Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với các nhiệm vụ thuộc Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 2281/QĐ-UBND UBND tỉnh Lạng Sơn thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề tài thuộc Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Đề án được thực hiện với mục tiêu bảo tồn được các nguồn gen các loài cây, con đặc sản, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có nguy cơ tuyệt chủng của tỉnh Lạng Sơn phục vụ cho khai thác, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguồn gen và đa dạng sinh học.

Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh 02 đề tàiNghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Chanh rừng tại Lạng Sơn và “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen Mận cơm tại Lạng Sơn” do Viện Nghiên cứu Rau quả là đơn vị chủ trì thực hiện. Kết quả cụ thể như sau:

  1. Đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Chanh rừng tại Lạng Sơn” do Tiến sĩ Đào Quang Nghị làm chủ nhiệm

Chanh rừng là loài cây bản địa đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, có khả năng chịu lạnh tốt và chịu sương muối cao, mọc tự nhiên trên sườn đồi, những thượng nguồn các khe suối, lạch nước nhỏ, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng Núi Mẫu Sơn. Năm 2019, Chanh rừng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Chanh rừng đã trở thành một loại hàng hóa, một sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi cao Mẫu Sơn, sản phẩm ô mai chanh rừng đã được cấp giấy chứng nhận đạt hạng 3 sao cấp tỉnh và được ưa chuộng trên thị trường. Chanh rừng được xác định là loài cây cần được bảo tồn lâu dài, đầu tư khai thác và phát triển một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Dao tại vùng núi Mẫu Sơn.

Tuy nhiên thực trạng sản xuất chanh rừng còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm quả còn rất khan hiếm, chưa đủ cung cấp cho thị trường. Cây chanh rừng sau nhiều năm trồng đã già cỗi, giống thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng suy giảm; chưa có nguồn cây giống chuẩn, sạch bệnh cung cấp cho người dân trồng, phát triển mở rộng diện tích. Để khắc phục những tồn tại đó, nhóm đề tài đã triển khai thực hiện với nhiều nội dung và đạt được những kết quả khả quan như sau:

- Điều tra thực trạng sản xuất, giá trị nguồn gen và đánh giá đặc điểm nông sinh học của cây Chanh rừng Lạng Sơn tại khu vực núi Mẫu Sơn. Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của giống Chanh rừng Lạng Sơn.

- Đã tuyển chọn được 15 cây Chanh rừng ưu tú làm vật liệu cho sản xuất cây con giống phục vụ khai thác và phát triển nguồn gen. Địa chỉ nguồn giống ở thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Nhóm thực hiện Đề tài hướng dẫn hộ dân kỹ thuật cắt tỉa tạo tán, chăm sóc, bón phân tại vườn Chanh rừng tại thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình làm tăng tỷ lệ ra hoa đậu quả của cây

- Xây dựng Quy trình nhân giống chanh rừng Lạng Sơn: Ghép chanh rừng trên gốc bưởi chua, thời vụ ghép tháng 6 thích hợp nhất cho tỷ lệ bật mầm cao nhất 95,3 - 97,3; tỷ lệ xuất vườn cao nhất đạt 68,7 - 70,3%.

- Xây dựng Quy trình trồng, thâm canh giống Chanh rừng phù hợp với điều kiện sinh thái của Lạng Sơn với các kỹ thuật phù hợp, năng suất tăng so với trước khi chăm sóc.

- Xây dựng mô hình nhân giống bằng phương pháp ghép nêm đoạn cành, gốc ghép là cây bưởi chua, tạo được 1.030 cây con giống chanh rừng phục vụ công tác trồng mới.

Một số hình ảnh của mô hình nhân giống và cây Chanh rừng thuộc mô hình trồng mới sau 18 tháng

- Đã xây dựng 1,0 ha (500 cây) mô hình trồng mới giống chanh rừng Lạng Sơn tại xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Mô hình trồng mới tỷ lệ sống đạt 95,6%. Ngoài ra đề tài trồng mở rộng diện tích vượt kế hoạch 2,67 ha (tương ứng 1.335 cây).

- Đã xây dựng 1,0 ha (500 cây) mô hình thâm canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp vào sản xuất. Mô hình thâm canh năng suất đạt 25,4 kg/cây (tương đương 12,7 tấn/ha), năng suất tăng 63,8%, lãi thuần đạt 228,81 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng 53,82% so với mô hình canh tác truyền thống, ít đầu tư của đồng bào người Dao hiện vẫn đang áp dụng.

