Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái Trám đen phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn

Cây Trám đen có tên khoa học Canarium tramdenum Dai & Yakovl. Họ Trám (Burseraceae), tên khác là Bùi, Co mác bây (Tày, Nùng). Trám đen và Trám trắng đang là những loài cây bản địa lấy quả làm thực phẩm có giá trị kinh tế cao.

 

PHẦN I. THÔNG TIN CHUNG

Cây Trám đen có tên khoa học Canarium tramdenum Dai & Yakovl. Họ Trám (Burseraceae), tên khác là Bùi, Co mác bây (Tày, Nùng). Trám đen và Trám trắng đang là những loài cây bản địa lấy quả làm thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Quả Trám là một mặt hàng đặc sản có giá trị, được sử dụng trong nước và là một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Quả trám đen có rất nhiều công dụng, quả trám “om” là món ăn quen thuộc trong các bữa cơm của các gia đình ở miền Bắc trước kia. Quả trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: trám kho cá, trám nhồi thịt... làm ô mai mặn, ngọt. Nhân hạt trám chứa nhiều dầu béo, có vị bùi có thể ăn sống, ép dầu hoặc làm nhân bánh. Quả trám còn được dùng làm thuốc vì có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, thanh lọc, giải độc rượu, chữa hóc xương cá. Dịch nước của quả chữa da nứt nẻ do khô lạnh, lở ngứa, nhất là lở miệng, chữa sâu răng bằng cách dùng quả và hạt trám đốt, tán nhỏ và bôi vào chân răng. Rễ cây trám dùng chữa phong thấp, đau lưng, gối tê liệt cử động. Lá trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, phù thũng, ghẻ lở.

Nhằm giúp bà con nông dân trồng, chăm sóc cây Trám đen nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của cây Trám đen, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng Trám, phát triển bền vững và hiệu quả vùng sản suất Trám, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái Trám đen phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn.

PHẦN II. NỘI DUNG QUY TRÌNH

I. KỸ THUẬT TRỒNG 

         1.1. Chọn đất trồng       

Trám đen có thể trồng được ở những nơi có độ cao trung bình dưới 800m so với mực nước biển, thích hợp nhất là dưới 400 m. Có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tầng dày (độ sâu tầng đất > 80 cm), giàu mùn, ẩm thường xuyên, thoát nước. Thích hợp nhất là các loại đất sét hoặc sét pha, đất dốc tụ hoặc đất bồi tụ, đất phù sa ven sông… không nên trồng trên đỉnh đồi, độ dốc không quá 30 độ. Đào hố trồng rộng 0,8 - 1m, sâu 0,8 - 1m. Bón lót mỗi hố 30 - 50kg phân chuồng trộn với 0,5 - 1kg supe lân, ủ kỹ trong 60 – 70 ngày. Khi trồng trộn đều phân với đất, san phẳng, trồng cây trám ở chính giữa hố.

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trám cho bà con

1.2. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng trám  thích hợp nhất là vụ xuân – hè (từ tháng 2 – 4) hoặc vụ hè – thu (từ tháng 6 – 8) khi đất đủ ẩm, chọn những ngày râm mát hoặc mưa nhỏ để trồng.

1.3. Mật độ trồng

- Trồng tập trung thuần loài:

 Mật độ trồng là 1.600 cây/ha khoảng cách trồng (3 x 2m). Cây giống áp dụng cho phương thức này có thể là cây gieo từ hạt hoặc cây ghép.

 

Vườn nhân giống cây Trám đen bằng phương pháp ghép

 

- Trồng cây phân tán hay nông lâm kết hợp:

Mỗi gia đình có thể trồng một vài chục cây, nhiều nhất không quá 100 cây trên nương rẫy theo phương thức nông lâm kết hợp, hay trồng xen với cây ăn quả trong các vườn hộ hay rừng. Mật độ trồng cây ghép thường là 500 cây/ha khoảng cách trồng (5 x 4 m).

