Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ thuật thâm canh cây Mít bản địa tại huyện Hữu Lũng

Cây mít được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Đối với nhiều địa phương, cây mít còn gắn liền với bản sắc văn hóa người dân bản địa, là cây trồng thân thiết với nhiều hộ gia đình.

PHẦN I. THÔNG TIN CHUNG

Mít là cây lâu năm, đa tác dụng, sản phẩm cho thu hoạch trong năm là quả, lá, lâu năm là gỗ. Ngoài giá trị dinh dưỡng của quả mít thì các thành phần khác như xơ mít, vỏ mít, lá mít là thức ăn lý tưởng cho gia súc (bò, dê); thân mít lâu năm là một loại gỗ quí dùng trong xây dựng và mỹ nghệ. Nếu được đầu tư thâm canh tốt thì năng suất đạt được từ 80-100 tấn /ha/năm, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm và lãi ước tính khoảng 50-70 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy cây mít được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Đối với nhiều địa phương, cây mít còn gắn liền với bản sắc văn hóa người dân bản địa, là cây trồng thân thiết với nhiều hộ gia đình.

Cây mít mô hình thâm canh trong thời kỳ kinh doanh

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, khai thác tốt vùng đất dốc, không chủ động nước, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, cần phải xác định được những cây trồng thích nghi với điều kiện đất dốc, chịu hạn và giá trị kinh tế cao. Cây mít là một sự lựa chọn tốt, vì mít có bộ rễ ăn sâu, lan rộng, nên chịu hạn, chống đổ, chống sạt lở đất rất tốt và cho giá trị kinh tế cao.

Mít Hữu Lũng được người dân trồng chủ yếu bằng hạt nên có mức độ phân ly cao, tạo nên quần thể mít đa dạng, trong đó có những cá thể có sức sinh trưởng mạnh, có năng suất cao ổn định, chất lượng quả tốt, đã trở thành một sản phẩm đặc sản của huyện. Những cá thể tốt này cần được tuyển chọn, đánh giá và nhân giống vô tính nhằm bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh tập trung.

Nhằm giúp bà con nông dân trồng, chăm sóc giống Mít bản địa nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của cây Mít bản địa, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng Mít, phát triển bền vững và hiệu quả vùng sản suất Mít, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật thâm canh cây Mít bản địa tại huyện Hữu Lũng.

Mô hình nhân giống Mít bản địa tại xã Sơn Hà, Hữu Lũng

 

PHẦN II. NỘI DUNG QUY TRÌNH

1. Chuẩn bị đất trồng

- Chọn đất:

Mít là cây dễ tính có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, không ngập úng, thoát nước tốt, có tầng canh tác sâu, PHKcl  thích hợp cho trồng mít là 5,0 -7.5

- Chuẩn bị đất trồng:

Đối với đất bằng phẳng:  phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30 - 40cm (tùy theo mực nước ngầm ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa. Đắp mô cao 40 - 70cm. Đào hố có kích thước 40 x 40 x 40 cm.

+ Đối với đất có độ dốc dưới 7 độ, đào hố có kích thước 40 x 40 x 40 cm, bố trí hàng thẳng

+ Đối với đất có độ dốc từ 7 độ trở lên, đào hố có kích thước 40 x 40cm x 40 cm, đất mặt đổ lên phía trên, đất phía dưới hố đổ lên phía dưới sườn dốc, bố trí hàng theo đường đồng mức.

+ Bón phân lót cho một hốc: 0,5kg vôi bột, 0,3kg phân super lân, 10kg phân chuồng hoặc hoặc các loại phân hữu cơ như thân, vỏ đậu đỗ, trấu …đã ủ mục...trộn với đất màu, đảo đều.

           Việc làm đất, bón phân lót phải tiến hành trước trồng ít nhất 1 tháng.

Mô hình trồng mới mít bản địa tại xã Minh Sơn, Hữu Lũng

2. Chuẩn bị giống:

- Cây mít giống là cây mít ghép, mắt ghép được lấy từ cây mít sai quả, chất lượng tốt, không bị sâu bệnh, được chọn từ giống mít bản địa Lạng Sơn.

- Cây mít giống phải được chuẩn bị trước, đảm bảo đúng giống và phải đủ tiêu chuẩn xuất vườn: sau ghép 3 tháng trở lên, đường kính cành ghép tối thiểu 0, 3 cm, có ít nhất 3 lá thật, không gãy ngọn, vết ghép tiếp hợp tốt, không sâu bệnh.

Hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt giống mít bản địa

- Trước khi đưa đi trồng 10-15 ngày phải luyện cây: đảo bầu, ngừng bón phân, giảm tưới nước và phun phòng chống nấm bệnh.

3. Thời vụ trồng:

         Nếu chủ động được nguồn nước tưới, mít có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên thuận lợi nhất là trồng vào 2 thời vụ sau:

          - Vụ xuân: tháng 3 - 4

          - Vụ thu tháng 8 - 9.

4.  Mật độ trồng:

Tùy theo tình hình địa hình và tính chất đất mà bố trí mật độ cho phù hợp, theo nguyên tắc đất xấu, độ dốc cao thì trồng mau; đất tốt, độ dốc thấp thì trồng thưa.

