Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHỤC TRÁNG GIỐNG ĐÀO MẪU SƠN TẠI KHU VỰC MẪU SƠN, TỈNH LẠNG SƠN (QUY TRÌNH ĐỀ XUẤT)

         I. Tiêu chuẩn cây giống đào Mẫu Sơn

         I. Tiêu chuẩn cây giống đào Mẫu Sơn

         1.1. Nguồn gốc: Giống đào bản địa Mẫu Sơn

              1.2. Hình thức nhân giống

              Nhân giống bằng phương pháp ghép đoạn cành, mắt ghép được lấy từ cây đầu dòng cây giống đào Mẫu Sơn đạt được các tiêu chí tuyển chọn về năng suất, chất lượng và không nhiễm sâu bệnh hại.

.              1.3. Kích thước cây giống

- Chiều cao được đo từ mặt bầu tới ngọn từ 60 đến 80 cm.

- Chiều dài cành ghép tính từ vết ghép đến ngọn cành dài nhất (cm) từ 40 - 60 cm.

- Đường kính gốc ghép (đo cách mặt bầu 10 cm) > 0,8 cm.

- Đường kính cành ghép (đo trên vết ghép 2 cm) > 0,7 cm.

- Số cành cấp 1 phải từ 1 – 3 cành.

1.4. Tiêu chuẩn cây giống xuất vườn

Cây sinh trưởng khỏe, lá xanh đậm, không bị nhiễm sâu bệnh hại.

Tuổi cây giống không quá 18 tháng, kể cả thời gian trồng hạt gốc ghép hoặc không quá 6 tháng tính từ khi ghép.

         II. Kỹ thuật trồng

         2.1. Chọn đất

Các loại đất mà cây đào phát triển tốt có tầng canh tác từ 0,7 m trở lên, có cấu tượng tơi xốp, giữ ẩm tốt, dễ thoát nước, có độ mùn khá như đất rừng mới khai phá, đất dốc tụ, phù sa cổ, đất feralit đỏ vàng, có độ pH 5,5 - 6,5 đều có thể trồng đào ăn quả.

          2.2. Thiết kế vườn trồng

Cần thiết kế vườn trồng theo lô, khoảnh có rãnh thoát nước tốt, tránh đọng nước khi trời mưa. Nếu có diện tích tương đối bằng phẳng và rộng thì đào hố theo đường thẳng, cách nhau 5 - 6m và hàng cách hàng 6 - 7m. Nếu diện tích trồng có độ dốc thì đào hố theo đường đồng mức. Cần tạo điều kiện để chống xói mòn như: gieo trồng các loại cây phủ đất, chắn dòng chảy.

2.3. Khoảng cách mật độ

Điều kiện chăm sóc bình thường, ít cắt tỉa nên trồng khoảng cách 4 × 4 m, mật độ khoảng 600 cây/ha. Có điều kiện thâm canh và cắt tỉa hàng năm nên trồng với khoảng cách cây cách cây 4 × 5 m.

2.4. Chuẩn bị hố, bón phân lót

Ở những nơi đất dốc hoặc thung lũng, chân núi đá không cày bừa được thì phải làm sạch cỏ rồi mới đào hố. Trên luống đào hố trồng theo khoảng cách và hàng đã định. Kích thước hố thường từ 60 - 70cm, sâu 60 - 70cm.

Bón lót 15 - 20 kg phân hữu cơ hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh với lượng 5 - 7kg/hố), ure 0,1 - 0,2 kg, Supe lân 0,3 - 0,5 kg, Ka li 0,2 - 0,4 kg/ hố, vôi bột 0,2 – 0,5 kg. Toàn bộ lượng phân bón lót được trộn đều với phần đất mặt và được lấp đầy vào hố, vun ụ lồi lên so với mặt đất 20cm, định vị trí trồng cây ở tâm hố. Đào hố và bón phân lót nên làm trước khi trồng cây từ 20 ngày đến 01 tháng.

          2.5. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân tháng 2 - 4, nếu cây giống ghép sớm có thể trồng từ tháng 11. Sang xuân nếu gặp thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng nhanh.

