Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỹ thuật thâm canh cây dứa phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn

Cây dứa là một trong những cây trồng vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có giá trị kinh tế lớn. Dứa là cây không yêu cầu khắt khe về đất đai, thuộc loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại, sinh trưởng mạnh và năng suất cao. So với những cây trồng khác, cây dứa đem lại thu nhập đáng kể trong tỷ trọng kinh tế hộ gia đình.

Cây dứa là một trong những cây trồng vừa có giá trị dinh dưỡng cao vừa có giá trị kinh tế lớn. Dứa là cây không yêu cầu khắt khe về đất đai, thuộc loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại, sinh trưởng mạnh và năng suất cao. So với những cây trồng khác, cây dứa đem lại thu nhập đáng kể trong tỷ trọng kinh tế hộ gia đình.

Mô hình vườn nhân giống

Tại Lạng Sơn, cây dứa là một trong những cây ăn quả đặc sản của huyện Hữu Lũng. Cây dứa bản địa của huyện Hữu Lũng có chất lượng ngon, vị ngọt đậm, hương thơm. Tuy nhiên, sản xuất chính vụ dứa tại Hữu Lũng ra hoa tự nhiên vào tháng 12 đến tháng 1, thu hoạch quả vào tháng 6-7, thời gian thu hoạch ngắn, dứa chín rộ tập trung gây khó khăn vè nhân lực thu hái và thị trường tiêu thụ, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Mặt khác, sản phẩm dứa chỉ được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi, không có nhà máy chế biến nào tại địa phương thu mua sản phẩm quả dứa dẫn đến rủi ro cho người trồng dứa nên diện tích dứa ngày càng bị thu hẹp hoặc chuyển đổi cây trồng khác.

Mô hình vườn ra hoa

Nhằm giúp bà con nông dân trồng dứa tại địa phương nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị thương hiệu của cây dứa, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng dứa, phát triển  bền vững và hiệu quả vùng sản suất dứa của địa phương, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật thâm canh cây dứa phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn.

I. Thiết kế lô trồng và chuẩn bị đất.

1. Thiết kế lô trồng.

Đối với khu đất có địa hình không bằng phẳng (độ dốc > 70): Lô trồng phải đảm bảo chế độ canh tác bền vững, hạn chế tối đa tác hại của hiện tượng xói mòn, thiết kế theo các đường đồng mức, có hệ thống ngăn dòng chảy. Trong toàn khu vực tập trung, bố trí hệ thống đường trục chính và đường liên đồi. Lô dứa có diện tích không lớn quá 1 - 1,5 ha, chiều dài hàng dứa không dài quá 30 - 40 m.

Vườn mô hình thâm canh mới trồng

Đối với các vùng đất bằng phẳng độ dốc < 50, tiến hành làm đất toàn diện, cày sâu 25 - 30 cm, bừa nhiều lần đảm bảo đất nhỏ và tơi xốp; Các vùng đất tương đối dốc có thể cày bừa hoặc làm đất cục bộ, chỉ tiến hành trên các hàng, luống dự định trồng. 

2. Làm đất.

Thời vụ làm đất phụ thuộc vào thời vụ trồng mới, thường tiến hành trước lúc trồng 20 - 30 ngày để đất không bị khô, tránh bị xói mòn khi mưa lớn và thuận tiện cho thao tác trồng, giúp cây con sớm hồi phục.

Vùng đất mới chuyển đổi từ cây lâm nghiệp sang, nên tiến hành dùng máy xúc để làm đất vào cuối mùa thu hoặc trong mùa đông, kết hợp chặt bỏ cây già, nhặt rễ, diệt mầm cỏ dại, cày bừa đất tơi xốp.

Đối với những vườn dứa trồng lại chu kỳ hai: Nơi có điều kiện có thể sử dụng máy phay băm thân lá tiến hành cày lấp thân dứa cho hoai mục. Nơi không có điều kiện sử dụng máy phay, dùng cuốc răng cào thân lá phơi khô tại ruộng, tập trung thành đống to rồi tiến hành đốt, tro dùng để bón cho cây.

II. Chuẩn bị chồi giống.

  1. Giới thiệu đặc điểm giống dứa bản địa Hữu Lũng.

      Vườn dứa giống gốc được xử lý ra chồi             Vườn dứa thí nghiệm khối lượng chồi

Dứa bản địa Hữu Lũng (Ananas comosus): là giống dứa Na Hoa (thuộc nhóm dứa Queen) nhập từ Trung Quốc vào nông trường Na Hoa (Hữu Lũng, Lạng Sơn) năm 1969. Đặc điểm giống có bản lá hẹp, cứng, có nhiều gai ở mép, mặt trong của lá có đường vân trắng chạy song song theo chiều dài lá, mút lá có màu huyết dụ nhất là vào mùa đông; Hoa tự có màu xanh hồng, quả có nhiều mắt, mắt nhỏ và lồi, hố mắt sâu, vỏ cứng dễ vận chuyển hơn so với dứa Cayen.

Ưu điểm của giống là không kén đất, hệ số nhân giống tự nhiên cao, thích nghi rộng, khả năng chống chịu tốt, thịt quả giòn, màu sắc đẹp và vị thơm, thích hợp cho ăn tươi. Quả có khối lượng (0,7-1kg có khi đến 1,6 kg). Dạng quả hơi bầu dục, hố mắt sâu nên không thích hợp cho chế biến đồ hộp.

2. Tiêu chuẩn chồi giống.

Đảm bảo đúng giống dứa bản địa Hữu Lũng (thuộc nhóm dứa Queen). Chồi giống là chồi nách có khối lượng ≥ 200 g, chiều cao từ 30 - 40 cm. Chồi giống khỏe mạnh, sạch bệnh, độ đồng đều cao (95% trở lên).

3. Phân loại chồi giống.

Chồi giống trước khi trồng được phân loại theo khối lượng và phân thành nhiều nhóm: nhóm có khối lượng chồi lớn (>500g), nhóm có khối lượng chồi TB (350-500g), nhóm có khối lượng chồi nhỏ (200-300g). Phân loại chồi để đảm bảo độ đồng đều và bó lại thành từng bó nhỏ khoảng 20 - 30 chồi/bó. Phơi ngược gốc chồi trong 1 - 2 tuần ngoài nắng để lành vết thương ở gốc chồi.

Các loại chồi có khối lượng tương đương nhau được trồng cùng lô để thuận tiện cho chăm sóc, tạo ra các vườn cây phát triển đồng đều, dễ dàng xử lý ra hoa trái vụ ở cùng thời gian.

4. Xử lý chồi giống.

Chồi trước khi trồng cần xử lý để trừ các mầm bệnh bằng các loại thuốc có chứa hoạt chất như Mancozeb 64% (640g/kg) + Metalaxyl-M 4% (40g/kg); Ridomil Gold 68WG, Lanomyl 680WP; Copezin 680WP; Suncolex 68WP nồng độ 0,2%.

Hoạt chất Fosetyl-aluminium (min 95%); Aliette 80 WP; Alonil 80WP; Alpine 80 WP nồng độ 0,3% để phòng bệnh thối nõn, thối thân, thối rễ hoặc có thể dùng dung dịch Boocđo nồng độ 1-2% để xử lý.

Cách xử lý: Nhúng ngập gốc chồi vào dung dịch các loại thuốc đã pha trên trong thời gian 5 phút hoặc phun ướt đẫm lên gốc của bó chồi.

III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Nghiên cứu ảnh hưởng của khối lượng chồi đến thời gian xử lý ra hoa

1. Thời vụ trồng.

Để sản xuất rải vụ thu hoạch dứa cho thu quả từ tháng 2 - 5. Tùy thuộc vào thời gian trồng mà lựa chọn khối lượng chồi cho thích hợp.

Chồi có khối lượng ≥ 350 g có thể trồng các tháng 2, 3, 4

Chồi nhỏ từ 200 - 350 g thì đẩy lịch trồng sớm hơn vào các tháng 12, 1, 2

2. Mật độ và khoảng cách trồng.

 Mật độ trồng 5,0 - 5,2 vạn chồi/ha và trồng hàng đơn

 Khoảng cách 35 x 55 cm hoặc khoảng cách 40 x 50 cm

Trong điều kiện đất xấu, đất dốc có thể trồng với mật độ thấp hơn và trồng theo hàng kép đôi để thuận lợi cho quá trình chăm sóc.

