Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH LẠNG SƠN ÁP DỤNG THÀNH CÔNG KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ XẸP ĐỐT SỐNG DO LOÃNG XƯƠNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP BƠM XI MĂNG SINH HỌC QUA DA TẠO HÌNH ĐỐT SỐNG

Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỷ trọng khoáng chất của xương hay giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích xương, hậu quả của sự suy giảm các protein và các khoáng chất của bộ xương, khiến cho sức chống đỡ và chịu lực của xương giảm đi, xương sẽ trở nên mỏng mảnh, dễ gãy, dễ lún và dễ xẹp, đặc biệt ở các vị trí chịu lực của cơ thể như: cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay...

Kỹ thuật bơm xi măng qua da tạo hình thân đốt sống được tiến hành lần đầu tiên tại Pháp do giáo sư H. Deramond vào năm 1984. Hiện hay đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tại Việt Nam, tạo hình thân đốt sống ở những bệnh nhân xẹp do loãng xương bằng xi măng sinh học là một phương pháp điều trị mới được áp dụng cho thấy có hiệu quả cao Các nghiên cứu cho thấy xi măng sinh học gần giống với chất xương, phù hợp với đặc tính sinh học của cơ thể giúp thân đốt sống bền vững. Chỉ bằng một cuộc mổ nhỏ, gây tê tại chỗ rồi đưa kim vào đốt sống lún xẹp rồi bơm vào đó một lượng xi măng sinh học với áp lực vừa đủ để xi măng có thể tràn vào trám kín các bè xương. Sau mổ chừng nửa giờ là người bệnh đã có thể xoay trở thoải mái trong tư thế nằm và chỉ vài giờ sau là có thể đi lại bình thường mà hiện tượng đau đớn đã giảm đi rất nhiều hoặc hết hẳn.

Điều trị bệnh loãng xương nói chung và các biến chứng do nguyên nhân loãng xương nói riêng đặt ra cho vấn đề chi phí đầu tư về nguồn lực tài chính, nguồn lực về y tế và các vấn đề an sinh xã hội khác. Điều trị bệnh lý loãng xương được đặt ra bao gồm các cấp độ khác nhau như: Dự phòng bệnh lý loãng xương, điều trị nội khoa và các các biến chứng nội khoa; điều trị ngoại khoa tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học qua da. Nhìn chung với các phương pháp điều trị thủ thuật, phẫu thuật đã được triển khai tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và một số trung tâm y tế trong tỉnh vẫn là gánh nặng chi phí của phẫu thuật, tác động lớn gây suy giảm ảnh hưởng sức khoẻ sau phẫu thuật. Vấn đề đặt ra là làm sao điều trị được bệnh lý loãng xương nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhưng giảm được gánh nặng về kinh tế, y tế, an sinh xã hội.

Năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” và giao trực tiếp cho Bệnh viên Đa khoa là đơn vị chủ trì thực hiện, với Đồng chủ nhiệm đề tài là BSCKII Nguyễn Thế Toàn và BSCKII Trương Quý Trường

 

Ảnh: BSCKII Trương Quý Trường- Chủ nhiệm đề tài tại Hội thảo khoa học thuộc đề tài Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Triển khai thực hiện các nội dung thực hiện đề tài  Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử  02 bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Lồng ngực của Bệnh viện được đào tạo và nắm vững kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống tham gia đào tạo và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của tại Bệnh viện 108 Hà Nội, đến nay các bác sĩ tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật này và điều trị cho nhiều bệnh nhân đạt kết quả tốt.

Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng sơn đã phối hợp với các chuyên gia của Bệnh viện 108 Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống cho 20 bệnh nhân, kết quả điều trị cho thấy:

-  Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương: Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam: Tỷ lệ nữ/nam = 5,6/1. Độ tuổi gặp nhiều nhất trên 70 tuổi chiếm 65%. Biểu hiện lâm sàng chính là đau lưng và hạn chế vận động cột sống với mức độ đau trung bình: 6,9 ± 1,18. Đa phần là lún hình chêm thân đốt sống (55%). 100% bệnh nhân có phù tủy xương trên phim cộng hưởng từ. T-score trung bình: -3,85 ± 0,77 ; Cao nhất là -5,0 và nhỏ nhất là -2,6. 

- Kết quả điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng không bóng và có bóng qua da tạo hình thân đốt sống: Tạo hình thân đốt sống qua da bằng đường qua cuống cung là phương pháp an toàn, không có biến chứng đe dọa tính mạng, 10% tràn xi măng vào đĩa đệm và ra xung quanh nhưng không ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Ngay sau mổ tất cả bệnh nhân cải thiện ngay mức độ đau lưng, bệnh nhân hết đau hoàn toàn hoặc chỉ còn biểu hiện đau ít, vận động bình thường. Đối với các trường hợp bơm xi măng có bóng: Chiều cao thân đốt sống cải thiện tốt ở tường trước và tường giữa. Các góc xẹp thân đốt, góc Cobb và góc gù vùng cảit thiện tốt.  Sau mổ 6 tháng không có bệnh nhân nào xẹp tiến triển ở tất cả các đốt sống, đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị sau mổ theo Macnab đối với bệnh nhân, nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả: rất tốt 55%, tốt 35%, trung bình 10%.

Với Kết quả nghiên cứu và điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống như trên, Hiện nay Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã làm chủ được kỹ thuật điều trị kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống với đội ngũ y bác sỹ được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện 108

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Vi Hồng Đức - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Lồng ngực: “Sau khi kết thúc số bệnh nhân nghiên cứu theo đề tài, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp tục điều trị kỹ tuật kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống cho trên 70 bệnh nhân, kết quả tất cả các bệnh nhân điều trị khỏi và có sức khỏe ổn định”.

Kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống là bước đột phá, mở ra hi vọng mới trong điều trị bệnh xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống cho người bệnh. Từ đây, phương pháp này sẽ dần thay thế hoàn toàn phương pháp mổ mở truyền thống, giúp nhân dân trong tỉnh được điều trị bằng phương pháp hiện đại, hiệu quả, an toàn mà không phải chuyển tuyến. Với việc áp dụng thành công Kỹ thuật điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học qua da tạo hình đốt sống, đề tài do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thực hiện đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh đánh giá, nghiệm thu đạt loại Xuất sắc./.

Hoàng Thị Hiên