- Xây dựng 01 bộ tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Chanh rừng Lạng Sơn

- Tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Chanh rừng Lạng Sơn cho người dân tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Ngoài việc triển khai nội dung lý thuyết chung trên lớp học viên sẽ được hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản như: cắt tỉa, bón phân,... tại thực địa, kết hợp với việc thăm quan các thí nghiệm, mô hình.

2. Đề tài: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây mận cơm tại Lạng Sơn” do Thạc sĩ Đoàn Đức Hoàng làm chủ nhiệm

 

Tuyển chọn cây Mận cơm ưu tú làm nguồn giống cho sản xuất cây con phục vụ khai thác và phát triển cây Mận cơm

Mận cơm là cây ăn quả được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Lạng Sơn, năm 2022 diện tích mận của toàn tỉnh 738,9 ha, diện tích cho thu hoạch 579 ha, sản lượng đạt 2.681,1 tấn/năm. Mận cơm Lạng Sơn là giống cây ăn quả đặc sản bản địa của địa phương, có giá trị kinh tế cao cần được bảo tồn lâu dài, đầu tư khai thác và phát triển một cách hiệu quả, bền vững, đưa cây mận cơm trở thành loại cây ăn quả đặc sản bản địa có giá trị hàng hoá cao, được coi là thế mạnh của tỉnh, thay thế các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn của người dân.

Tuy nhiên, thực tế phát triển cây mận cơm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mang tính tự phát, phần lớn người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, sau nhiều năm trồng, cây mận cơm đã có biểu hiện già cỗi, giống thoái hóa, sâu bệnh tàn phá, cây còi cọc, suy giảm tuổi thọ, năng suất thấp và không ổn định, chất lượng suy giảm quả nhỏ, chua, mẫu mã xấu. Chưa có quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây mận phù hợp với điều kiện sản xuất của Lạng Sơn; năng lực của các hộ nông dân còn hạn chế... ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng quả. Giống Mận cơm bản địa của Lạng Sơn đang có nguy cơ bị thoái hóa không còn giữ nguyên được các đặc điểm quí vốn có của nguồn gen từ ban đầu.

Trước tình hình đó, Đề tài đã đạt được những kết quả như sau:

- Đã tuyển chọn và công nhận 14 cây ưu tú mận cơm Lạng Sơn tại xã Hải Yến và xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc làm vật liệu cho sản xuất cây con giống phục vụ khai thác và phát triển nguồn gen. Nhóm thực hiện đã nhân giống bằng phương pháp ghép nêm đoạn cành, gốc ghép là cây mận đắng, tạo được 1.075 cây con giống mận cơm phục vụ công tác trồng mới.

- Xây dựng được Quy trình nhân giống mận cơm Lạng Sơn. Điều kiện thời tiết ở Lạng Sơn thời vụ ghép tháng 8 là thích hợp nhất, tỷ lệ bật mầm cao nhất 90,5 - 91,3%, cây ghép sinh trưởng phát triển khỏe, tỷ lệ xuất vườn cao nhất đạt 71,2 - 72,5%.

- Nhóm thực hiện đã xây dựng 2,74 ha mô hình trồng mới giống mận cơm tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Mô hình trồng mới tỷ lệ sống cao, cây mận cơm sinh trưởng và phát triển tốt, sau 18 tháng trồng chiều cao cây đạt 159,5 cm, đường kính tán đạt 142,3cm và đường kính gốc đạt 2,8cm, không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm.

- Xây dựng 1,0 ha mô hình thâm canh, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp vào sản xuất mận cơm Lạng Sơn đã giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, giảm ảnh hưởng của sâu bệnh hại, tăng năng suất của mận cơm. Mô hình thâm canh năng suất đạt 37,6 kg/cây (tương đương 18,81 tấn/ha), năng suất tăng 46,4%, lãi thuần đạt 191,56 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng 42% so với mô hình đối chứng của dân.

- Xây dựng 01 bộ tài liệu và tổ chức tập huấn về “Kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây mận cơm Lạng Sơn ” cho 80 học viên tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

 

 

Một số hình ảnh về Mô hình thâm canh cây Mận cơm tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

`Cả hai đề tài nghiên cứu bước đầu đều có ý nghĩa trong việc phát triển và bảo tồn các loại cây đặc sản bản địa quý, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và làm phong phú hơn đối với những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn. Việc thực hiện các mô hình trồng mới và xây dựng tài liệu kỹ thuật cụ thể phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh giúp bảo tồn nguồn gen quý, phát triển và hướng tới mở rộng vùng sản xuất Chanh rừng, Mận cơm, tạo ra các mô hình sinh kế bền vững cho người trồng, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Với những kết quả trên, các đề tài được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và nhất trí xếp loại Đạt.

Đỗ Phương Anh