Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiệm thu Đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cá Mó tại Lạng Sơn”

Ngày 25/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN thuộc Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025: Đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cá Mó tại lạng sơn " do Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản thuộc Đại học Nông lâm Thái Nguyên chủ trì thực hiện.

Cá Mó thương phẩm

Cá Mó còn có tên gọi khác là cá Rô Mo, một loài cá đặc sản bản địa có số lượng ít, giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cá Mó được tìm thấy chủ yếu tại sông, suối thuộc các huyện Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia.

Với mục tiêu chính của Đề tài là nghiên cứu và lưu trữ bảo tồn các nguồn gen bản địa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguồn gen và đa dạng sinh học. Đề tài đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:

- Đề tài đã điều tra được hiện trạng, phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cá Mó tại Lạng Sơn, định danh được loài cá tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn  thông qua phân tích ADN và đăng ký nguồn gen cá Mó trên ngân hàng CSDL sinh học quốc tế – NCBI, bước đầu xây dựng được cơ sở dữ liệu nguồn gen cá Mó của tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và trao đổi thông tin trong mạng lưới quỹ gen quốc gia.

- Nghiên cứu được các phương pháp lưu giữ, bảo quản an toàn nguồn gen cá Mó từ đó đề xuất được 05 quy trình nuôi cá Mó phù hợp với điều kiện của tỉnh Lạng Sơn: Quy trình nuôi lưu trữ cá Mó trong bể; Quy trình nuôi lưu trữ cá Mó trong ao; Quy trình sản xuất cá Mó giống; Quy trình nuôi thương phẩm cá Mó trong ao; Quy trình nuôi thương phẩm cá Mó trong lồng.

- Qua việc nuôi thử nghiệm cá Mó trong lồng tại khu vực hồ thủy điện Thác Xăng, thuộc xã Bắc La, huyện Văn Lãng, đề tài đã giới thiệu được tới người dân khu vực lân cận một giống cá mới giá trị cao, có thể nuôi thương phẩm trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập, cải thiện kinh tế.

 

Mô hình nuôi thử nghiệm tại hồ thủy điện Thác Xăng, xã Bắc La huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Phương Anh)

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp thêm thông tin về loài cho các nhà quản lý, từ đó đưa ra hướng bảo tồn và phát triển loài cá Mó bản địa của tỉnh Lạng Sơn, bổ sung thêm lựa chọn về giống thủy sản tiềm năng để phát triển thương mại hóa, hướng tới thực hiện đề án phát triển môi trường thủy sản của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2025-2030. Đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ thống nhất đánh giá, nghiệm thu.

      Đỗ Phương Anh