Xoáy nõn dứa ở công thức thí nghiệm

3. Kỹ thuật trồng.

Sau khi làm đất hoàn thiện, rạch hàng sâu 15 - 20 cm, bón lót toàn bộ phân hữu cơ hoặc phân vi sinh và 1/2 lượng phân lân của toàn bộ chu kỳ chăm sóc. Lấp phân xếp chồi và tiến hành vun đất trồng.

Khi trồng, lèn chặt đất quanh gốc cho cây đứng vững, không để đất lấp vào nõn dứa và nõn của cây dứa phải cao hơn mặt đất khoảng 6 - 8 cm để khi mưa đất không lấp nõn. 

4. Làm cỏ, bón phân.

* Làm cỏ:

Vườn dứa được làm sạch cỏ đặc biệt khi cây còn nhỏ, phải thường xuyên làm sạch cỏ trên các hàng, làm sạch cỏ trước bón thúc.

* Bón phân: có thể sử dụng phân bón vô cơ riêng rẽ hoặc phân NPK tổng hợp

          - Đối với phân bón vô cơ riêng rẽ:

          Lượng phân bón: Phân hữu cơ vi sinh 50g/cây + (25g urea + 12,5g super lân + 37,5g kaliclorua/cây. Lượng phân bón cho 1 ha dứa mật độ 50 - 52 vạn chồi/ha cần (2,5 - 2,6 tấn phân HCVS/ha (hoặc 10 - 20 tấn phân chuồng/ha); 1,25 - 1,3 tấn đạm ure: 625 - 650 kg/ha super lân; 1,88 - 1,95 tấn kaliclorua).

          Thời gian bón: chia làm 3 thời kỳ

Lần 1: Bón lót trước khi trồng toàn bộ lượng phân HCVS + 1/2 lượng lân +1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kaliclorua.

Lần 2: Trước xử lý ra hoa 2 tháng bón 1/2 lượng lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kaliclorua.

Lần 3: Bón nuôi quả (khi ĐK quả bằng 4-5 cm) 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kaliclorua.

          - Đối với phân NPK tổng hợp:

          Lượng phân bón: Phân hữu cơ vi sinh 50g/cây + NPK Đầu Trâu (20.20.15) 12,5g/cây. Lượng phân bón cho 1 ha dứa mật độ 50 - 52 vạn chồi/ha cần (2,5 - 2,6 tấn phân HCVS/ha (hoặc 10 - 20 tấn phân chuồng/ha); 625 - 650 kg/ha NPK Đầu Trâu 20.20.15).

          Thời gian bón:

          Lần 1: Bón lót trước khi trồng toàn bộ lượng phân HCVS + ¼ NPK Đầu Trâu 20.20.15

+ Lần 2: Trước xử lý ra hoa 2 tháng bón 2/4 số phân NPK Đầu Trâu 20.20.15

+ Lần 3: Bón nuôi quả (khi ĐK quả bằng 4-5 cm) bón 1/4 NPK Đầu Trâu 20.20.15

          Cách bón:

- Bón lót: rải đều lượng phân đã trộn theo đường rạch hàng trước khi trồng (hoặc trên bề mặt luống trước khi vét luống trồng).

- Bón thúc: dùng cuốc rạch hàng cách gốc 15 - 20 cm, rải phân vào rãnh xong lấp đất kín. Ở lần bón sau khi cây dứa đã đan lá vào nhau có thể dùng muôi nhựa cán dài xúc phân bón vào gốc dứa khi trời mưa ẩm.

Thu chồi

5. Bổ sung phân vi lượng, phân bón lá.

Sử dụng bổ sung phân bón lá đầu trâu Siêu Kali + TE để tăng kích thước, mẫu mã, chất lượng quả. Phun phân bón lá 3 lần khi quả lớn, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày và kết thúc phun trước thu hoạch quả 15 ngày.

Có thể bón bổ sung cho cây dưới hai dạng là bón trực tiếp axit borix vào đất hoặc phun dung dịch axit boric qua lá. Khi bón trực tiếp vào đất, lượng bón cho mỗi cây là 0,15 g và được chia làm 3 lần kết hợp với các lần bón phân sau cùng. Khi phun dung dịch axit borix qua lá, nồng độ dung dịch là 0,2%, phun lần thứ 1 trước khi xử lý ra hoa và phun lại lần 2 sau khi kết thúc nở hoa.

Xử lý ra hoa cho dứa

III. Xử lý ra hoa, rải vụ thu hoạch.

1. Tiêu chuẩn cây xử lý ra hoa.

          Tỷ lệ ra hoa của dứa phụ thuộc vào tuổi cây, kích thước thân lá, sức phát triển của cây và phụ thuộc vào giống. Giống dứa bản địa Hữu Lũng (thuộc nhóm dứa Queen) có thể xác định thời điểm cây đạt tiêu chuẩn xử lý ra hoa bằng cách sau:

          - Đếm số lá hoạt động: Khi cây dứa được 28 - 30 lá, mút lá chuyển màu huyết dụ đặc trưng của giống (thường sau trồng 6 - 7 tháng) là đạt tiêu chuẩn xử lý ra hoa.

          - Tính tuổi cây từ khi trồng đến khi xử lý: 

Khối lượng chồi khi trồng (gam)

Thời gian từ khi trồng đến đạt tiêu chuẩn xử lý ra hoa (tháng)

200 - 300

8,8 - 8,9

350 - 400

6,5 - 6,6

450 - 500

5,8 - 5,9

> 500

4,5 - 4,6

2. Thời gian xử lý ra hoa, rải vụ thu hoạch.

          Thời gian xử lý ra hoa được thực hiện từ tháng 9 đến cuối tháng 10, sẽ cho thu hoạch quả trái vụ, rải vụ từ tháng 3 kéo dài đến đầu tháng 6, kết thúc trước khi thu hoạch dứa chính vụ (tháng 6 - 7). Thời gian từ khi xử lý ra hoa đến thu hoạch quả trung bình là 6 đến 7 tháng tùy thuộc vào khối lượng chồi giống trồng, thời vụ trồng và điều kiện chăm sóc.

Thời gian xử lý ra hoa

Thời gian thu quả

15/9 – 30/9  

(2 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 ngày)

Giữa tháng 3 đến cuối tháng 4 năm sau

10/10 – 30/10

 (3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 ngày)

Giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 năm sau

Năm nào thời tiết lạnh nhiệt độ thấp muốn rải vụ thu hoạch dứa từ tháng 3 đến tháng 5, tránh thu quả sang tháng 6 để quả dứa không phải cạnh tranh với các loại quả khác cùng mùa thì cần đẩy thời gian xử lý ra hoa sớm hơn và kết thúc trước 30/10. Cần căn cứ vào dự báo thời tiết từng năm để điều chỉnh thời gian xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch dứa cho phù hợp.

Thu hoạch dứa

3. Hóa chất và cách xử lý.
        Có hai dạng hóa chất đang được sử dụng phổ biến để xử lý ra hoa là Ethrel (còn gọi là Ethephon) hoặc CaC2 (đất đèn).

Chế phẩm xử lý ra hoa chứa hoạt chất Ethephon (min 91%): Ethrel 10PA, 480SL; Adephone 25 PA, 480SL; Etfon 480SL; Sagolatex 2.5 PA.

- Đối với Ethrel (còn gọi là Ethephon) chỉ sử dụng ở dạng dung dịch, pha ở nồng độ 0,4 % rót trực tiếp vào nõn dứa liều lượng 20 - 25ml/nõn. (1 ha dứa cần 10 lit dung dịch Ethephon 39,5% pha 1.000 - 1.300 lít/ha). Thời gian xử lý tốt nhất là vào lúc trời râm mát, nhiệt độ ngoài trời thấp (sáng sớm và chiều mát).

- Đối với đất đèn, có thể xử lý ở dạng khô hoặc ướt.

+ Xử lý khô: đập nhỏ đất đèn thành các hạt có khối lượng 1 - 1,5 gam, bỏ hạt đất đèn vào nõn dứa, mỗi cây 1 hạt vào buổi sáng khi còn sương đọng ở nõn hoặc bỏ vào buổi tối. Trong các tháng mùa khô, cần rót nước vào nõn cây trước khi bỏ đất đèn. Tiến hành xử lý nhắc lại lần hai sau lần thứ nhất 3 ngày.

+ Xử lý đất đèn ướt: hòa đất đèn thành dung dịch có nồng độ 1,5 - 2,0%, rót vào nõn cây dứa, mỗi cây rót với lượng nước 50 - 60 ml. Tiến hành xử lý vào buổi tối hoặc vào đầu buổi sáng. Xử lý nhắc lại lần thứ hai cách lần thứ nhất 3 ngày.

                                                                              

Đo chỉ tiêu cơ giới của quả dứa

IV. Phòng trừ sâu bệnh hại chính.

1. Rệp sáp (Dysmicoccus brevipes Cockerella)

- Rệp sáp vừa gây hại trực tiếp (hút dịch lá) vừa là môi giới truyền bệnh virus (héo wilt) rất nguy hiểm.

- Trước khi cày bừa đất, phải thu gom và đốt sạch các tàn dư thực vật, chồi giống phải được xử lý trước khi trồng. Sử dụng một số loại thuốc có chứa hoạt chất như: Dinotefuran: Oshin 20WP (6,5 g/bình 16 lít nước); hoạt chất Fenobucarb (BPMC) (min 96 %): Bassa 50ND; Jetan 50EC (0,2%) pha 800 - 1000 lít nước/ha, hoạt chất Imidacloprid: Confidor 100 SL (10-14 ml/bình16 lít); Anvado 100SL (23 g/bình 25lit), Midan 10 WP (0,1%). Phun kép cách nhau 10 -15 ngày vào thời kỳ rệp xuất hiện và gây hại.

          2. Bệnh thối nõn (Phytophthora sp.)

- Ở các tỉnh phía Bắc, bệnh thường phát sinh trong tháng 11, 12, nặng nhất là vào tháng 1 - 3 và kéo dài đến tháng 4 - 5.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Xử lý đất trước khi trồng, tiêu huỷ tàn dư cây bệnh, dùng chồi giống sạch bệnh, bón phân cân đối, bổ sung thêm Magiê.

+  Xử lý chồi dứa trước khi trồng bằng một Matalaxyl hoặc các loại thuốc có hiệu quả tương tự.

+ Khi phát hiện dứa bị bệnh, có thể dùng các loại thuốc sau để hạn chế sự lây lan: Hoạt chất Mancozeb 64% (640g/kg) +Metalaxyl-M 4% (40g/kg); Ridomil Gold 68WG, Lanomyl 680WP; Copezin 680WP; Suncolex 68WP dùng (2 - 3kg/ha) pha 70 - 100g/bình 16l. Phun 400 - 500 lít nước/ha phun phòng hay khi bệnh chớm xuất hiện. Hoạt chất Fosetyl-aluminium (min 95%); Aliette 80 WP; Alonil 80WP; Alpine 80 WP nồng độ 0,3% phun 2 hoặc 3 lần, cách nhau 10 đến 15 ngày với lượng phun 800 - 1.000 lít/ha.

Ngâm xử lý chống thối hỏng dứa

V. Kỹ thuật thu hái .

1. Độ chín thu hoạch quả dứa.

- Đối với dứa sử dụng ăn tươi, thu hoạch khi quả có 1/3 - 1/2 vỏ quả đã chuyển màu vàng.

- Dứa làm nguyên liệu cho chế biến đồ hộp, thu hoạch khi quả đã già, vỏ quả từ màu xanh sẫm chuyển sang màu xanh nhạt và 2 hàng mắt phần gốc đã có kẽ mắt màu vàng, thịt quả màu vàng nhạt; vào các tháng ở vụ đông - xuân, thu hoạch khi 1/3 vỏ quả tính từ gốc đã chuyển màu vàng.

- Dứa làm nguyên liệu cho chế biến nước dứa cô đặc, thu hoạch khi 1/3 vỏ quả tính từ gốc đã chuyển màu vàng; trong các tháng ở vụ đông - xuân, có thể thu hoạch quả chín hơn so với các tháng trong vụ hè.

Phân loại dứa trước bảo quản

2. Kỹ thuật thu hái.

- Dùng dao sắc để cắt cuống quả, cắt quả kèm theo đoạn cuống dài 2 - 3 cm, vết cắt phẳng, không để dập xước, bỏ từng quả vào sọt. Khi thu hoạch phải nhẹ tay, tránh xây sát, dập nát quả, gãy cuống, gãy ngọn. Không thu hoạch vào ngày có mưa hoặc nắng gắt. 

                                                                                   

                                                                                                   Đóng gói bảo quản quả dứa           Sản phẩm quả dứa bản địa Hữu Lũng

- Vận chuyển quả về nơi bảo quản ngay sau khi thu hoạch. Các quả bị thối cần loại bỏ để tránh lây lan của mầm bệnh./.

 

 

Post type
Hot

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết