Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỸ THUẬT TRỒNG THÂM CANH TRÀ HOA VÀNG HUYỆN ĐÌNH LẬP

Chè hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, có thể làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh và làm đồ uống cao cấp.

Trong y học, cây chè hoa vàng có hoạt chất có tác dụng ức chế, tác động và giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Các hoạt chất trong lá, hoa của trà hoa vàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm tiểu đường, hạ cholesterol, hạ lipid máu, chống u bướu, tăng cường hệ miễn dịch, giảm xơ vữa động mạch, ngăn ngừa huyết khối, phòng ngừa các bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị các triệu chứng rối loạn thần kinh như: Alzheimer hay Parkinson, chống viêm loét dạ dày và kéo dài tuổi thọ. 

1. Đặc điểm hình thái

- Trà hoa vàng là cây thân gỗ nhỏ, thường xanh, cao khoảng 2 - 5m, cành thưa, vỏ cây màu vàng xám nhạt, họ Chè (Theaceae).

- Lá đơn mọc cách, dài hẹp hình tròn. Hàng năm cứ đến tháng 4 - tháng 5 đâm lộc, ra lá mới, sau 2-3 năm lá già mới rụng. Tháng 11 bắt đầu nở hoa, hoa kéo dài đến tháng 3 năm sau.

- Hoa mọc ở nách lá mới mọc riêng lẻ. Màu vàng kim có sáp bóng, đẹp mắt, long lanh khiến con người cảm giác nửa trong suốt. Đường kính hoa 5-6cm, dạng cốc hoặc bát, thế hóa đa dạng và kiều diễm..

2. Điều kiện gây trồng

2.1. Phân bố

          Cây chè hoa vàng mọc tự nhiên ở phạm vi các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Hiện nay, chè hoa vàng đã được trồng ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình... Trong đó chè hoa vàng trồng tại rừng phía Đông dãy núi Tam đảo, thuộc tỉnh Thái Nguyên được đánh giá có chất lượng trà cao nhất.

2.2. Điều kiện sinh thái

Cây trà hoa vàng sinh trưởng tốt nhất trong môi trường tự nhiên với các điều kiện sau:

- Nhiệt độ trung bình năm: 20,1oC - 23,4oC

- Lượng mưa trung bình năm: 1.560 mm – 2.594 mm

- Đất trồng: đất cát pha, đất thịt nhẹ đến đất thịt trung bình, đất chua hoặc hơi chua, đất màu nâu, nâu xám hoặc xám đen, đất bề mặt tơi xốp, đất có độ ẩm cao ven khe suối

- Trà hoa vàng ưa sống dưới tán rừng thấp có độ tàn che 0,55 - 0,7.

3. Chuẩn bị giống

Giống cây trà hoa vàng được nhân giống bằng phương pháp nhân giống vô tính như giâm cành, chiết cành, giâm hom. Tùy vào số lượng nhân giống, mục đích, hiện nay, cây chè hoa vàng được nhân giống hiệu quả nhất chủ yếu bằng phương pháp giâm hom.

Mô hình vườn giâm hom

 

3.1. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm hom:

Hom thí nghiệm

            - Chọn cây mẹ sinh trưởng, phát triển tốt, không mang nguồn nấm, bệnh, cây mẹ đạt  6 tuổi trở lên.

- Chọn hom: Cành bánh tẻ (thân hoá gỗ nhỏ 50%) mới phát triển trong kỳ sinh trưởng, không bị sâu bệnh, không bị gãy. Cành phải có chồi đình, chồi nách là chồi ngủ (chưa đâm chồi, lộc)

            - Thời vụ giâm hom: vào vụ Thu (tháng 8-9) và vụ Xuân (tháng 2-3)

            - Kỹ thuật giâm hom

            + Bước 1: Bố trí địa điểm vườn ươm: Chọn khu đất cao, khuất gió, gần nguồn nước tưới và vận chuyển, độ dốc không quá 50 để xây dựng vườn ươm.

            + Bước 2: Chuẩn bị giá thể giâm hom:

     Sử dụng 100% cát sạch hay đất đồi tầng Alàm giá thể, giá thể được loại bỏ toàn bộ tạp chất, hong nắng, dịch nắm bệnh. Trước khi giâm hom 1 ngày, giá thể được khử nấm bằng Viben C nồng độ 0,5%; Kích thước luống giâm: dài x rộng 1,0-1,2m; cao 15cm;

+ khoảng cách giữa các luống: 60cm

            + Bước 3: Chuẩn bị dụng cụ, hoá chất sử dụng:

     Dung dịch: KmnO4: 0,3% diệt côn trùng cho giá thể giâm hom

     Dung dịch VibenC: 0,5% xử lý nấm cho hom sau khi cắt

     Thuốc kích thích ra rễ: IBA 1,5% hoặc NAA 2%

            + Bước 4: Cắt hom:

      Chọn thời tiết râm mát để cắt cành và cắt hom. Giâm ngày nào thì cắt ngày đó, không để hom qua ngày.

Cắt hom ngọn có chiều dài 10 - 15cm hoặc hom dưới ngọn dài từ 5 – 7 cm, tối thiểu có 3 - 4 mắt, phiến lá ở mỗi hom cần được cắt bớt 2/3 diện tích lá để giảm diện tích thoát hơi nước cho hom. Cắt vát thân hom, hai vết cắt bằng hoặc ngược chiều nhau và nghiêng 450 , cách nách mầm 0,5cm đẻ bảo vệ mầm. Khi cắt hom phải dùng dao sắc, vết cắt ngọt, nhẵn, không làm dập hoặc sây sát mặt cắt và cành hom.

Quá trình giâm hom, chăm sóc hom tại mô hình

            + Bước 5: Xử lý và cắm hom:

           Hom sau khi cắt được ngâm ngay vào nguồn nước sạch, tránh hom mất mước. cs khi đêm giam, hom được ngâm trong dung dịch Viben C nồng độ 0,5% trong thời gian từ 10 – 20 phút để phòng nấm bệnh sau đó vớt ra để ráo.

            Trước khi cắm hom, giá thể được tưới đủ ẩm (độ ẩm 70 ÷ 75%) và dùng dung dịch Viben C 0.5% tưới đều lên toàn bộ mặt luống với lượng 10lit/100m2.

Chấm gốc hom vào chất kích thích IBA 1,5% hoặc NAA 2%  sao cho thuốc phủ kín mặt cắt hom và cấy ngay vào luống giâm. Các hom được cắm cách nhau 3 x4 cm, cắm nghiêng 45 độ xuôi theo chiều gió, hướng nắng. Hom có 4 mắt, cắm 2 mắt xuống giá thể và 2 mắt lên trên. Độ sâu hom cắm thường 2- 3cm. Căm xong dùng ngón tay bóp nhẹ xung quanh gốc hom để phần gốc hom dưới mặt bầu được tiếp xúc hoàn toàn với đất và giữ cho hom đứng thẳng và tưới ẩm.

            Bước 6: Vào bầu:

            Sau khi hom ổn định và ra rễ (2-3 tháng) thì tiến hành sang bầu cho hom. Đối với hom bắt đầu nhú rễ, dùng que chọc lỗ ở giữa bầu rồi cắm trực tiếp hom vào. Đối với hom có rễ dài cần tiến hành đóng bầu. Sử dụng túi bầu polyetylen thủng đáy, kich thước 5 x 9 cm hoặc 7 x11 cm. Thành phần ruột bầu: sử dụng đất đồi 90% + 9% phân chuồng hoai + 1% phân NPK trộn đều. Cho hỗn hợp đất đã trộn trên vào bầu đến 2/3 chiều cao của bầu, lèn chặt rổi cẩn thận cho cành hom vào giữa bầu, đặt cành hom theo phương thẳng đứng trong bầu sao cho nhánh rễ phát triển sang 2 bên. Tiếp tục cho hỗn hợp ruột bầu đến3/4 chiều cao của bầu rồi lèn chặt, sau đó tưới nước.

Kỹ thuật trồng

            Bước 7: Chăm sóc hom tại vườn ươm:

Sau khi cấy hom xong, phải phun tưới hom giâm cho mặt lá đủ ẩm và phủ kín luống giâm hom bằng nilong trắng để giữ ẩm. Những ngày nắng gắt thì phải tăng độ tàn che của vườn giâm để giảm bớt nhiệt độ trong vườn giâm hom. Sau 2-3 tuần hom ổn định thì dở dần nilong cho hom sinh trưởng.