          2.6. Cách trồng

         - Với cây rễ trần, đặt cây vào trong hố, cho đất vào nửa hố, ấn nhẹ đất tiếp xúc với rễ, tưới nước vào hố để cho đất bó sát với rễ. Lấp đất đầy hố sau khi nước đã rút. Đối với cây bầu thì xé bỏ túi nilon trước khi trồng không làm đứt rễ. Moi một hố nhỏ đường kính khoảng 10 - 15 cm, sâu bằng túi bầu cây và đặt cây vào chính giữa hố ngang với mặt ụ, vun nhẹ đất vụn vào xung quanh bầu đất và dùng tay ấn chặt đất xung quanh bầu. Sau đó tiếp tục vun đất xung quanh vào cho đầy hố. Đối với đất đồi, cây được trồng bằng mặt, nghĩa là sau khi trồng xong mép phía trên của bầu đất bằng với mặt đất.

         - Sau khi trồng xong cắm cọc định vị, cọc cao khoảng 0,7 – 1,0m. Cắm chéo và cách một khoảng nhất định với thân cây để tránh tổn thương rễ, sau dùng dây mềm buộc chắc cây vào cọc để tránh gió lớn làm long gốc.

          - Tưới ẩm thường xuyên cho cây trong 01 tháng sau trồng

III. Kỹ thuật chăm sóc

3.1. Tưới nước

Trong vòng 01 tháng sau khi trồng phải tưới nước thường xuyên, mỗi ngày tưới cho cây 01 lần vào buổi sáng hoặc chiều muộn, mỗi gốc 15 - 20 lít nước. Sau đó thì cách 2,3 ngày tưới 01 lần, duy trì độ ẩm thường xuyên cho diện tích đất xung quanh gốc.

Từ khi bắt đầu nở hoa cho đến suốt thời kỳ đậu quả và quả non phát triển cần phải thường xuyên tưới nước. Nếu gặp hạn, quả sẽ nhỏ, quả cứng, ăn chát.

          3.2. Phòng trừ cỏ dại và tủ gốc

          * Phòng trừ cỏ dại:

         - Dùng tay loại bỏ cỏ dại xung quanh gốc.

         - Phun thuốc trừ cỏ dại dọc theo hàng cây

         - Kết hợp trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi rìa đường đồng mức để ngăn chặn việc xói mòn và rửa trôi.

          - Không dùng cuốc để đào bới xung quanh gốc.

          * Tủ gốc: Sử dụng vật liệu giữ ẩm AMS-1, rơm rạ, xác thực vật.

        - Đối với vật liệu giữ ẩm AMS-1: Sử dụng liều lượng 100 gam AMS-1/cây trộn với phân hữu cơ bón 1 lần cho cây vào giai đoạn cuối năm sau thu hoạch quả.

        - Đối với rơm rạ, xác thực vật: Phủ dày ít nhất từ 10 - 15 cm xung quanh gốc cây ngay sau khi trồng và lập lại vào mùa xuân năm sau. Phủ cách thân cây khoảng 10 cm để tránh bệnh và dịch hại tấn công vào gốc cây. Dùng tay nhổ bỏ cỏ dại khi cỏ mọc qua lớp phủ.

          3.3. Trồng xen

Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, khi cây đào chưa khép tán trồng xen các loại cây rau, đậu đỗ để tăng thu nhâp. Khi trồng xen cần chú ý: Không trồng xen với những cây có khả năng che bóng và cạnh tranh chất dinh dưỡng, nước với cây đào.

Trồng xen với những cây có bộ rễ nông và không có rễ cọc. Nếu trồng xen giữa các hàng cây thì không nên trồng sát hàng, cách xa ít nhất 0,5 m.

        3.4. Đốn tỉa tạo tán

          * Đốn tỉa trong thời kỳ kiến thiết cơ bản

- Khi trồng được 3 - 4 tháng, cắt ngọn thân chính ở độ cao 40cm.

- Loại bỏ những cành bụi nhất là những cành phía dưới, chỉ để lại 3 - 4 mầm khỏe và phân bố ở các hướng và có độ cao khác nhau. Khi cành cấp 1 dài khoảng 50 – 70 cm đốn ngọn để kích thích cành cấp 2 (nuôi 4 - 6 cành cấp 2). Khi cành cấp 2 dài khoảng 30 - 50 cm đốn ngọn kích thích cành cấp 3 phát triển.

          * Đốn tỉa trong thời kỳ kinh doanh

          - Đốn sau khi thu hoạch: Loại bỏ những cành đã cho quả. Cắt bỏ những cành mọc thẳng ở giữa thân. Cắt tỉa theo hình tim mở, có từ 3 đến 5 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Trên mỗi cành cấp 1 chỉ để lại 3 - 5 cành cấp 2 phân bố đều.

