Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả đánh giá an toàn bức xạ hạt nhân các điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Trong những năm gần đây, việc ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân, sử dụng các đồng vị phóng xạ trong các ngành y tế, xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến…đã tăng lên một cách đáng kể và đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội như: trong chẩn đoán và điều trị bệnh, trong bảo quản hải sản, hoa quả xuất khẩu, trong kiểm tra không phá mẫu, trong điều khiển tự động các dây chuyền sản xuất công nghiệp than, giấy, xi măng … Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn phóng xạ, các kỹ thuật hạt nhân luôn tiềm ẩn các nguy cơ bức xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn của việc mất an toàn bức xạ trong quá trình sử dụng các thiết bị bức xạ. Đặc biệt, vấn đề mất an ninh nguồn phóng xạ hiện nay nhận được mối quan tâm lớn của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương.

Lạng Sơn nằm ở vị trí đường quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 279 đi qua, là điểm nút giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây là Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là tỉnh Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang và phía Bắc tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ. là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái nguyên, Bắc Cạn, phía Đông như tỉnh Quảng Ninh, phía Nam như Bắc giang, Bắc Ninh, Thủ đô Hà nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc với hai cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới. Mặt khác có đường sắt liên vận quốc tế, là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, khoa học - công nghệ với các tỉnh phía Nam trong cả nước, với Trung Quốc và qua đó sang các vùng châu Á, châu Âu và các nước khác. Giao lưu đường bộ rất thuận lợi sang Trung Quốc và qua đó sang các nước vùng Trung Á, sang châu Âu, tạo điều kiện cho sự giao lưu buôn bán hàng hóa của Lạng Sơn và của các tỉnh bạn qua địa bàn Lạng Sơn.

Do đó, việc đánh giá phông phóng xạ môi trường tự nhiên là hết sức cần thiết trong công tác bảo vệ môi trường và phòng tránh và công tác chuẩn bị ứng phó, đối với trường hợp khi sự cố xảy ra phông nền phóng xạ sẽ là căn cứ để xác định mức độ ảnh hưởng của người dân đối với sự cố bức xạ. Phông nền bức xạ sẽ là cơ sở để tỉnh, địa phương căn cứ để quy hoạch các khu công nghiệm cũng như xác định được giá trị ban đầu – dữ liệu “sạch” để đánh giá tác động và ảnh hưởng do hoạt động của các cơ sở trên địa bàn cũng như đánh giá mức độ nghiêm trọng và lựa chọn giải pháp phù hợp nhất để bảo vệ người dân.

Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn đã giao cho Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố thực hiện đánh giá an toàn bức xạ hạt nhân các điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ đơn vị đã tiến hành đo suất liều gamma trong không khí (579 điểm đo); đo nồng độ khí Radon trong nhà (27 điểm); phân tích các đồng vị phóng xạ trong mẫu đất và bùn/trầm tích (21 mẫu); phân tích các đồng vị phóng xạ trong mẫu lương thực, thực phẩm (25 mẫu), chỉ thị sinh học (11 mẫu); phân tích tổng hoạt độ Alpha, Bêta (09 mẫu) và phân tích nồng độ, hoạt độ gamma trong mẫu nước (09 mẫu).

 Kết quả cụ thể như sau:

*Kết quả đo suất liều gamma trong không khí

Đối với suất liều gamma trong không khí tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn dao động từ 0,064 µSv/h đến 0,285 µSv/h. Giá trị suất liều trung bình cho toàn vùng là 0,112 µSv/h. Giá trị suất liều có sự thăng giáng nhẹ theo từng huyện, thành phố nguyên nhân chính do cấu tạo địa chất của từng vùng. Với giá trị suất liều gamma nêu trên (trung bình cho toàn vùng là 0,112 µSv/h) cho thấy không phát hiện ra dị thường phóng xạ trên những địa điểm đã khảo sát.

Bản đồ phân bố điểm khảo sát suất liều gamma.

* Kết quả đo nồng độ khí Radon trong nhà

Kết quả đo nồng độ khí Radon trong không khí dao động từ 5,9 ÷ 13,78 Bq/m3, mức giá trị này đều thấp hơn mức phấn đấu (<60 Bq/m3) trong TCVN 7889:2008 về nồng độ khí Radon tự nhiên trong nhà.

