“Một số giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS các xã biên giới tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”
Chủ nhiệm đề tài: Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn
Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn
Thời gian thực hiện: 2017 - 2019
Lĩnh vực nghiên cứu: Khoa học xã hội
I. Mục tiêu:
Tìm hiểu về phát triển bền vững giáo dục THCS các xã biên giới; Đánh giá thực trạng giáo dục THCS biên giới tỉnh Lạng Sơn; Đề xuất giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS biên giới.
II. Kết quả nghên cứu
Tác động và lợi ích mang lại của kết quả nghiên cứu
Hiệu quả giáo dục và xã hội
Kết quả nghiên cứu về thực trạng giáo dục các trường THCS địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn hiện nay.
Định hướng chỉ đạo phát triển giáo dục tại các trường THCS biên giới với các giải pháp phù hợp, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cơ sở cho phát triển nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân khu vực biên giới; Củng cố an ninh, trật tự khu vực biên giới góp phần ổn định anh ninh chính trị quốc gia.
Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo về các giải pháp áp dụng.
Hiệu quả nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học
Cơ hội nghiên cứu về cơ sở lý luận, thực trạng và các giải pháp, các hoạt động trong nghiên cứu và phát triển năng lực nghiên cứu của các thành viên.
Đề tài gồm có Mở đầu, Kết luận và kiến nghị, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục và 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực phát triển bền vững giáo dục trung học; Chương 2. Thực trạng giáo dục tại các trường THCS địa bàn biên giới tỉnh Lạng Sơn; Chương 3. Giải pháp phát triển giáo dục THCS các xã, thị trấn biên giới tỉnh Lạng Sơn; Chương 4. Thực nghiệm sư phạm.
III. Kết luận và kiến nghị
Giáo dục đã chính thức trở thành quyền con người và phát triển giáo dục là phát triển con người. Các tổ chức, các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm đến phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực được coi là tài sản quốc gia.
Khó khăn về kinh tế-xã hội đã trở thành rào cản của sự phát triển giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới.
Giáo dục THCS khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn còn có nhiều hạn chế. Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu về phát triển nguồn lực cho địa phương. Thực trạng công tác quản lý, chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Môi trường học tập cho học sinh, việc khai thác CNTT cũng còn hạn chế, thiếu hiệu quả. Giáo dục các giá trị sống, kỹ năng sống của học sinh THCS khu vực biên giới phần lớn chưa hiệu quả. Công tác phân luồng, hướng nghiệp chưa đảm bảo thiết thực. Việc gia đình và các đoàn thể địa phương chưa tham gia nhiều trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Đề tài này đã tập trung nghiên cứu phát triển bền vững giáo dục THCS ở các xã, thị trấn biên giới của tỉnh Lạng Sơn nhằm từng bước thúc đẩy phát triển và tìm ra những yếu tố bền vững cho phát triển giáo dục THCS đến năm 2025 và định hướng 2030.
Chương 1 của Đề tài tập trung vào nhiệm vụ đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu về phát triển bền vững trong nước và trên thế thời. Chương 2 là nội dung đánh giá thực trạng giáo dục tại các trường THCS ở các xã, thị trấn biên giới tỉnh Lạng Sơn. Chương 3 đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS, trong đó nêu rõ các nguyên tắc xây dựng giải pháp, dự báo sự phát triển quy mô giáo dục THCS khu vực biên giới và các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chương 4 là nhiệm vụ thực nghiệm sư phạm các giải pháp tại 21 trường THCS ở các xã, thị trấn biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Chính phủ
Cần có nhiều Chương trình cho sự phát triển bền vững giáo dục nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Có chương trình đặc thù đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Mở rộng hợp tác quốc tế, ưu tiên phát triển và cung cấp nguồn lực lao động chất lượng cao khu vực biên giới phía Bắc cho thị trường các nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tập huấn nâng cao chất lượng quản lý nhà trường và chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát triển các chương trình giáo dục hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống mang tính đặc thù và hỗ trợ nguồn tài liệu tham khảo, sách giáo khoa cho học sinh các trường THCS xã, thị trấn biên giới.
Đối với UBND tỉnh Lạng Sơn
Ưu tiên riêng cho phát triển nguồn nhân lực các xã, thị trấn biên giới của tỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội; Tạo nhiều cơ hội việc làm phù hợp tương xứng với nguồn lực lao động của các xã, thị trấn biên giới.
Tăng cường chỉ đạo hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động thế giới; Đồng thời đẩy mạnh hợp tác về cung cấp nguồn lực lao động chất lượng cao cho thị trường lao động các nước.
Đối với UBND các huyện biên giới tỉnh Lạng Sơn
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho yêu cầu dạy học tại các trường THCS biên giới. Chỉ đạo các đoàn thể địa phương phối hợp tốt với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục tại các xã, thị trấn biên giới.
Chỉ đạo các ban, ngành của huyện tham gia tích cực trong các hoạt động giáo dục trên địa bàn xã biên giới.
Đối với Phòng GDĐT các huyện biên giới tỉnh Lạng Sơn
Quan tâm hơn nữa đến chất lượng đội ngũ và tổ chức tập huấn thường xuyên đối với đội ngũ giáo viên; tham mưu UBND huyện bố trí giáo viên giỏi giảng dạy tại các trường THCS xã, thị trấn biên giới. Thực hiện tốt công tác kiểm tra nhà trường nhằm đảm bảo nề nếp, chất lượng dạy học; chỉ đạo các trường thực hiện hiệu quả công tác quản lý các hoạt động của nhà trường. Xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đại học để đảm bảo yêu cầu về trình độ đội ngũ theo Luật Giáo dục 2019.
Đối với các trường THCS khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn
Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững giáo dục THCS (Tổ chức dạy học tăng thời lượng hiệu quả; Tổ chức các sân chơi khoa học; Tuyên truyền hiệu quả về giáo dục; Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh hiệu quả).
Nguồn tin: Theo báo cáo đề tài