Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Vai trò của hoạt động sáng kiến là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra sáng kiến, nó phản ánh năng lực tạo ra sáng kiến của các chủ thể trong xã hội, bao gồm cả số lượng và chất lượng sáng kiến; nó cũng thể hiện ở năng lực áp dụng sáng kiến, khả năng tiếp cận thông tin sáng kiến và được chia sẻ sáng kiến của cộng đồng

 Hoạt động sáng kiến được hiểu là phương thức vận động tạo ra sáng kiến, áp dụng sáng kiến của con người, là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa con người với việc tạo ra sáng kiến, áp dụng sáng kiến, đó cũng là quá trình con người có thêm kinh nghiệm, hiểu thuộc tính, những quy luật về các giải pháp liên quan đến sáng kiến và được con người lĩnh hội, nhập vào vốn hiểu biết của mình về lĩnh vực liên quan đến sáng kiến đó. Đồng thời, con người cũng có thêm kinh nghiệm để tiếp tục tạo ra sáng kiến mới.
Theo Điều lệ Sáng kiến, hoạt động sáng kiến gồm các hoạt động tạo ra, áp dụng sáng kiến, công nhận sáng kiến, thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến sáng kiến.

Vai trò của hoạt động sáng kiến là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra sáng kiến, nó phản ánh năng lực tạo ra sáng kiến của các chủ thể trong xã hội, bao gồm cả số lượng và chất lượng sáng kiến; nó cũng thể hiện ở năng lực áp dụng sáng kiến, khả năng tiếp cận thông tin sáng kiến và được chia sẻ sáng kiến của cộng đồng. Các hoạt động tạo ra sáng kiến, áp dụng sáng kiến, công nhận sáng kiến, công bố sáng kiến, chia sẻ sáng kiến là các hoạt động liên tục, nối tiếp, thúc đẩy nhau và kết quả là từ một sáng kiến ban đầu đến một sáng kiến được cải tiến hoặc sáng kiến mới được tạo ra và áp dụng vào cuộcsống, các sáng kiến sau lại là cơ sở cho sự cải tiến tiếp theo.

Để triển khai hoạt động sáng kiến theo quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban hành các văn bản triển khai như: Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh Lạng Sơn Quy định về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sở KH&CN đã ban hành Hướng dẫn số 291/HD-SKHCN ngày 17/4/2020 Hướng dẫn triển khai thực hiện một số Điều của Quy định về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố để tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai hoạt động sáng kiến, hướng dẫn cách viết sáng kiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn từ 2018 đến 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 20 lớp tập huấn về công tác sáng kiến, hướng dẫn cho gần 4000 lượt cán bộ, công chức, viên chức cách viết báo cáo sáng kiến và triển khai hoạt động sáng kiến tại cấp cơ sở.

Hội nghị phổ biến sáng kiến và hướng dẫn triển khai, thúc đẩy hoạt động sáng kiến

Nhằm khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từ năm 2008 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 07 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 15 Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Thu hút 1.934 giải pháp, đề tài sáng tạo tham dự,  trao giải thưởng cho 397 giải pháp, đề tài có tính mới, tính sáng tạo, được triển khai áp dụng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng suất chất  lượng, hiệu quả lao động, có khả năng triển khai áp dụng vào thực tiễn. Các Cuộc thi, Hội thi sáng tạo được tổ chức đến nay đã thực sự tạo ra sân chơi bổ ích cho các tác giả có những ý tưởng sáng tạo đột phá, qua đó thúc đẩy phong trào lao động đổi mới, sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo số liệu thống kê của cơ quan thường trực, trong 3 năm (từ 2021 đến 2023), toàn tỉnh Lạng Sơn có 8.242 sáng kiến được các cơ sở công nhận, đa phần các sáng kiến được công nhận đều được triển khai áp dụng tại cơ sở. Trong giai đoạn từ 2021-2023, Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh đã họp xét và trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 81 sáng kiến cấp tỉnh trên tổng số 181 hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh (chiếm 44,8%). Các giải pháp sáng kiến đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh đều là các giải pháp giải quyết được những vấn đề khó, phức tạp trong thực tiễn công tác của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều bản mô tả sáng kiến trình bày còn rườm rà, cơ sở lý luận, thực tiễn còn sơ sài, thiếu số liệu minh chứng, độ tin cậy của số liệu thực nghiệm chưa cao nên chưa chứng minh được tính hiệu quả một cách tin cậy và thuyết phục.