* Kết quả phân tích các đồng vị phóng xạ trong mẫu đất, bùn/trầm tích

Kết quả phân tích cho thấy sự cân bằng tương đối tốt giữa các đồng vị phóng xạ trong cùng chuỗi phân rã phóng xạ tự nhiên của U-238 (Bi-214, Pb-214 và Ra-226) cũng như của Th-232 (Ac-228, Tl-208 sau khi hiệu chỉnh hệ số phân nhánh).Kết quả cụ thể trong mẫu đất: Pb 214 là 32,94 Bq/kg; Bi 36,15 Bq/kg; Tl-208 là 20,09 Bq/kg; Ac-228 là 54,28 Bq/kg; Ra-226 là 33,41 Bq/kg; K-40 là 447,64 Bq/kg.  Trong mẫu trầm tích: Pb 214 là 29,50Bq/kg; Bi 31,80Bq/kg; Tl-208 là 13,77 Bq/kg; Ac-228 là 39,78 Bq/kg; Ra-226 là 41,20 Bq/kg; K-40 là 284,601 Bq/kg.

* Kết quả phân tích các đồng vị phóng xạ trong mẫu lương thực, thực phẩm, chỉ thị sinh học

Qua kết quả phân tích cho thấy được không nhận thấy dấu vết của các đồng vị nhân tạo (Cs-137). Đối với 25 mẫu LTTP nồng độ hoạt độ của các nhân Pb-210 nằm trong dải từ 0,001 Bq/kg đến 2,11 Bq/kg, Ra-226 nằm trong dải tử 0,001Bq/kg đến 3,44Bq/kg, K-40 nằm trong dải từ 0,001 Bq/kg đến 269.32Bq/kg. Đối với 11 mẫu CTSH ta không nhận thấy dấu vết của đồng vị Cs-137.

Kết quả hoạt độ phóng xạ trong Bộ dữ liệu phông phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho thấy các chỉ tiêu phân tích có kết quả thấp hơn giới hạn cho phép về an toàn phóng xạ trong thực phẩm, theo Thông tư số 17/2011/TT-BYT về Quy định mức giới hạn nhiễm phóng xạ trong thực phẩm và theo các hướng dẫn/tiêu chuẩn quốc tế

* Kết quả phân tích tổng hoạt độ Alpha, Bêta và phân tích nồng độ, hoạt độ gamma trong mẫu nước

Nhiều mẫu cho giá trị tổng hoạt độ anpha/bêta khá gần với ngưỡng giới hạn quy định: LS-MN, CL-MN, HL-MN, LS-MN 2, LS-MN4. Kết quả phân tích hàm lượng các nhân phóng xạ đều phát hiện các nhân tố phát anpha/beta có nguồn gốc tự nhiên (như K-40) hay được giải phóng từ các quy trình khai thác có liên quan đến các chất phóng xạ tự nhiên (như Ra-226, U-238, Pb-210, ... )

Đối với bộ kết quả là sản phẩm thu thập, phân tích được trong năm 2023- 2024 cho thấy chưa phát hiện khu vực có dị thường phóng xạ. Tuy nhiên, các kết quả này hiện là những giá trị ghi nhận được tại một thời điểm nhất định. Trên thực tế, các giá trị đo này luôn có sự thay đổi theo từng thời điểm do các yếu tố môi trường (mùa trong năm, điều kiện thời tiết) cũng như các hoạt động của con người trên các khu vực khảo sát.

Cần phải tiến hành các hoạt động khảo sát phóng xạ môi trường một cách thường xuyên và liên tục để xây dựng được bản đồ phông phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh hoàn thiện nhằm phục vụ tốt công tác quan trắc phóng xạ môi trường. Đặc biệt là để kịp thời phát hiện các tình huống bất thường về mức bức xạ trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào như từ các sự cố của các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng là một trong những tỉnh có nền địa chất đặc thù và có nhiều tài nguyên, khoáng sản. Các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản đã và đang diễn ra. Do vậy, tỉnh cũng cần thường xuyên thực hiện các hoạt động khảo sát, quan trắc phóng xạ môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản và vùng lân cận khu vực khai thác để kịp thời phát hiện các bất thường về mức phóng xạ môi trường có thể xảy ra do hoạt động khai thác khoáng sản.

 

Đỗ Thu Hạnh