          - Đốn vào mùa đông: Loại bỏ những cành vô hiệu hoặc quá yếu. Cắt bỏ những cành mọc thẳng ở giữa thân, chỉ giữ lại những cành 1 năm tuổi, cách nhau khoảng 30cm, đốn tỉa duy trì tán như thời kỳ kiến thiết cơ bản.

          - Đốn trong mùa xuân: Đối với các chồi xuân vươn dài trên 70cm thì đốn tỉa để tập trung nuôi quả.

        3.5. Bón phân

          * Lượng phân bón hàng năm được sử dụng cụ thể như sau:

          - Thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu): Mỗi năm bón cho 1 cây: 20 - 30 kg phân hữu cơ + 0,5 kg đạm urê + 1,0 kg phân super lân + 0,5 kg phân kali + 1,0 kg vôi bột.

          * Thời gian bón

          - Lần 1: Bón nuôi lộc xuân, nuôi hoa vào tháng 1, 2: 50% đạm và 30% kali.

          - Lần 2: Bón nuôi quả từ tháng 4 đầu tháng 5 (chia phân làm 2 - 3 lần): 50% đạm 40% kali.

          - Lần 3: Bón phục hồi sau khi thu hoạch quả vào tháng 9, 10: Bón toàn bộ phân hữu cơ (có thể trộn với vật liệu giữ ẩm AMS-1) + vôi + 100% lân và 30% kali.

          * Cách bón:

Đào rãnh rộng 20 - 30cm xung quanh hình chiếu của tán cây, rải đều các loại phân vôi bột rồi đảo lẫn với đất, sau đó lấp đất lại rồi tưới nhẹ.

Ngoài các loại phân vô cơ đơn thông dụng như trên, hiện nay còn có rất nhiều các loại phân NPK tổng hợp khác sử dụng rất có hiệu quả đối với đào, có thể sử dụng phân tổng hợp NPK Đầu trâu 13-13-13+TE, phân NPK Việt Nhật loại 20-20-25+TE với lượng từ 0,5 - 1,0 kg/cây (giai đoạn kiến thiết cơ bản) và lượng từ 3,0-4,5 kg/cây (giai đoạn kinh doanh).

       IV. Phòng trừ sâu, bệnh hại đào

       4.1. Các loại sâu hại chính

(1). Ruồi đục quả

Ruồi cái dùng máng đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5 - 10 trứng (thường đẻ trứng lên quả phần tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả). Vỏ quả nơi ruồi đục vào có màu đen, mềm, ứ nhựa (mủ); giòi nở ra đục ăn phần thịt quả. Quả bị giòi đục thường bị bội nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại từ khi quả già đến chín.

Biện pháp phòng trừ:

- Sử dụng túi bao quả sau khi quả hình thành 20 - 30 ngày có tác dụng hạn chế ruồi. Trước khi bao quả 1 ngày phun thuốc phòng trừ nấm bằng một trong các loại sau: Metalxyl M, Mancozeb  (Ridomil 68WG), Difenoconazole (Score 250EC),…

- Thu hoạch quả kịp thời, không để quả chín lâu trên cây; Vệ sinh vườn thường xuyên và đem tiêu hủy toàn bộ quả rụng.

- Sử dụng thuốc dẫn dụ có chứa hoạt chất (Methyl Eugenol, Dibrom ) VIZUBON-D: Thường xuyên kiểm tra vườn khi thấy ruồi trưởng thành xuất hiện nên sử dụng hợp chất dẫn dụ ruồi đục trái VIZUBON-D. Hộp chứa 2 chai thuốc gồm 1 chai chất dẫn dụ ruồi và một chai chất diệt ruồi. Đổ hết thuốc diệt ruồi vào chai dẫn dụ đậy nắp kín, lắc đều. Sau đó lấy khoảng 1-2ml hỗn hợp thuốc trộn vào bẫy, treo lên cây. Treo mỗi bẫy cách nhau từ 25 - 50m, bẫy đặt cao từ 1m đến 1,5m để nơi râm mát. Sau 7 - 10 ngày treo bẫy đổ hết ruồi chết, tẩm thuốc vào bẫy tiếp tục đem treo lên cây. Trung bình mỗi 01 ha đặt từ 30 - 40 bẫy ruồi.