Trong 3-5 tuần đầu tưới nước dạng phun sương. Lượng tưới: 2 lần/ngày vào mùa hè và 1 lần/ngày vào mùa đông; 1,5lit/ m2, đảm bảo độ ẩm thường xuyên từ 75-80%

Bón phân: Tưới thúc phân NPK tỷ lệ 5:10:3 nồng độ 2%, lượng tưới 10 lít cho một m2 diện tích mặt bầu trong một lần tưới khi thấy cây bị vàng úa hoặc sinh trưởng kém, tưới rửa lá sau khi tưới phân NPK, 5 -10 ngày bón 1 lần khi hom đạt >60 ngày tuổi

Tiêu chuẩn xuất vườn: Cây con được nuôi dưỡng trong vườn ươm từ 10 tháng trở lên, có ngọn và mầm đang phát triển tốt; cây không bị sâu bệnh, héo, gẫy và bầu đất không bị vỡ. Cây có từ 4 - 6 lá thật, chiều cao cây >20cm

            4. Kỹ thuật trồng thâm canh

            4.1. Phương thức, mật độ, thời vụ trồng:

 

Trồng dưới tán rừng, mật độ trồng 1.300 cây/ha (cự ly 3 x 3m), tùy thuộc tầng cây rừng mà cự ly trồng có thể lớn hơn.

Thời vụ trồng: Vụ xuân (tháng 2-3) hoặc vụ thu (tháng 8-9) hàng năm. Trồng vào những ngày trời râm mát.

            4.2. Xử lý thực bì:

Phát dọn trắng thực bì, dây leo, tỉa thưa cành cây rừng để tạo độ tàn che dao động từ  0,6 - 0,7 trước khi trồng ít nhất 01 tháng.

            4.3. Làm đất bón phân:

Hố trồng bố trí theo băng, kich thước hố trồng hình vuông/tròn (rộng x dài x sâu: 40 x40 x 40cm). Khi cuốc hố để phần đất mặt tơi xốp 1 bên và phần đất phía dưới hố một bên. Khi lấp hố, đưa phần đất mặt tơi xốp trộn với phân bón lót xuống đáy hố cùng với thảm mục và phần đất mặt xung quanh hố, đất dưới đáy hố lên phía trên, lấp đất gần ngang hố.

Bón phân: 0.5kg phân hữu cơ vi sinh kết hợp với 110 g urê + 350 g supe lân + 50 g ka li. Kết hợp với lúc lấp hố, phân được trộn đều với phân hữu cơ vi sinh và phần đất ở 1/3 phía dưới hố trồng. Thời điểm bón lót và lấp hố: trước khi trồng từ 5 đến 10 ngày.

                       Năm 1                                        Năm 2                                         Năm 3

(Kiểm tra, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây)

4.4. Kỹ thuật trồng:

Thời điểm trồng: Trồng cây vào những ngày râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm (tránh ngày nắng nóng trên 300 hoặc gió bão). Rải cây giống đến đâu, trồng ngay đến đó và phải trồng hết trong ngày. Dùng vật dụng như cuốc, xẻng…đào giữa hố trồng rộng 20cm, xâu từ 12-15cm để trồng cây.

Khi trồng cây phải xé bỏ vỏ bầu, đặt cây thẳng đứng vào giữa hố, lấp đất đầy hố cao hơn cổ rễ từ 0,1 - 0,22cm, lèn chặt xung quanh bầu, tránh làm vỡ bầu; nếu địa hình bằng phẳng, lấp hố đầy hình mâm xôi cho thoát nước; nơi đại hình dốc, lấp hố thấp hơn hoặc bằng miệng hố để giữ ẩm; thu dọn vỏ bầu sau khi trồng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Phủ cỏ, rác xung quanh gốc cây trên mặt hố để giữ ẩm cho cây.

Phủ cỏ, rác xung quanh gốc cây trên mặt hố để giữ ẩm cho cây

            5. Chăm sóc:

5.1. Trồng dặm: Sau khi trồng một tháng, tiến hành kiểm tra tỷ lệ cây sống và trồng dặm những cây bị chết, đảm bảo tỷ lệ cây sống theo quy định. Tỷ lệ cây giống trồng dặm bình quân 10% so với mật độ trồng.

5.2. Số lần chăm sóc: Chăm sóc 3 năm đầu sau khi trồng.

            - Năm thứ nhất: Chăm sóc 1 lần với cây trồng vụ thu (trồng từ tháng 8 - 9); chăm sóc 2 lần với cây trồng vụ xuân (tháng 1- tháng 3). Thời điểm chăm sóc lần 1: sau khi trồng 01 đến 02 tháng; lần 2 trước mùa khô (từ tháng 9-10). Trồng dặm những cây chết, phát dọn dây leo, cây bụi và cỏ dại. Xới đất, vun gốc xung quanh hố với đường kính từ 60-80cm, sâu từ 04-05cm. Tỉa những cây có nhiều thân, khi tỉa chú ý cắt sát thân cây

            - Năm thứ 2 và thứ 3: Chăm sóc 2 lần.

Thời gian chăm sóc lần 1từ tháng 2 đến tháng 4; lần 2 vào tháng 7 đến tháng 9

Phát dọn dây leo, cây bụi và cỏ dại. Xới đất, vun gốc xung quanh hố cách gốc cây từ 30 - 50cm, chiều sâu từ 04 đến 05cm, kết hợp bón thúc 0.5kg phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu trộn lẫn 110 g urê + 350 g supe lân + 50 g ka li.

+ Cách bón: Theo rạch phần dốc phía trên hố, rạch sâu từ 8 - 10cm, rộng từ 10-15cm, dài từ 40-50cm và cách gốc cây 30-50cm. Trộn đều phân với đất, lấp phủ kín lên trên rạch.

+ Tỉa cành tươi: cắt bỏ cành già, cành còi, cành bị sâu bệnh

+ Tỉa cành khô: cắt bỏ hết cành khô trên cây

+ Tỉa thân: Khi cây cao 80 cm trở lên thì bấm ngọn để tạo tán, tỉa bớt với những cây có nhiều thân, chỉ để lại 1-2 thân. Khi tỉa chú ý cắt sát với thân để cây liền sẹo nhanh.

Trà hoa vàng bắt đầu nở hoa vào tháng 11, hoa kéo dài đến tháng 3 năm sau

            5.3. Phòng trừ sâu bệnh:

Một số đối tượng sâu hại chính cây chè hoa vàng gồm sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu róm, bọ xít..các biện pháp phòng trừ như:

+ Biện pháp thủ công: bắt sâu non tuổi 1-2, ngẳt lá có ổ trứng bọ xít, cắt cành có sâu đục thân gây hại, làm bẫy bắt sâu trưởng thành.

+ Biện pháp canh tác: làm sạch cỏ, cày xới đất để diệt trừ con nhộng trong đất và nấm gây bệnh hại cho rễ.

+ Phương pháp hóa học: phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng lúc, đúng thuốc, đúng liệu lượng và đúng phương pháp.

5.4. Phòng chống cháy rừng:  Phát dọn thực bì trước mùa khô, phát dọn đường ranh giới lô, khoảnh, đường băng cản lửa. Xây dựng chòi canh lửa thoe quy định bảo vệ rừng.

Thời vụ thu hoa chủ yếu trong khoảng 1 tháng khi đó hoa sẽ rất bền và đẹp.

 

6. Thu hoạch

          - Thời gian thu hoạch các sản phẩm của trà hoa vàng thường vào mùa xuân, khoảng tháng 3 - 4 dương lịch hàng năm.

          - Các bộ phân thu hái là lá, búp non và hoa. Trong đó hoa là sản phẩm chủ yếu.

          - Khi thu hoạch thường lựa chọn thu hoạch vào thời tiết mát mẻ, không mưa là tốt nhất.

          - Sau khi thu hái các sản phẩm có thể sử dụng tươi hoặc khô. Nếu muốn bảo quản thời gian dài hơn thì có thể sấy khô rồi cho vào túi kín bảo quản.