 

Vườn mô hình trồng mới Trám đen ghép (sau trồng 6 tháng)

 

         1.4. Xử lý thực bì 

Đối với phương thức trồng phân tán trong các vườn hộ, vườn rừng hay xung quanh nhà thường thực bì rất ít hoặc không có, nên chỉ cần xử lý cục bộ xung quanh vị trí cuốc hố. Đối với các trạng thái rừng thứ sinh nghèo kiệt, hoặc trảng cây bụi thực bì khá dày nên cần xử lý theo băng (rạch) chạy song song với đường đồng mức, băng (rạch), chặt rộng 2m, băng chừa rộng 3m, chặt toàn bộ cây bụi thảm tươi trên băng (rạch), chỉ chừa lại những cây gỗ từ 6cm trở lên và những cây tái sinh có giá trị kể cả cây gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ. Công việc này phải thực hiện trước khi trồng rừng ít nhất 1 tháng.

1.5. Làm đất

Làm đất theo phương thức cục bộ, dùng dụng cụ chuyên dùng đào hố thủ công, kích thước hố là: 40 x 40 x 40 cm hoặc 60 x 60 x 50 cm tùy theo đặc điểm ở từng nơi trồng rừng, nơi đất tốt, bón lót ít phân hữu cơ cuốc hố kích thước nhỏ; nơi đất xấu, nhiều sỏi đá cần bón nhiều phân hữu cơ thì cuốc hố lớn.   Bón lót, nơi đất xấu bón từ 5 – 10 kg phân chuồng hoai (gồm các loại phân: gà, lợn, trâu, bò) kết hợp với 0,3 kg phân NPK (5:10:3)/hố. Nơi đất tốt cũng nên bón từ 2 – 3 kg phân chuồng hoai kết hợp với 0,3 kg NPK (5:10:3)/hố. Lấp đất xuống hố đến đâu đảo phân đều đến đó và lấp đầy miệng hố. Việc cuốc hố phải hoàn thành trước khi trồng ít nhất 1 tuần.

Cấp cây giống Trám đen ghép cho các hộ mô hình trồng mới

 

1.6. Kỹ thuật trồng

Sử dụng cuốc hoặc thuổng đào một lỗ nhỏ ở giữa hố đã lấp đất, kích thước hố phải lớn hơn bầu đất của cây giống, xé vỏ bầu, đặt bầu cây ngay ngắn giữa hố và lấp đất, dùng tay ấn nhẹ xung quanh bầu sao cho không làm vỡ bầu đất, vun đất hình mai rùa xung quanh gốc và cao hơn mặt đất xung quanh từ 4 – 5 cm để tránh đọng nước mưa. Sau khi trồng 1 tháng cần kiểm tra để trồng dặm những cây chết hoặc trồng thay thế những cây có nguy cơ bị chết hoặc sinh trưởng kém bằng những cây con đủ tiêu chuẩn dự phòng ở vườn ươm.

II. KỸ THUẬT CHĂM SÓC

2.1. Tưới nước và tạo tán

Tưới đủ ẩm 70 - 80% sau trồng để cây sinh trưởng thuận lợi. Tạo tán cho cây con trong 3 năm đầu: Khi cây cao 1 - 1,2m tiến hành bấm ngọn. Mỗi cây giữ 4 - 5 cành cấp 1 và 8 - 10 cành cấp 2 toả đều xung quanh.

Mẫu quả TN phun Ethryl

Mẫu quả TN cắt tỉa

Mẫu quả TN bón phân

Mẫu quả vườn đối chứng

 

2.2. Bón phân

- Bón cho cây con (1 - 3 năm): Mỗi cây 20 - 30 kg phân chuồng, bón 1lần/năm. Từ 0,5 - 1kg urê 0,2 - 0,5 kg kali clorua, 1 - 2 kg supe lân, bón làm 4 - 5 đợt/năm.

Năm đầu bón 1 - 2 lần, phát thực bì, dẫy cỏ quanh gốc, xới vun gốc với đường kính 0,7 - 0,8m.