(2). Sâu đục thân, cành (xén tóc)

Sâu đục thân, cành là sâu non của xén tóc, xén tóc đẻ trứng trên kẽ các cành non; sâu non nở ra đục từ cành non xuống dần các cành già phía dưới, làm cành héo khô và chết. Sâu sống trong đường ống rỗng giữa lõi cành và cách 18 – 25 cm lại đục ra ngoài một lỗ, miệng lỗ hướng xuống dưới, từ đó đùn ra bột gỗ mới.

Biện pháp phòng trừ:

- Phát hiện sớm cây bị hại để can thiệp kịp thời

+ Với trưởng thành: Dùng vợt hoặc bắt bằng tay trong thời gian trưởng thành vũ hoá và đẻ trứng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.

+ Với sâu non: Diệt sâu non bằng cách cắt hoặc bẻ xuống dưới một đoạn cành non bị héo (đối với sâu đục cành) vào các tháng 5, 6, 7. Với sâu non đã đục vào trong cành lớn, thân cây hoặc gốc cây thì có thể dùng một sợi dây thép nhỏ và cứng như dây phanh xe đạp làm thành móc nhọn như lưỡi câu, luồn vào trong để ngoáy và kéo sâu non qua các lỗ đùn phân và mạt cưa trên thân, cành và gốc cây.

+ Quan sát tìm các lỗ đục có phân còn mới. Dùng que sắt chọc vào đường đục diệt sâu. Hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc trừ sâu vào đường đục rồi bít chặt bằng đất sét.

- Sử dụng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất sau: (Cartap) Padan 95Wp, Fipronil:  50g/lít (Regent 5SC ) (sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì thuốc).

 Các loại thuốc trên phun đều trên tán cây. Phun vào tháng  4 - 6 nhằm diệt sâu non mới nở trước khi đục vào thân cành.

(3). Rệp hại đào

Rệp là loài côn trùng nhỏ (dài 2mm) thường tập trung trên ngọn non, lá non của cây đào. Rệp chích hút nhựa cây làm làm lá bị vàng, cuộn lại, cây sinh trưởng phát triển kém, cằn cỗi, khô héo dần rồi rụng từng bộ phận: lá, hoa. Chất bài tiết của rệp là thức ăn và môi trường sống của nấm bồ hóng (bào tử nấm có màu đen) làm giảm năng suất và chất lượng quả.

Biện pháp phòng trừ:

- Cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành khô héo, vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế rệp và sâu bệnh xâm nhập phát sinh gây hại.

- Dùng vòi phun nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám để tẩy rửa bớt rệp, tăng ẩm độ trên cây.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây (khoảng 10 ngày 1 lần) phát hiện rệp để diệt trừ kịp thời bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất sau: Thiamethoxam Actara 25WG, Imidacloprid  96 % (Miretox 10WP),…(sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì thuốc).

         4.2. Các loại bệnh hại đào

(1). Bệnh chảy gôm

- Nguyên nhân: Bệnh do nấm gây hại. Nấm gây bệnh phát triển thích hợp ở nhiệt độ 28 - 330C. Nấm tồn tại qua đông ở dạng sợi và bào tử, lan truyền nhờ gió, nước, côn trùng, xâm nhập vào cây qua vết thương.

- Triệu chứng: Bệnh phát sinh trên thân, cành, nhất là chỗ phân nhánh. Chỗ bị bệnh vỏ nứt và chảy nhựa vàng trong suốt, sau nhựa chuyển màu nâu đỏ, vỏ và gỗ dần dần bị khô mục; Lá cây bệnh bị vàng và rụng. Bệnh nặng làm cành và cả cây chết khô.

- Biện pháp phòng trừ: 

+ Tránh gây vết thương cho cây, cắt bỏ cây bệnh, cuối mùa thu hàng năm tiến hành quét vôi lên thân cây.

+ Tăng cường chăm sóc cây, khi cây nảy chồi, phun phòng bệnh bằng thuốc trừ nấm gốc đồng.

+ Khi phát hiện cây chớm bị bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất như: Metalxyl, Mancozeb (Ridomil 72WP); Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP) phun lên cây. 

+ Nếu cây đã bị thối vỏ ở thân, gốc và rễ cái cần phải cào hết đất xung quanh gốc cây cho thông thoáng. Dùng dao (đã được tiệt trùng bằng cồn hay hơ qua lửa) cạo sạch hết vết bệnh rồi quét dung dịch thuốc Aliette 80WP pha nồng độ 10-15% hoặc hỗn hợp Boóc-đô 1%. Sau một thời gian vết bệnh sẽ lành, vỏ cây sẽ tái sinh. 

