Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2024 và Công bố quyết định cấp, trao văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu chứng nhận “Lạng Sơn” cho sản phẩm đặc sản của tỉnh

 

Từ ngày 14-18/8/2024 tại Khu Hội chợ Triển lãm giao dịch Kinh tế và Thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội diễn ra Khai mạc Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá Na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2024 và Công bố quyết định cấp, trao văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm “Mác Mật Lạng Sơn”, “Na Lạng Sơn” và Nhãn hiệu chứng nhận “Khau nhục Lạng Sơn” nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản, đặc sản đã được bảo hộ của địa phương.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ trao văn bằng bảo hộ cho đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu

Dự lễ khai mạc có đại diện đơn vị Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo sở NN&PTNT, So KHCN, lãnh đạo huyện ủy, UBND các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn,... cùng hơn 120 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các nông đặc sản của các địa phương như: Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận, Cà Mau…

 

Các đại biểu cắt băng khai mạc phiên chợ

Tham gia phiên chợ tỉnh Lạng Sơn có 30 gian hàng của các huyện, thành phố quảng bá, giới thiệu và bán hầu hết các sản phẩm đặc sản thế mạnh  của tỉnh như: Na, Hoa hồi, Mác mật, Khau nhục, Vịt quay, Thạch đen,... là các sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ SHTT, rau đặc sản các loại, các loại trà, sản phẩm dược liệu ba kích, sa nhân,...

Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.500 ha cây trồng các loại được sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; gần 900 ha được cấp mã số vùng trồng. Đối với sản xuất na, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.500 ha tập trung chủ yếu ở 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Trong những năm qua, sản phẩm quả na của tỉnh đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Cây na trở thành một trong những cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân.

Việc xây dựng CDĐL cho sản phẩm giúp tăng khả năng nhận biết và bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, chứng nhận các đặc tính chất lượng và chất lượng đặc thù của sản phẩm gắn với các điều kiện địa lý đặc biệt của khu vực sản xuất. Người tiêu dùng được chỉ dẫn rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện ATTP. Từ đó, nâng cao được khả năng tiếp cận thị trường và giá bán của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Lạng Sơn.

Nông Hà Thơ