Năm thứ hai bón 2 lần vào vụ xuân và cuối thu, cách chăm sóc như năm đầu và có bón thêm 0,05-0,1kg NPK (5:10:3) cho mỗi gốc vào lần 1.

Năm thứ ba chăm sóc 2 lần giống năm thứ 2 nhưng mở rộng đường kính xới dẫy quanh gốc rộng 1 - 1,2m.

- Bón cho cây kinh doanh: Tỉa thưa cây xấu, cong queo, sâu bệnh khi cây 6 - 7 tuổi. Bón làm 3 đợt trong năm: Bón phục hồi sau khi thu quả, kết hợp với tỉa cành la, cành vóng, cành tược, cành sâu bệnh, phân chuồng 30 - 50kg, bón đạm, lân, kali theo tỷ lệ 2 đạm: 1kali: 4 lân. Bón đón hoa vào tháng 1 tỷ lệ 1 đạm: 1 ka li. Bón thúc quả vào tháng 4 tỷ lệ 1 đạm: 2 kali. Vị trí bón dưới tán cây, cách gốc 0,8 - 1m để nuôi dưỡng cây.

Phun chế phẩm A-H 502 + Chất bám dính cho trám 2-3 lần. Từ 1 - 2 lần khi có nụ đến trước nở hoa rộ, 1 lần khi đậu quả non đường kính quả bằng đầu đũa để tăng đậu quả, chống rụng quả sinh lý, tăng 15 - 20% năng suất quả.

Cây Trám đen bắt đầu ra hoa

 

2.3. Cắt tỉa, tạo tán

* Cắt tỉa: Cắt tỉa vào tháng 2 trước khi cây ra hoa, cắt tỉa sau khi thu hoạch quả. Cắt tỉa những cành cành sâu bệnh, cành khô héo, cành tăm để cây kịp thời ra lộc chuẩn bị ra hoa vụ sau.

* Tạo tán: Phải tạo tán trám theo hướng lùn hóa, cành chính ngắn để cho năng suất cao. Nếu mắt ghép vào gốc cây gốc ghép còn nhỏ thì ghép mắt vào khoảng 20 cm cách mặt đất, đến mặt đất, đến khi cây con cao 1m thì bấm ngọn để phân cành, sau đó lại bấm ngọn, để tạo 1 - 2 cành nhánh, dài khoảng 50 - 80cm. Nếu ghép lên cây con lớn hơn thì ghép vào khoảng 150cm cách mặt đất, khi có 1 - 2 cành thì bấm ngọn, để cành dài 80cm, tạo thế cây lùn, cành ngắn.

 Ảnh thí nghiệm phun chế phẩm Ethryl

 

2.4. Chăm sóc khác

Chăm sóc 04 năm đầu kể từ khi trồng, mỗi năm có thể chăm sóc từ 2 - 3 lần tùy theo mức độ thực bì ở từng địa điểm cụ thể. Nội dung chăm sóc chủ yếu là cắt bỏ dây leo quấn lên thân cây trám, dãy cỏ và phát dọn cây bụi thảm tươi xung quanh gốc rộng từ 80 – 100 cm, cuốc xới và vun gốc cây rộng từ 60 – 80 cm, phát tỉa cành và điều chỉnh độ tàn che của tán rừng, hoặc tán cây khác sao cho phù hợp với nhu cầu ánh sáng của cây trám ở từng giai đoạn. Ngoài ra có thể bấm ngọn, tỉa cành nhánh để tạo tán cho từng cá thể, sao cho chúng sinh trưởng và phát triển cân đối, nhiều cành nhánh, tán rộng nhằm nâng cao năng suất quả và hạn chế phát triển chiều cao để dễ thu hoạch, nhất là với những cây ghép.