+ Ngoài ra có thể dùng nấm đối kháng là Trichoderma hazianum để phòng trị bằng cách trộn nấm với phân hữu cơ hay mùn rác ủ mục theo tỉ lệ 1:40 rồi bón cho cây, khoảng 3 - 5kg/cây. 

(2). Bệnh xoăn lá đào

- Nguyên nhân: Bệnh do nấm thuộc bộ túi ngoài, lớp nấm túi nửa gây hại.

- Triệu chứng: Nấm bệnh thường xâm nhiễm vào ngọn lá hoặc mép lá làm cho một phần hoặc cả lá có màu xanh xám và dày lên. Sau đó những phần dày này xoăn lại biến thành màu đỏ và trên mặt lá bị một lớp bột trắng xám bao phủ. Cuối cùng lá biến thành màu nâu, khô và rụng xuống. Trường hợp bệnh nặng có thể làm chết cả cây.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Bón phân NPK tổng hợp cân đối. Thường xuyên vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy lá bị bệnh.

+ Dùng các loại thuốc có chứa hoạt chất như sau: Metalxyl, Mancozeb (Ridomil 72WP); Fosetyl Aluminium (Aliette 80WP),… để tiến hành phun phòng trừ bệnh.

(3). Bệnh thủng lá đào

- Nguyên nhân: Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas pruni Dowson gây ra. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển là 240C - 280C. Bệnh lây lan nhờ nước và gió.

- Triệu chứng: Ban đầu xuất hiện các đốm nhỏ, sau lan rộng, xung quanh đốm có viền màu xanh vàng, về sau đốm bệnh khô, mép nứt ra và rụng xuống tạo thành các vết thủng. Những cây đào yếu, thoát nước kém không thoáng gió thường bị bệnh rất nặng.

- Biện pháp phòng trừ:

+ Bón phân NPK tổng hợp cân đối. Nên bón phân hữu cơ, hạn chế bón nhiều đạm.

+ Tỉa cành thông thoáng, loại bỏ cành bệnh, trồng đào nơi thoáng gió và thoát nước tốt. Không nên trồng xen lẫn giữa lê và đào vì có thể lây nhiễm lẫn nhau.

+ Khi cây bị bệnh tiến hành phun thuốc: Zineb 0,2% hoặc phun nước Sunfat kẽm và vôi tỉ lệ: Sunfat kẽm 1 phần + vôi tôi 4 phần + nước 240 lần.

(4). Bệnh gỉ sắt cấp tính: Dùng các thuốc hoá học có chứa hoạt chất như Benomyl, Copperoxychloride (Viben-C 50BTN), Propiconazole + Difenoconazole (Tilt Super 300EC), Hexaconazole (Anvil 5SC), Mancozed (Dizeb-M45 80WP), … phun sớm khi phát sinh bệnh, tiếp theo 3-4 lần trong mùa bệnh, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần lễ và phun vào mặt dưới của lá. Trong mùa mưa cần pha thêm chất dính để tăng độ bám của thuốc.

           (5). Bệnh thối xám: xuất hiện và gây hại từ giai đoạn sắp thu hoạch trở đi, ban đầu bệnh có những vết màu nâu sau đó lan rất nhanh trên bề mặt quả. Dùng các thuốc trừ nấm như Rovral, Cacbendazim trước khi thu hoạch 1 tháng để hạn chế sự xâm nhập của nấm vào quả.

           V. Thu hoạch

Thời điểm tốt nhất để thu hoạch đào là khi quả đào vừa chín tới. Nếu cần vận chuyển đi xa để tiêu thụ thì cho thu hái khi quả gần chín. Quả đào thu hái nhẹ nhàng, tránh làm xây xát, giập nát. Sau khi thu hái về cần loại những quả kém mã, bị sâu bệnh nhất là dòi đục. Những quả tốt đưa vào sọt có lót vật liệu mềm để bảo quản và vận chuyển.

(Ghi chú: Chữ in nghiêng trong các biện pháp kỹ thuật là kết quả nghiên cứu của đề tài).

 

 

Post type
Featured

Nguồn:sokhcn.langson.gov.vn Sao chép liên kết