Sáng kiến với công tác thi đua, khen thưởng
Sáng kiến là kết quả của hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tăng cường phạm vi triển khai áp dụng.
Sáng kiến là kết quả của hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tăng cường phạm vi triển khai áp dụng.
Thực hiện Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến; Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ; Quyết định số 36/2018/QĐ-UBND ngày 19/4/2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của quy định về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; các cơ quan, đơn vị đã triển khai đến công chức, viên chức trong đơn vị phát huy sáng kiến, nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến được áp dụng vào trong các lĩnh vực như: Quản lý nhà nước, công tác đảng và hoạt động sự nghiệp, đem lại hiệu quả nhất định trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận sáng kiến đối với các tác giả có sáng kiến đạt yêu cầu trở lên, một số sáng kiến được áp dụng mang lại lợi ích thiết thực, được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận trong năm 2023, ví dụ như:
Lĩnh vực Quản lý nhà nước và công tác đảng: (1) Một số giải pháp triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính huyện Bình Gia; tác giả Dương Thị Nga, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Gia; (2) Một số giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; tác giả Nông Bích Diệp, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Lạng Sơn.
Lĩnh vực Sự nghiệp: (1) Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn 8 qua hoàn thành sản phẩm học tập; tác giả Lương Thị Mỹ An Trường THCS xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; (2) Biện pháp cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi bước đầu làm quen với tiếng Anh ở trường mầm non; tác giả Nguyễn Thanh Bách, Trường Mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn....
Tuy nhiên, việc công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiểu quả áp dụng của sáng kiến và đề tài nghiên cứu khoa học làm căn cứ để xét danh hiệu thi đua chưa được triển khai đảm bảo theo yêu cầu tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ
Thực tế hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện việc công nhận tên sáng kiến của các tác giả trên cơ sở quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến; Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chưa công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu tỉnh xem xét, công nhận (đối với sáng kiến đề tài nghiên cứu khoa học có hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng lớn trên địa bàn tỉnh). Đồng thời theo quy định của Nghị định trên thì sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua ở các cấp độ Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Không có quy định cấp sáng kiến (sáng kiến cấp cơ sở, sáng kiến cấp tỉnh, Sáng kiến cấp toàn quốc) dùng để xét tặng danh hiệu thi đua ở các cấp độ danh hiệu thi đua (Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi dua cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua toàn quốc).
Để thực hiện đảm bảo quy định về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến thì việc xem xét, đánh giá và công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, do Hội đồng sáng kiến các cấp thực hiện. Sáng kiến trước khi được đề nghị đánh giá và công nhận phạm vi ảnh hưởng ở các cấp, phải được đơn vị cơ sở công nhận và được cấp giấy chứng nhận.
Việc công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học do người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở xem xét, công nhận. Sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng ở cấp nào thì được làm căn cứ để xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ở cấp đó.
Căn cứ nguyên tắc trên, để việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được hiệu quả Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học các cấp có nhiệm vụ giúp người đứng đầu thực hiện trình tự các bước sau đây:
- Trình tự xét công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học tại các đơn vị có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ, gồm: Danh sách sáng kiến đề nghị đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng của các đơn vị cơ sở; Bản mô tả nội dung cơ bản của từng sáng kiến được đề xuất công nhận phạm vi ảnh hưởng kèm theo chứng cứ áp dụng như: các bản đánh giá, nhận xét, tài liệu minh họa về hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến … (nếu có).
Bước 2: Đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến dựa trên các nội dung hoặc tài liệu sau: Các chứng cứ hoặc thuyết minh về việc chuyển giao, nhân rộng việc áp dụng sáng kiến ngoài phạm vi đơn vị cơ sở; Các bằng chứng hoặc thuyết minh về quy mô, số lượng tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ việc áp dụng sáng kiến.
Bước 3: Ban hành Quyết định công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng tại cơ sở và gửi báo cáo, đề xuất sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh cho Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
- Trình tự xét công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học toàn tỉnh và toàn quốc (theo Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ):
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ: Hồ sơ đề nghị xem xét phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến toàn tỉnh và toàn quốc, được gửi đến cơ quan thường trực của Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh (là Sở Khoa học và Công nghệ) bao gồm: (1) Danh sách sáng kiến đề nghị đánh giá phạm vi ảnh hưởng gồm bản giấy và bản điện tử của đơn vị có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; (2) Bản mô tả nội dung cơ bản của từng sáng kiến được đề xuất công nhận phạm vi ảnh hưởng kèm theo chứng cứ áp dụng như: các bản đánh giá, nhận xét, tài liệu minh họa về hiệu quả và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến… (nếu có); (3) Quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến của đơn vị có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (bản sao);
Bước 2: Đánh giá, công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học: (1) Tổ giúp việc giúp Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh phân loại, thẩm định nội dung đối với các sáng kiến được đề xuất; (2) Cơ quan thường trực Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) lập thủ tục xin ý kiến thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh về xem xét, đánh giá phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến toàn tỉnh và toàn quốc; (3) Thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh đánh giá phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến toàn tỉnh và toàn quốc.
Bước 3: Ban hành Quyết định công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh và toàn quốc: Cơ quan thường trực Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ lập thủ tục, hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xét công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học có phạm vi ảnh hưởng toàn tỉnh và toàn quốc (ban hành quyết định công nhận dựa trên kết quả đánh giá của thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh đối với các sáng kiến được đề xuất).
Như vậy có thể thấy sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đóng vai trò khá quan trọng trong việc xét, công nhận danh hiệu thi đua khen thưởng tại các cơ quan đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng là một nội dung quan trọng, thông qua thi đua, khen thưởng mà phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người và những thành tựu, kinh nghiệm điển hình, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thúc đẩy phong trào phát triển đi lên.
Nguyễn Trịnh Minh Hằng