nhân sản xuất qua kênh này thường cao hơn so với kênh thông thường từ 3-5 nghìn đồng/kg, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Sau khi thu mua về các công ty thực hiện ngâm hồng, sau đó phân loại theo kích cỡ và độ đồng đều, được đóng hộp, túi lưới, dán tem nhãn và sản phẩm được bán qua các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội và Lạng Sơn. Giá bán sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị khá cao vào khoảng 50-70 nghìn đồng/kg.

Đánh giá: Kênh tiêu thụ này mặc dù có khối lượng nhỏ nhưng việc sử dụng bao bì, nhãn mác, đặc biệt các dấu hiệu về CDĐL đã giúp người tiêu dùng biết đến thương hiệu hồng không hạt Bảo Lâm nhiều hơn. Tuy nhiên, do khối lượng tiêu thụ qua kênh này còn nhỏ nên chưa thu hút được sự tham gia của các tác nhân sản xuất.

- Kênh 3 (15%): Tác nhân sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm bán quả hồng đã qua ngâm cho người tiêu dùng. Kênh tiêu thụ này diễn ra phổ biến đối với các HTX, THT có những khách hàng thân quen muốn mua về ăn hoặc làm quà biếu thì sẽ đặt hàng trước. Các HTX, THT sẽ ngâm hồng, phân loại, đóng gói, dán tem nhãn theo nhu cầu của từng khách hàng. Giá bán qua các kênh này thường cao hơn từ 5-10 nghìn đồng/kg so với kênh thông thường. Ngoài ra, cũng có nhiều hộ sản xuất hồng ngâm và mang bán hồng tại các chợ để tăng giá bán và tạo thêm thu nhập.

Đánh giá: Kênh tiêu thụ này được người sản xuất ưa thích nhất vì đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do việc tiếp cận thị trường còn hạn chế nên khối lượng tiêu thụ còn thấp.

- Thực trạng quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm:

Nhờ có các chương trình, dự án phát triển hồng không hạt Bảo Lâm được triển khai mà quả hồng không hạt Bảo Lâm đã được quảng bá tới người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức như: Thiết kế và sử dụng các dấu hiệu nhận diện sản phẩm (như bao bì, tem nhãn, tờ rơi, standee...); Trưng bày và quảng bá sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị tại Lạng Sơn và Hà Nội; Xây dựng website quản lý và quảng bá sản phẩm mang CDĐL (http://hongkhonghatbaolam.vn/); Phóng sự quảng bá sản phẩm phát trên truyền hình tỉnh Lạng Sơn; Tổ chức Hội nghị, hội thảo khách hàng để kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm...

Nhìn chung, những năm qua địa phương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy danh tiếng của sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm, bước đầu đã giúp sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường, giá bán sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm còn hạn chế do chủ yếu sử dụng các hình thức truyền thống, trong khi xu hướng tiếp cận thông tin hiện tại là qua các phương tiện 4.0 như: TikTok, Fanpage facebook, Zalo, shopee, tiki....chưa được quan tâm phát triển. Trong khi đây là các kênh vừa quảng bá và bán sản phẩm rất tốt cho những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm.

3.1.3. Nhu cầu của khách hàng về hồng không hạt Bảo Lâm

Nhu cầu của các cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm tại Hà Nội (như: siêu thị Happy Mart, Biggreen, siêu thị K&K, cửa hàng thực phẩm sạch Hà An) về quả hồng không hạt Bảo Lâm như sau: Nguồn gốc rõ ràng, quả hồng to và đều, vàng sáng bóng và có mùi thơm đặc trưng, có bao bì và đóng gói (túi lưới, hộp), có nhãn mác để ghi thông tin sản phẩm và người sản xuất, có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn (VietGAP...), giá bán ổn định theo tháng và có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ, sản phẩm được vận chuyển đến kho của cửa hàng và siêu thị...

Nhu cầu của người tiêu dùng về hồng không hạt Bảo Lâm: quả to, đồng đều, vỏ bóng nhẵn, không vết sâu bệnh, màu vàng, ăn có vị giòn, ngọt, cát và mùi thơm đặc trưng; Sản phẩm có bao bì, tem nhãn và hệ thống truy xuất nguồn. Nếu quả hồng đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đó thì người tiêu dùng sẽ chấp nhận trả giá cao hơn so với giá bên ngoài thị trường. Tại Hà Nội người tiêu dùng có thể chấp nhận giá mua 80.000 đ/kg. Người tiêu dùng mua hồng căn cứ vào nhiều yếu tố để mua như: chất lượng, giá cả, thói quen, bạn bè, thái độ phục vụ của người bán, quảng bá tiếp thị sản phẩm...Ngoài ra, người tiêu dùng có nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ quả hồng như hồng sấy, mứt hồng vì cho rằng khi chế biến có thể thưởng thức được quanh năm. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện sản phẩm chế biến từ quả hồng không hạt (mứt, hồng sấy) giúp tạo ra giá trị gia tăng và làm tăng thu nhập cho chủ thể khi đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng.

