Nghiệm thu Dự án cấp Bộ thuộc Chương trình Phát triển Tài sản trí tuệ đến năm 2030: “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mác mật của tỉnh Lạng Sơn”
Ngày 20/12/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với dự án: "Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mác mật của tỉnh Lạng Sơn” đã tiến hành họp. Đề tài do ThS. Vũ Văn Đoàn làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp là đơn vị chủ trì thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu
Hội đồng nghiệm thu được chủ trì bởi GS. TS. Trần Khắc Thi - chuyên gia độc lập, Chủ tịch Hội đồng; DS Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Phó Chủ tịch Hội đồng; Luật sư Nguyễn Bá Hội - Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Thương hiệu AMC, Ủy viên Phản biện 1; PGS. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp, Ủy viên Phản biện 2 và các ủy viên Hội đồng.
Dự án thực hiện với mục tiêu làm rõ danh tiếng, chất lượng, và tính chất đặc thù của sản phẩm Mác mật, trong mối liên hệ hữu cơ với các điều kiện tự nhiên đặc thù của tỉnh Lạng Sơn. Mục tiêu là để đăng ký thành công CDĐL, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển CDĐL cũng như các quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến sản phẩm Mác mật.
Kết quả đạt được sau 36 tháng triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các mục tiêu của đề tài, đáp ứng các nội dung và chất lượng được phê duyệt. Dự án mang lại những hiệu quả tích cực và có thể nhân rộng trong sản xuất và kinh doanh với các kết quả chính như:
Chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả thực hiện
Đánh giá được hiện trạng sản xuất và thương mại sản phẩm Mác mật tỉnh Lạng Sơn, từ đó làm cơ sở để xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL “Mác mật Lạng Sơn”. Sản phẩm “Mác mật Lạng Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00141, theo Quyết định số 561/QĐ-SHTT ngày 28/6/2024.
Hệ thống quản lý và sử dụng CDĐL được xây dựng trên cơ sở huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, tăng cường vai trò kiểm soát của cộng đồng đối với chất lượng sản phẩm và tài sản CDĐL. Các công cụ quản lý và sử dụng CDĐL cũng đã được thiết lập để phục vụ quản lý chất lượng sản phẩm.
Phát triển thị trường cho sản phẩm “Mác mật Lạng Sơn”: Đã nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, thiết kế và sản xuất các công cụ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thử nghiệm phân phối. Các kênh bán hàng đã được xây dựng để khẳng định giá trị của sản phẩm đặc sản Mác mật Lạng Sơn.
Tăng cường năng lực sản xuất và quản lý: Các tài liệu và chương trình tập huấn đã được biên soạn và tổ chức cho các hợp tác xã sản xuất trong khu vực địa lý “Mác mật Lạng Sơn”.
Với công cụ CDĐL, các nhà sản xuất và kinh doanh Mác mật tại Lạng Sơn sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn nhờ vào danh tiếng và chất lượng của sản phẩm đã được công nhận. Các nhà quản lý cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đánh giá của Hội đồng, kết quả thực hiện đề tài đã hoàn thành đầy đủ nội dung, số lượng, và chất lượng sản phẩm, với độ chính xác và tin cậy cao. Đề tài thực hiện đúng theo thời gian quy định và đạt được các mục tiêu đề ra, có hiệu quả ứng dụng. Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì phân tích và đánh giá các nội dung triển khai theo từng kết quả đạt được, chỉnh sửa báo cáo và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn để xây dựng các kiến nghị thiết thực, hiệu quả.
Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện dự án đạt yêu cầu và đề nghị đơn vị chủ trì hoàn chỉnh báo cáo theo kết luận của Hội đồng.
Hà Thơ