Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025

Dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn”

Ngày 10/01/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh kết quả thực hiện dự án thuộc Chương trình hỗ trợ  ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (Chương trình Nông thôn miền núi): "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn" do cơ quan chủ trì là phòng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chi Lăng phối hợp với Viện Khoa học sự sống - Đại học Thái Nguyên là đơn vị hỗ trợ công nghệ triển khai thực hiện. Kỹ sư Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chi Lăng là chủ nhiệm dự án.

Báo cáo kết quả thực hiện dự án

Ứng dụng khoa học công nghệ là một mục tiêu quan trọng của “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015. Trong đó, tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng vùng miền, địa phương; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng tài liệu, dữ liệu về các tiến bộ khoa học và công nghệ, thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở định hướng của Chương trình Nông thôn miền núi, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn” là dự án cấp Trung ương, Dự án được thực hiện với mục tiêu cụ thể: Tiếp nhận và làm chủ được các quy trình kỹ thuật; Xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch; ô hình trồng, chế biến thức ăn cho ngựa; Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho người dân kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi.

Huyện Chi Lăng là huyện miền núi có điều kiện tự nhiện, khí hậu phù hợp với chăn nuôi Ngựa bạch, đây là dòng ngựa quý, dễ nuôi, ít bệnh tật, phù hợp với phát triển chăn nuôi chăn nuôi tại các tỉnh miền núi và trung du. Thịt ngựa bạch có giá trị dinh dưỡng cao, cao xương ngựa bạch, phổi ngựa bạch được coi là nguồn dược liệu quý dùng trong đông y. Tuy nhiên chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn vẫn mang tính tự phát, việc chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn thả tự nhiên, phối giống tự nhiên và không có sự tác động, kiểm soát dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn, chưa có biện pháp chủ động được nguồn thức ăn, do đó ngựa con sinh ra không có phẩm chất tốt, tầm vóc nhỏ, sinh trưởng phát triển chậm, chưa có biện pháp phòng và điều trị bệnh, chưa có biện pháp để xử lý chất thải chăn nuôi gây ra sự ô nhiễm về môi trường sống của ngựa. Để phát triển chăn nuôi và khai thác bền vững giống Ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao điều kiện sống cho người dân miền núi, thì việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi là hết sức cần thiết.

Dự án được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu và quy trình công nghệ của Đề tài cấp Nhà nước: “Khai thác nguồn gen ngựa bạch Việt Nam”. Nhóm thực hiện dự án đã chuyển giao các quy trình kỹ thuật về chăn nuôi ngựa bạch cho địa phương, cụ thể:

- Viện Khoa học sự sống đã chuyển giao đầy đủ 07 quy trình công nghệ, hỗ trợ ứng dụng các quy trình công nghệ cho dự án, các quy trình được hoàn thiện phù hợp hơn với thực tế chăn nuôi tại tỉnh Lạng Sơn, bao gồm:

(1) Quy trình chọn lọc và nhân giống ngựa Bạch; (2) Quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ngựa Bạch đực giống và ngựa Bạch cái sinh sản; (3) Quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ngựa Bạch cai sữa, ngựa sinh trưởng; (4) Quy trình kỹ thuật phòng và trị bệnh cho ngựa Bạch; (5) Quy trình kỹ thuật trồng và chế biến thức ăn cho ngựa Bạch; (6) Quy trình kỹ thuật chế biến rơm rạ, cỏ khô, thân cây ngô cho đại gia súc trong vụ đông xuân; (7) Quy trình kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi đại gia súc trong nông hộ.

 

Một số hình ảnh về Đàn ngựa trong mô hình hộ gia đình tham gia dự án

- Đơn vị chủ trì đã tiếp nhận thành công về công nghệ và ứng dụng thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa và mô hình chế biến thức ăn thô xanh với 10 hộ dân tham gia tại thôn Co Hương, Suối Phầy, Pá Chào, Suối Mạ A, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng:

+ Mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa Bạch với quy mô 103 ngựa cái và 13 ngựa đực giống thuần chủng, Mã số giống: 18/2010/HĐ-NVQG có chất lượng tốt, tỷ lệ thụ thai đạt 75% ở lần phối giống đầu tiên. Mô hình sản xuất giống đã sản xuất được 180 ngựa con có khối lượng tiêu chuẩn, mang đầy đủ đặc điểm ngoại hình đặc của giống ngựa Bạch, không lai tạp, sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình đã có thu nhập từ nguồn bán ngựa giống đạt trung bình trên 290 triệu đồng/hộ dân. 

+ Mô hình trồng, chế biến thức ăn thô xanh với quy mô hơn 10.000 m2(cỏ, ngô sinh khối, cây chuối), chế biến thức ăn dự trữ.

Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ về con giống, hỗ trợ xây dựng, sửa sang chuồng trại, được các cán bộ chuyển giao đào tạo, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc Ngựa bạch. Qua quá trình thực hiện, người chăn nuôi gia đã biết chọn con giống tốt, chăm sóc nuôi dưỡng ngựa bạch, chế biế, tận dụng các sản phẩm phụ nông nghiệp để tiết kiệm được chi phí, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao hiệu suất chăn nuôi, từ đó tăng giá trị của sản phẩm ngựa Bạch.

- Dự án đã đào tạo được 07 cán bộ kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận, các học viên đã tiếp thu được lý thuyết và hướng dẫn thực hành thực tế tại mô hình.

- Dự án đã tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi ngựa Bạch trong vùng dự án tham gia tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Qua các buổi tập huấn, người dân nắm được các kiến thức cơ bản về giá trị, hiệu quả trong chăn nuôi ngựa bạch, nắm được kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng ngựa bạch ở các giai đoạn tuổi, kỹ thuật trồng và chế biến thức ăn cho ngựa bạch, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi ngựa, công tác thú y, phòng dịch cho đàn ngựa. 

Thông qua đào tạo, tập huấn, dự án đã thu hút được các cán bộ trẻ, người dân tại xã Hữu Kiên và các vùng lân cận tham gia, đây là tiền đề quan trọng để người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống sang chăn nuôi những loài có thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động thuộc các xã miền núi của tỉnh Lạng Sơn

 

Hướng dẫn chăm sóc đàn ngựa Bạch tại mô hình

          Kết quả của Dự án bước đầu sẽ góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ngựa bạch cho người dân, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, nâng cao đời sống tiến tới ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của địa phương. Các mô hình được duy trì sẽ là nơi tham quan học tập cho người chăn nuôi trong vùng và địa phương có điều kiện tương tự. Công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thực hiện đúng quy trình và được kiểm soát chặt chẽ đã hạn chế tối đa ô nhiễm tại khu vực nuôi và vùng phụ cận, góp phần bảo vệ môi trường.

Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đã nhất trí thông qua và nghiệm thu Dự án xếp loại Đạt.  

Đỗ Phương Anh