Khởi nghiệp từ sản phẩm heo dẻo mác mật
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị Lăng Thị Thơ, thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng đã nghiên cứu và chế biến sản phẩm heo dẻo mác mật. Tuy mới có mặt trên thị trường song sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Chị Lăng Thị Thơ (ngoài cùng bên phải) quảng bá sản phẩm heo dẻo mác mật tại Hà Nội
Sản phẩm ăn vặt từ các loại thịt trên thì trường hiện khá phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy đã có nhiều sản phẩm nhưng hương vị tương đối giống nhau vì cùng tẩm ướp các gia vị như: mắc khén, hành, tiêu, tỏi, ớt… Với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, riêng có của tỉnh Lạng Sơn, chị Lăng Thị Thơ đã nghiên cứu thị trường cũng như những loại gia vị sẵn có của tỉnh để tạo ra sản phẩm mới. Qua nghiên cứu cho thấy, quả và lá mác mật thêm vào quá trình chế biến giúp các món ăn thêm bùi, béo, mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn, chính vì vậy, chị đã lựa chọn kết hợp giữa lá, quả mác mật với thịt lợn để tạo ra sản phẩm heo dẻo mác mật.
Chị Lăng Thị Thơ chia sẻ: Tôi bắt đầu chế biến sản phẩm heo dẻo mác mật từ tháng 3/2023. Ban đầu tôi tẩm ướp thịt với rất nhiều loại gia vị như: gừng, mác mật, hành, tỏi, tiêu, ớt, mắc khén, hạt dổi… khi trộn nhiều loại gia vị với nhau thì thành phẩm tạo ra có hương vị rất đậm đà nhưng không tạo được đặc trưng riêng. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và loại bỏ dần từng loại gia vị, gia giảm thêm hạt nêm, đường, muối… Sau hàng chục lần thử nghiệm, đến tháng 7/2023 mới cho ra công thức chuẩn để chế biến sản phẩm phù hợp.
Nguyên liệu để sản xuất heo dẻo mác mật là thịt lợn tươi, lá, quả mác mật. Thịt lợn chọn phần mông có thớ thịt dài, ít gân, tách lọc bỏ mỡ, thái miếng rồi tẩm ướp gia vị ở nhiệt độ thấp trong 12 đến 15 giờ. Việc tẩm ướp gia vị trong thời gian dài ở điều kiện nhiệt độ thấp giúp cho gia vị thấm đều vào từng thớ thịt và giữ cho thịt lợn được tươi ngon. Gia vị để tẩm ướp gồm: quả, lá mác mật, tỏi, tiêu, nước mắm, xì dầu, hạt nêm, đường, muối… đã được say nhỏ, trộn đều. Thịt sau khi tẩm ướp ngấm gia vị được xếp ra khay cho ráo nước, sau đó cho vào lò nướng chín. Khi thịt chín thì đưa từ lò nướng sang lò sấy, sấy đến khi miếng thịt se lại, dẻo dai là đạt yêu cầu thành phẩm. Do không chứa chất bảo quản nên ngay khi thịt nguội thì tiến hành đóng gói, hút chân không rồi cấp đông hoặc bảo quản ở nhiệt độ thấp. Ở nhiệt độ phòng có thể bảo quản sản phẩm trong 1 tuần, ở ngăn mát thời gian sử dụng là 3 tháng, nếu cấp đông thời gian bảo quản có thể lâu hơn. Sau khi chế biến thành công, sản phẩm heo dẻo mác mật được gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia (Cầu Giấy, Hà Nội) để xác định các chỉ tiêu chất lượng. Kết quả sản phẩm heo dẻo mác mật đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để chế biến thịt lợn thành sản phẩm heo dẻo mác mật thì cần thời gian 2 ngày, cứ khoảng 2,5kg thịt lợn tươi thì cho ra 1kg heo dẻo thành phẩm. Hiện sản phẩm có giá bán từ 550.000 đồng/kg đến 650.000 đồng/kg tùy loại. Để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm được đóng túi theo nhiều trọng lượng khác nhau như: 50g, 100g, 200g, 500g. Tuy mới có mặt trên thị trường nhưng sản phẩm heo dẻo mác mật đã được người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và một số khu vực của các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Nam Định… ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đã được ăn thử sản phẩm heo dẻo mác mật tại một số hội nghị, hội chợ. Tôi thấy sản phẩm rất độc đáo, hương vị mới lạ, thơm ngon, miếng thịt dẻo dai, không bị vụn, có vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của quả mác mật.
Tại vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn, cuộc thi cấp quốc gia Dự án Khởi nghiệp Xanh năm 2023, dự án heo dẻo mác mật được ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thực tiễn và khả năng phát triển mô hình. Hiện nay mỗi tháng gia đình chị Thơ sản xuất hơn 40kg thịt heo dẻo mác mật thành phẩm cung cấp ra thị trường với doanh thu hơn 24 triệu đồng/tháng. Theo chị Thơ chia sẻ, hiện số đơn hàng đã tăng lên đáng kể, chính vì vậy, thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng
Nguồn: Báo Lạng Sơn