 Cây Trám đen MH thâm canh

Mẫu quả MH thâm canh

 

2.5. Phòng trừ sâu, bệnh hại

Trám đen thường bị sâu vòi voi xanh phá hại (cả giai đoạn sâu non và sâu trưởng thành). Sâu trưởng thành thường dùng vòi đục xung quanh ngọn cây thành các lỗ để hút chất dinh dưỡng và sau đó đẻ trứng vào lỗ đục, trứng nở thánh sâu non, sâu non chui vào thân ngọn trám để phá hại. Khi sâu non chui ra ngoài cũng là lúc ngọn Trám bị héo, cây Trám bị tổn thương. Sâu trưởng thành xuất hiện tập trung vào khoảng tháng 4 - 9, thời gian này cần tổ chức các đợt điều tra để phát hiện sâu hại kịp thời đề xuất biện pháp, tiến hành thống kê số lượng cây hại và mức độ bị hại trên tuyến từ đó suy ra cho toàn rừng.

Hoa bị bệnh thán thư

Thân cây bị chảy mủ gôm

 

 * Biện pháp phòng trừ sâu hại: 

Sâu vòi voi thuộc họ Curculionidate thuộc bộ Coleoptera, khi phát hiện có sâu hại cần áp dụng các biện pháp phòng trừ sau đây:

- Ngắt những lá Trám, búp Trám đã bị sâu trưởng thành phá hại đem đốt để diệt hết trứng sâu non.

- Dựa vào tập tính sinh học và phòng trừ như dùng bẫy đèn lúc 6 - 7 giờ tối để bẫy sâu trưởng thành, dùng vợt và rỏ tre đi rung từng cây hứng sâu trưởng thành và bắt giết.

- Dùng Wofatox nồng độ 0,2 - 0,5% phun đều vào ngọn và lá những cây có sâu hại.

- Bảo vệ các loài thiên địch như kiến lửa, ong,…

III. KỸ THUẬT THU HÁI, SƠ CHẾ, BẢO QUẢN QUẢ TRÁM

Cây Trám đen chuẩn bị thu hoạch

3.1. Kỹ thuật thu hái

Trám là cây gỗ lớn, chiều cao cây đạt tới 25 - 30m, đường kính 80 - 90 cm; thân thẳng, phân cành cao, tán cây rộng. Vì vậy, việc thu hoạch quả trám gặp nhiều khó khăn; hơn nữa do quả trám có kích thước nhỏ nằm ẩn trong các bụi lá, đứng ở dưới đất không thể quan sát thấy hết dẫn đến thu hoạch không được triệt để. Ở nước ta hiện nay bà con nông dân đang tiến hành thu hoạch theo hai cách:

* Cách thu hái thủ công:

- Dùng sào tre để đập, tuy có giảm công thu hái nhưng làm cho quả sau thu hoạch hay bị dập nát, giảm rất nhiều giá trị cảm quan cũng như giá trị dinh dưỡng, hơn nữa việc dùng sào đập trong lúc thu hái ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây sau này cũng như năng suất quả của các năm sau.

- Dùng thang, sào, móc đeo giỏ để thu hái; phương pháp này tuy có giảm được mức độ hư hỏng quả và cây nhưng rất tốn công, từ đó dẫn đến giá thành quả cao.

          - Với phương pháp thủ công như cắt cành, dùng gậy đập; không những gặp khó khăn trong quá trình thu hái do cây trám cao to, cành cây giòn dễ gãy mà phương pháp này còn ảnh hưởng đến chất lượng quả sau thu hái, quả bị tổn thương do va đập, tuổi thọ của cây và khả năng ra hoa, năng suất quả trám của các vụ tiếp theo.

* Cách thu hái bằng sử dụng hoá chất:

  - Sử dụng muối: đục lỗ nhỏ rồi cho muối vào thân cây trám để quả rụng đồng loạt.