Qua theo dõi, nhìn chung hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh đã được nhiều cơ quan đơn vị quan tâm triển khai có hiệu quả, nhiều sáng kiến đã được các đơn vị công nhận và triển khai ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội tốt. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn công tác sáng kiến đã được nhiều cơ quan đơn vị quan tâm triển khai. Phong trào thi đua học tập lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi nổi. Từ đó, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao của các cấp, ngành, địa  phương.

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác sáng kiến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Việc triển khai hoạt động sáng kiến tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả, chưa thực sự trở thành phong trào nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu suất lao động. Việc công nhận sáng kiến đôi khi còn nặng về phục vụ công tác thi đua khen thưởng.

- Số lượng sáng kiến được công nhận chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, chủ yếu tập trung trong ngành giáo dục và đào tạo, số lượng sáng kiến khối các sở ngành, ban đảng, đoàn thể, doanh nghiệp còn ít hoặc chưa có sáng kiến.

- Việc tổ chức xét, đánh giá, công nhận sáng kiến tại nhiều đơn vị còn lúng túng, chưa trở thành công việc thường xuyên liên tục. Công tác quản lý thông tin sáng kiến còn chưa khoa học, do đó việc tiếp cận thông tin sáng kiến để triển khai nhân rộng còn khó khăn.

- Hoạt động chuyển giao ứng dụng sáng kiến hầu như chưa có, chủ yếu các sáng kiến chỉ được triển khai áp dụng tại cơ quan, đơn vị. Chưa có chính sách hỗ trợ các tác giả hoàn thiện, nhân rộng sáng kiến.

Để công tác sáng kiến được triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn cần triển khai một số giải pháp như sau:

- Một là, các cấp, ngành, địa phương cần, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và chính sách về sáng kiến, nâng cao nhận thức của xã hội về sáng kiến, tiến tới xây dựng văn hóa sáng kiến. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ và chủ động ở các địa phương trong việc tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về sáng kiến.

- Hai là, cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi sáng tạo, tổ chức các triển lãm kết quả lao động sáng tạo, tổng kết và khen thưởng hoạt động sáng kiến hàng năm và các hoạt động khác để tôn vinh tổ chức, cá nhân điển hình và biểu dương các sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

- Ba là, cần có chính sách phát triển hoạt động hỗ trợ như: hỗ trợ tạo ra sáng kiến; hỗ trợ áp dụng thử và hoàn thiện sáng kiến; hỗ trợ thủ tục tài chính, thủ tục sản xuất thử nghiệm; hỗ trợ đánh giá bản chất kỹ thuật của sáng kiến; hỗ trợ việc triển khai áp dụng sáng kiến lần đầu về phương tiện vật chất kỹ thuật, các điều kiện để triển khai áp dụng; hỗ trợ công nhận và công bố sáng kiến; hỗ trợ thủ tục pháp lý, cách thức chia sẻ sáng kiến và nhận chia sẻ sáng kiến...

- Bốn là, cần làm tốt công tác tổ chức các dịch vụ môi giới chuyển giao sáng kiến và các hình thức giao dịch về sáng kiến (hội chợ, triển lãm) hỗ trợ việc chuyển giao sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật. Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu sáng kiến của tỉnh Lạng Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, ứng dụng sáng kiến.

Nguyễn Minh Huấn