Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn đẩy mạnh quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

(SHTT) - Trong bối cảnh hiện nay, tài sản trí tuệ (TSTT) đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng quyền SHTT.

Đẩy mạnh quản lý và phát triển TSTT

Phát biểu tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ 2024, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn Bế Thị Thu Hiền cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới với Trung Quốc dài 231,74 km; có 11 cửa khẩu: 02 cửa khẩu quốc tế và 09 cửa khẩu phụ trải dài qua 05 huyện biên giới. Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển. Qua đó góp phần quảng bá và đưa các sản phẩm của tỉnh vào tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Công tác triển khai các biện pháp thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện nghiêm túc và liên tục.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp theo mục tiêu của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế hộ, từng bước phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo phương thức ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Công tác xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Sở khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát xác định sản phẩm với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ để xác định hình thức đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm.

Đ/c Bế Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn báo cáo về tình hình phát triển tài sản trí tuệ tại Lạng Sơn

Để thuận lợi cho quá trình quản lý, ngay trong quá trình xác lập quyền, Lạng Sơn đã giao cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng (Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) làm cơ quan quản lý đối với những sản phẩm có yêu cầu về chất lượng. Kết quả đạt được, đến nay tỉnh Lạng Sơn có 45 nhãn hiệu cộng đồng, trong đó được xác lập dưới hình thức chỉ dẫn địa lý 04, nhãn hiệu chứng nhận 05 và nhãn hiệu tập thể 36. Các sản phẩm được bảo hộ chủ yếu tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực và dịch vụ du lịch của tỉnh như: Hồi, Thạch đen, Na, Quế, Hoa đào, du lịch Quỳnh Sơn, Đồng Lâm… Các nhãn hiệu cộng đồng sau khi được xác lập quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm khai thác, quản lý và phát triển và dần tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Những kết quả trên cho thấy hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp (SHCN) ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “100% các nhãn hiệu cộng đồng của tỉnh sau khi được xác lập đều được duy trì sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và tạo tiền đề quan trọng là sức bật thực hiện thành công các Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình xây dựng nông thôn mới và các Chương trình phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bế Thị Thu Hiền nói.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm mang nhãn hiệu cộng đồng và các chủ sở hữu nhãn hiệu chủ động trong hoạt động cấp, trao quyền sử dụng các nhãn hiệu cộng đồng. Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh tích cực lồng ghép hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ, các triển lãm, trưng bày nhằm quảng bá sản phẩm và từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại.  Các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá cũng được đẩy mạnh. Các sản phẩm nông sản của tỉnh sau khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Những khó khăn, bất cập trong công tác khai thác TSTT

Măc dù đạt một số kết quả nhất định nhưng Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn cho rằng, công tác xác lập, quản lý và khai thác các tài sản trí tuệ của tỉnh Lạng Sơn đối với nhãn hiệu cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất, vai trò và chức năng của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận/chỉ dẫn địa lý (NHCN/CDĐL) chưa rõ ràng. Hiện nay, do chủ sở hữu, cơ quan quản lý NHCN/CDĐL là các cơ quan quản lý tại địa phương, mặc dù có toàn quyền đối với NHCN/CDĐL, nhưng lại không có nguồn lực (cả con người và tài chính) để phát triển. Vai trò và chức năng của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (NHTT) còn hạn chế. Cụ thể, chủ sở hữu NHTT còn hạn chế về năng lực và cả nguồn lực (con người và tài chính) dẫn đến sự thiếu chủ động tạo sức ép trách nhiệm lên các cơ quan nhà nước. Việc tuân thủ những nguyên tắc về hành động tập thể còn yếu, vai trò của cộng đồng chưa được phát huy. Hoạt động quảng bá đối với người tiêu dùng trên thị trường còn mờ nhạt: Hoạt động quảng bá các sản phẩm mang NHTT, NHCN, CDĐL chưa thường xuyên, một số sản phẩm chưa kết nối được với doanh nghiệp, hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Do đó, chưa trở thành một dấu hiệu nhận diện, tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng, mặc dù nhu cầu đối với sản phẩm gắn với NHTT, NHCN CDĐL là khá lớn.

Thứ hai, về công tác quản lý nhà nước đối với các nhãn hiệu cộng đồng. Chưa văn bản hướng dẫn quy trình thực hiện kiểm tra quản lý nhà nước đối với các tài sản trí tuệ  của cộng đồng gây bất cập trong hoạt động quản lý nhà nược tại địa phương. Lực lượng công chức làm công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương  mỏng phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác nhau.

Thứ ba, số lượng sáng chế/giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, áp dụng còn hạn chế; Việc hỗ trợ các đặc sản địa phương mới dừng lại ở việc bảo hộ, vấn đề kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu sản phẩm chưa được triển khai rộng rãi; Việc hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực nông sản xuất khẩu của Lạng Sơn ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra phức tạp, Chưa có chương trình phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi về SHTT.

lang son1

 

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Để khắc phục hạn chế trên, bà Bế Thị Thu Hiền cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra TSTT. Trong thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn có một số kiến nghị đối với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các chính sách khuyến khích hoạt động khai thác tài sản trí tuệ.

Theo đó, đề nghị Cục SHTT rà soát tham mưu Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp nghiên cứu giải pháp, chính sách để tháo gỡ những khó khăn chính sách đăng ký bảo hộ các sản phẩm nông sản xuất khẩu ra nước ngoài; tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn quy trình kiểm tra quản lý nhà nước đối với các tài sản trí tuệ (nhãn hiệu cộng đồng) sau bảo hộ để phục vụ công tác quản lý ; tham mưu ban hành cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi.

Cùng với đó, cần xác lập quyền SHTT trong nước đề nghị Cục SHTT. Thường xuyên bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin tra cứu về SHTT cho địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tra cứu, kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin với các cơ quan QLNN về SHTT ở địa phương để nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình đăng ký xác lập quyền SHTT. Nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường phân cấp cho địa phương về công tác đăng ký xác lập quyền SHTT. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc triển khai các hoạt động xác lập, quản lý và phát triển các đối tượng SHTT cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng các chương trình truyền thông về SHTT.

Thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xác lập quyền SHTT nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về SHCN đối với cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHCN, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ở cả trung ương và địa phương.

Nguồn: sohuutritue.net.vn