- Sử dựng thuốc Ethylene: Khi cây vào giai đoạn chín để tiết kiệm công lao động, chi phí thu hái, ảnh hưởng tới khả năng ra hoa ở vụ sau thì sử dụng Ethylene 40% được pha loãng ra 300 lần (chế phẩm thương phẩm bán ngoài thị trường là thuốc giấm các loại quả thông thương như chuối, hồng....) phun lên tán lá cây. Phương pháp thu hái này dựa trên nguyên tắc của sự hấp thu Ethryl của lá qua khí khổng và giải phóng ra Ethylene, một chất điều hoà sinh trưởng nội sinh có tác dụng đẩy nhanh quá trình lão hoá và kích thích hình thành tầng rời gây rụng lá, rụng quả. Sau bốn ngày phun tỷ lệ rụng quả đạt 99 - 100%. Sử dụng Ethylene là phương pháp mới, cho hiệu quả thu hái tốt hơn và có lợi về nhiều mặt do ngoài tác dụng thu hoạch (gây rụng quả) nó còn có tác dụng phụ là kích thích cây sớm ra quả và tăng mạnh số lượng chùm hoa năm sau. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất ở nồng độ thích hợp thì đòi hỏi người sử dụng phải tuân thủ đúng kỹ thuật pha chế,  đảm bảo đúng liều lượng hoá chất

Thu hái Trám

3.2. Thời điểm thu hái

Trám đen sau khi trồng 5 - 6 năm bắt đầu ra hoa, cây ra hoa vào tháng 4 - 5, thu hái quả tháng 9 - 11. Tuy nhiên theo yêu cầu kỹ thuật đối với với từng loại sản phẩm chế biến mà người ta chọn thời điểm thu hái cho thích hợp. Thu hoạch trám với độ chín như thế nào tùy thuộc vào yêu cầu sản phẩm. Các loại thu hoạch sớm để chế biến, còn để ăn tươi thì phải thu hoạch khi quả chín hẳn. Trong thời vụ thu hoạch của trám người ta chia ra làm ba thời điểm thu hái chính:

 - Thu hái sớm: thời điểm thu hái được diễn ra vào tháng 7 - 9 hàng năm. Lúc này vỏ quả có màu xanh, hạt vẫn có màu trắng hơi nâu chưa chuyển sang mầu nâu. Trám thu hoạch vào thời điểm này thích hợp cho quá trình chế biến mứt. Với thời điểm thu hoạch này sẽ có lợi cho dưỡng cây và đảm bảo năng suất cho mùa quả năm sau.

 - Thu hái giữa mùa: Thời điểm thu hái vào tháng 9 - 10 hàng năm. Thời điểm này quả đã phát triển tương đối hoàn chỉnh về kích thước cũng như thành phần hoá học. Quả được thu hái vào thời điểm này thích hợp cho mục đích bảo quản tươi.

 - Thu hái muộn: Thời điểm thu hái vào tháng 10 - 11 hàng năm. Lúc này quả đã già, thành phần các chất trong quả đã đạt tới mức cao nhất, nên hương vị và màu sắc của trám rất đặc trưng. Vì vậy độ già này rất thích hợp cho mục đích chế biến kem, mứt nhuyễn, rượu và các loại nước giải khát từ trám.

          3.3. Sơ chế, bảo quản và chế biến quả Tm

      - Về sơ chế và bảo quản quả trám: Việc sơ chế và bảo quản quả trám sau thu hoạch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống là xử lý nước ấm, loại bỏ vỏ bằng cách chà xát thủ công và bảo quản bằng cách ngâm ủ muối, ngâm mắm hoặc sấy khô.

- Về chế biến quả trám: Trong một số năm gần đây do thiết bị và công nghệ chế biến thực phẩm phát triển mạnh đã giúp cho ngành chế biến trong nước được nâng cao sản phẩm nói chung và các sản phẩm về trám nói riêng. Công ty TNHH Bắc Ninh đang sản xuất với khối lượng lớn sản phẩm về quả trám; mặt hàng chính của công ty là trám dầm nước mắm đóng trong lọ thủy tinh và được suất khẩu sang các nước châu Âu. Một số xưởng chế biến của tỉnh Lạng Sơn mỗi năm cũng tiêu thụ 30 - 40 tấn quả vào việc chế biến mứt trám.

Post type
Hot

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết