Cần quan tâm đầu tư, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ
Đó là nhận định của Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội khi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, năm 2022 bên cạnh những điểm thuận lợi, đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19, tình hình xung đột Nga - Ukraine và tác động biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, giá cả, lạm phát tăng cao.
Ảnh minh họa.
Nhưng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những chủ trương, quyết sách sáng suốt, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, sự ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân đã ổn định, tiếp tục phát triển khá ấn tượng. Việt Nam được thế giới đánh giá là điển hình về phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu đánh giá cao nhiều kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 với 12 nhóm giải pháp khá toàn diện với tính khả thi cao.
Để khoa học công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cả bên cung và bên cầu cần quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cử tri đã góp ý và được kết luận trong các chuỗi hội nghị, hội thảo, tham vấn vừa qua.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học công nghệ như giao thêm nhiệm vụ, đặt hàng, nghiên cứu, theo dõi kinh phí ít nhất là 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ đổi mới cơ chế tài chính, thanh quyết toán, đấu thầu các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ cho thị trường khoa học công nghệ.
Nguyễn Như Thủy – Nguồn: Vietq.vn