Để xây dựng được liên kết tiêu thụ sản phẩm tới thị trường Hà Nội thì các tổ chức sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm cần cải thiện sản xuất để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Cụ thể: 1) Cung cấp chi tiết các thông tin: tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại liên hệ… Đây là yêu cầu của khách hàng nhưng cũng là cách để giữ uy tín và bảo vệ thương hiệu; 2) Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm (kích cỡ quả, màu sắc, mùi vị và an toàn thực phẩm); 3) Đóng gói, dán nhãn để truy xuất thông tin và nguồn gốc sản phẩm; 4) Các yêu cầu khác như giá bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, trao đổi thông tin cần được thảo luận và xây dựng phương án cụ thể linh động với tình hình thực tế của từng đối tượng khách hàng khác nhau.

3.2. Thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm

3.2.1. Thuận lợi trong sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm

Người dân có kinh nghiệm sản xuất tốt vì có truyền thống trồng hồng không hạt Bảo Lâm lâu đời và hàng năm được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác hồng không hạt Bảo Lâm; nhiều hộ đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (sản xuất theo quy trình VietGAP, hệ thống tưới nhỏ giọt...).

Sản phẩm còn nhiều tiềm năng để phát triển như: mở rộng sản xuất khi diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng còn nhiều, lực lượng lao động dồi dào; tiềm năng cải tạo giống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Là sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương nên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các Chương trình, dự án của Nhà nước, chính quyền địa phương, của tổ chức quốc tế. Chủ trương của huyện Cao Lộc là tiếp tục hỗ trợ để tăng quy mô sản xuất nhằm khai thác hết tiềm năng còn có thể khai thác của vùng.

Đã thành lập được nhiều tổ chức (như các hợp tác xã, tổ hợp tác) sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn các xã. Điều này, giúp tổ chức sản xuất ra sản phẩm chất lượng và có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Sản phẩm có danh tiếng và đã được bảo hộ CDĐL, đây là điều kiện rất tốt để xây dựng và phát triển thương hiệu hồng không hạt Bảo Lâm trên thị trường.

Thị trường tiêu thụ dễ dàng khi sản phẩm có chất lượng tốt và được tin dùng, dễ bán, giá cả ổn định và chấp nhận được.

3.2.2. Khó khăn, hạn chế trong sản xuất kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm

Cây hồng không hạt Bảo Lâm được người dân trồng lâu năm, đa số diện tích đã già cỗi, sâu bệnh phá hại làm cây chết, cho năng suất và chất lượng thấp.

Công tác thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến hồng không hạt Bảo Lâm chưa được chú trọng. Trên địa bàn huyện Cao Lộc chưa có cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm Hồng sau thu hoạch, thời gian thu hoạch ngắn, phụ thuộc rất lớn vào thị trường, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, người dân chủ yếu vẫn bán quả Hồng tươi cho thương lái thu gom tại nhà, tại chợ với giá thấp; chưa thực hiện gắn kết đối với các nhà phân phối để tạo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được bền vững.

Chưa khai thác hiệu quả CDĐL “Hồng không hạt Bảo Lâm” sau khi được bảo hộ để xúc tiến thương mại v à nâng cao giá trị của sản phẩm.

Việc truyền thông, quảng bá cho sản phẩm còn hạn chế do chủ yếu sử dụng các hình thức truyền thống, các phương tiện 4.0 như: TikTok, Fanpage facebook, Zalo, shopee, tiki....chưa được quan tâm phát triển.

3.3. Giải pháp phát triển chuỗi giá trị hồng không hạt Bảo Lâm

Quy hoạch vùng sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và hỗ trợ người dân trồng mới mở rộng diện tích và cải tạo lại các vườn Hồng đã già cỗi. Đồng thời, hướng dẫn và khuyến khích hộ gia đình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chế biến sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm (hồng sấy, mứt sấy) để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Cụ thể: có các chính sách về vay vốn, cho thuê đất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ...

Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) với các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Cụ thể: hướng dẫn tổ chức sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng, sử dụng dấu hiệu CDĐL trên bao bì, quản lý chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Khuyến khích các tổ chức sản xuất (Hợp tác xã, tổ hợp tác) tham gia khai thác và sử dụng CDĐL hồng không hạt Bảo Lâm. Cụ thể: tổ chức trao quyền cho các chủ thể sản xuất đủ điều kiện, hướng dẫn sản xuất và kết nối tiêu thụ cho sản phẩm mang CDĐL.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại trực tuyến cho sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như: shopee.vn, sendo.vn, tiki.vn, voso.vn…Ngoài ra, hướng dẫn các chủ thể sản xuất xây dựng nội dung và quảng bá sản phẩm qua zalo, panpage facebook, TikTok.

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

4.1. Kết luận

Đánh giá thực trạng sản xuất và kinh doanh hồng không hạt Bảo Lâm cho thấy: Nhờ có các Chương trình, dự án hỗ trợ của địa phương trong những năm qua đã giúp diện tích hồng không hạt được mở rộng ra nhiều xã; Giúp cải tạo giống và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng; Xây dựng và phát triển thương hiệu hồng không hạt Bảo Lâm; Đã hình thành được các liên kết giữa các tổ chức sản xuất với các công ty phân phối sản phẩm; Đã quảng bá và bán sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội; Sản phẩm có chất lượng được thị trường tin dùng, dễ tiêu thụ ...

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều diện tích hồng trồng lâu năm đã già cỗi, sâu bệnh phá hại làm cây chết, giảm năng suất và chất lượng; Nhiều hộ gia đình còn chưa quan tâm đầu tư cho cây hồng; Chưa khai thác hiệu quả CDĐL “Hồng không hạt Bảo Lâm” sau khi được bảo hộ; Tiêu thụ sản phẩm của hộ dân vẫn chủ yếu thông qua các thu gom nên giá bán còn thấp; Kênh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có khối lượng tiêu thụ nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu của người sản xuất; Truyền thông, quảng bá sản phẩm chủ yếu qua hình thức truyền thống nên hiệu quả còn hạn chế.

Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị hồng không hạt Bảo Lâm như: Quy hoạch vùng sản xuất; Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến; Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tới thị trường Hà Nội; Hỗ trợ các hợp tác xã và tổ hợp tác tham gia khai thác và sử dụng CDĐL; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại trực tuyến (online).

4.2. Đề nghị

Để cây hồng không hạt Bảo Lâm trở thành cây chủ lực, phát triển và đem lại hiệu quả về kinh tế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một số khuyến nghị như sau:

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: tăng cường tập huấn, nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật trong công tác sản xuất, chế biến, bảo quản, cũng như hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm: Xem xét hỗ trợ kinh phí để các hộ nông dân trồng Hồng trên địa bàn huyện mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu Hồng không hạt Bảo Lâm trở thành sản phẩm OCOP; hỗ trợ kinh phí và công nghệ cho công tác bảo quản, chế biến quả Hồng sau thu hoạch và tìm kiếm mối liên kết với các doanh nghiệp và siêu thị bao tiêu sản phẩm.

- Các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Cao Lộc: quan tâm chỉ đạo, sát sao trong công tác xây dựng các chương trình, dự án, mô hình nhằm nâng cao giá trị cây Hồng không hạt Bảo Lâm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo các hộ sản xuất tuân thủ thực hiện theo các quy trình được khảo nghiệm ứng dụng đã đem lại hiệu quả cao.

- Các Hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất kinh doanh sản phẩm Hồng không hạt Bảo Lâm là chủ thể nòng cốt, trực tiếp chuyển giao các kỹ thuật và các kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đã có hiệu quả đến thành viên, người nông dân trên địa bàn, tích cực khuyến cáo, hướng dẫn các hộ dân tuân thủ thực hiện theo quy trình kỹ thuật, thực hành phát triển sản xuất theo hướng bền vững là cơ sở, động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Lộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo Tổng kết Dự án cải tạo phát triển sản xuất Hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững, giai đoạn 2017 – 2021, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc – 2021.

2. Báo cáo, số liệu thống kê về diện tích hồng không hạt Bảo Lâm của Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc – năm 2022.

3. Báo cáo đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh và quản lý sử dụng CDĐL “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm NC&PT HTNN – năm 2022.

Nguồn: Tạp chí Nông thôn&Phát triển