        Mật độ thích hợp là 300 – 330 cây/ha (Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m).

Hướng dẫn các hộ dân đào hố đúng kỹ thuật

  1. Kỹ thuật trồng:

- Đất bằng phẳng trồng trên mô cao 40 - 70cm trồng mặt bầu ngang bằng với mặt mô đất ; đất có độ dốc dưới 7 độ trồng mặt bầu ngang bằng với mặt đất; đất có độ dốc từ 7 độ trở lên trồng thấp hơn mặt đất 10-15 cm.

- Xé bỏ vỏ túi bầu nilon, cắt bỏ phần rễ cọc bị xoắn trong bầu (nếu có);

- Dùng cuốc khơi miệng hố đủ để đặt bầu cây, xoay mắt ghép hướng xuôi theo chiều gió chính để tránh bị tách chồi ghép, lấp đất, nén nhẹ

- Cắm cọc níu giữ cho cây giống đứng thẳng, chống gió lay cây, chống đổ khi mưa bão.

- Tưới ẩm, tủ gốc bằng rơm, rạ, trấu, mùn cưa để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm.

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc kỹ thuật cho người dân

  1. Tưới, tiêu nước:

- Tháng đầu sau khi trồng nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần. Sau đó, có thể tưới 4-5 ngày/lần.

- Từ năm thứ hai về sau chỉ cần tưới cho cây vào giai đoạn sau bón phân và những tháng quá khô hạn.

- Mít rất sợ úng nên vào mùa mưa lũ, phải thường xuyên kiểm tra kênh mương cống rãnh và thoát nước chống úng.

Làm cỏ xung quanh gốc

    1.  Làm cỏ:

- Thường xuyên làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, tránh sự xâm nhập của trâu bò;

- Tủ bằng rom rạ, cỏ và các vật liệu tủ để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại;

- Chỉ nên làm cỏ bằng tay, hạn chế phun thuốc trừ cỏ.

    1. Bón phân:

Giai đoạn Kiến thiết cơ bản (từ năm thứ nhất đến năm thứ tư):

Bón thúc hàng năm bón 25 kg phân chuồng và 0,8 kg NPK (16-16-8)/cây, chia làm 2 lần:

- Lần 1 vào tháng 2-3, bón toàn bộ phân chuồng và ½ NPK, bón sau ngày mưa, đất ẩm, bón theo tán cây, bón sâu 20-25 cm, lấp đất kín phân;

- Lần 2 bón lượng phân còn lại vào tháng 8-9 bón sau ngày mưa, đất ẩm; bón theo tán cây, bón sâu 6-8 cm, lấp đất kín phân; 

Từ năm thứ 5 trở đi:

- Bón theo nguyên tắc: cây khỏe bón ít cây yếu bón nhiều, cây sai quả bón nhiều hơn cây ít quả:

          - Phân được chia thành 3 lần bón/năm: Sau khi kết thúc thu hoạch bón tất cả phân chuồng + 1/2N + 1/2P2 O5+1/4K2O; Bón đón hoa 1/2P2O5+1/4K2O; Bón nuôi quả 1/2N + 1/2K2O;

          - Cách bón: lần 1 đào rãnh nông quanh gốc theo hình chiếu mép tán bỏ phân và lấp đất, các lần khác bón rải quanh gốc theo hình chiếu mép tán, kết hợp tưới nước đẫm sau khi bón.

Hướng dẫn người dân cách tỉa chọn quả để đảm bảo chất lượng

    1. Cắt tỉa cành, tạo tán

        Tỉa cành là một trong những biện pháp nhằm tăng năng suất, phòng chống sâu bệnh hiệu quả và mang tính thẩm mỹ.

         * Khi cây còn nhỏ, việc tỉa cành tạo tán cần tiến hành khi cây cao khoảng 1m trở lên, tỉa cành tạo tán 2-3 lần/năm, cụ thể như sau:

-  Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành mọc song song theo trục thân chính, chọn giữ lại các cành to khỏe không sâu bệnh mọc đều theo các hướng khác nhau, cách gốc khoảng 50 cm trở lên; cành trên cách cành dưới khoảng 40-50cm. Tỉa bỏ bớt các cành cấp 2, cấp 3 nhỏ yếu... cho cây vừa đẹp vừa thoáng.

Tỉa cành

    * Cây lớn, đã ra quả mỗi năm tỉa một lần sau khi thu hoạch quả 1 tháng: tỉa bỏ những cành và mấu quả trên thân chính và cành cấp 1. Thông thường có thể kết hợp giữa tỉa cành với tạo sẹo.

         Không dùng lẫn dụng cụ cắt tỉa với những cây bị bệnh để tránh lây nhiễm.

    1. Tạo sẹo

         Để hạn chế hiện tượng ra quả cách năm, ngoài việc bón đủ phân cắt tỉa cành vô hiệu và mấu quả trên thân sau thu hoạch, ở những cây to khỏe, sinh trưởng mạnh cần tạo sẹo trên thân chính và cành cấp 1 cho mít:

- Thời gian tạo sẹo: sau khi thu hoạch hết quả 1 tháng, kết hợp với tỉa cành, mấu quả cũ.

- Dùng dao chém sâu vừa hết lớp vỏ trên thân chính và cành cấp 1, các vết chém cách nhau 40-50 cm, đều ở 4 phía trên thân, cành.

        Việc tạo sẹo, tỉa cành, mấu vào ngày khô ráo, không dùng lẫn dụng cụ với những cây bị bệnh để tránh lây nhiễm.

    1. Tỉa quả:

- Trong những năm đầu khi cây mới ra quả, chỉ nên để một lứa quả trên thân chính.

Tỉa quả

- Ở những cây đã ra quả ổn định, hàng năm cần tỉa bỏ những quả dị dạng, sâu bệnh và tỉa bớt quả ở chùm quá nhiều quả, cần chú ý tỉa quả khi quả còn nhỏ, tạo điều kiện cho quả phân bố đều ở các vị trí trên thân, cành.

- Tỉa vào ngày khô ráo, không dùng lần dụng cụ tỉa quả với những cây bị bệnh

    1.  Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại mít:

         Nguyên tắc phòng trừ tổng hợp là lấy “phòng là chính”, thường xuyên kiểm tra thăm vườn mít, phát hiện xử lý kịp thời, tăng cường sử dung các biện pháp sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học.

         Biện pháp phòng: trồng cây giống khỏe, chăm sóc, bón phân đầy đủ, tạo tán thông thoáng, bao quả sớm (đối với sâu đục quả), không dùng chung dụng cụ cắt tỉa.. Với những cây bị bệnh; thu dọn tàn dư, quả thối ra khỏi vườn để xử lý riêng.

        Biện pháp diệt trừ một số sâu bệnh hại chính:

* Sâu đục thân: Phát hiện sớm mùn gỗ sâu đùn ra từ lỗ thân, gốc dùng dao rạch lớp vở để bắt sâu. Trường hợp sâu đã đục vào thân có thể dung sợi gai mây luồn sâu vào lỗ sâu duc và ké ra để bắt sâu. Khi cần có thể dùng thuốc Regent 800 EG nhào trộn với đất vườn bít kín lỗ sâu đùn.

Sâu đục thân cây mít

* Sâu đục trái: Làm mít bị rụng quả non. Sâu thường hại các vị trí tiếp giáp giữa quả với quả và quả với thân cây. Tốt nhất bao quả sớm bằng túi nilon ngay sau khi cây kết thúc rụng quả sinh lý.

* Bệnh thối gốc chảy nhựa: Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra.Triệu chứng ban đầu là vùng gốc bị chảy nhựa màu đỏ nâu, khi bóc lớp vỏ ở chỗ bệnh sẽ thấy phần gỗ ở phía dưới có màu hồng nhạt và có những đốm màu hơi tím, viền gợn sóng. Nếu không phát hiện sớm và trị kịp thời bệnh sẽ lan rộng ra xung quanh, sau vài tháng có thể bao kín hết chu vi gốc, làm cho rễ thối, lá bị vàng và rụng.

      Biện pháp phòng : Trồng với mật độ hợp lý, giữ cho vườn mít luôn khô ráo, thường xuyên cắt tỉa những cành sâu bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ; Bón vôi (CaO) để sát trùng khu vực rễ;

       Biện pháp trị bệnh: với những vườn cây đang bị bệnh cần giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bị bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, đồng thời bón bổ sung thêm phân lân và kali.

             Dùng dao tách cạo bỏ hết phần vỏ làm sạch chỗ bị bệnh, sau đó quét (phun) thuốc đặc trị nấm như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil Gold 68 WG, Mexyl MZ 72 WP,…), Fosetyl - Aluminium (Alpine 80 WG, Aliette 800 WG,…). Có thể phun hoặc tưới lặp lại sau 7 ngày nếu bệnh nặng. lên chỗ bị bệnh vừa cạo và vùng lân cận. (Chú ý cần thu gom chỗ vỏ bị bệnh vừa cạo ra khỏi vườn và tiêu hủy để tránh lây lan bệnh trong vườn).

    1. Thu hoạch

       Cây mít sau trồng 3-4 năm đã cho quả. Từ khi ra hoa đến quả già khoảng 5 tháng. Quả mít già các gai quả sẽ nở căng, vỏ quả chuyển từ màu xanh non sang xanh vàng, nhựa mủ lỏng và trong, vỗ tay vào mặt quả có tiếng bộp bộp.

Người dân thôn Kép 1, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng thu hái mít

        Nếu vận chuyển đi xa thì thu quả già. Nếu thu quả ăn ngay thì đợi cho quả có mùi thơm. Thu quả quá sớm, quả còn non sẽ kém chất lượng. Thu quá muộn dễ bị thối quả.

         Quả trên cây có thời gian chín khác nhau, để có thể vận chuyển đi xa có thể thu hoạch mít khi quả già: gai căng, chuyển màu, nhựa lỏng, trong.

Post type
Hot

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết