Hội thảo khoa học: Nghiên cứu đề xuất một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Ngày 26/9/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu đề xuất một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (Chủ trì Hội thảo); PGS.TS Bùi Ngọc Quý, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội; các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thám thuộc Đài Viễn tham Trung ương - Cục Viễn thám Quốc Gia; Trường Đại học Mỏ Địa chất; Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông và Vận tải; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu; Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Trần Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá về hiện trạng phát triển, ứng dụng của khoa học và công nghệ vũ trụ trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nghiên cứu đề xuất một số nhiệm vụ ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường của tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.
PGS.TS Bùi Ngọc Quý - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc Gia Hà Nội phát biểu tham luận
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận, đề xuất một số nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ để giải quyết các vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường hiện nay như: Nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý viễn thám của tỉnh Lạng Sơn; Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát, quản lý sử dụng đất (Thống kê đất đai; giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất); Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản; Khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý trong giám sát tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ quét, lũ bùn,...; Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và dự báo trượt lở đất một số khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bằng công nghệ Viễn thám và GIS; Ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát diễn biến rừng và biến động cơ cấu cây trồng; Ứng dụng công nghệ viễn thám và dữ liệu địa không gian trong dự báo cháy rừng; Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý trong đánh giá sinh khối và trữ lượng carbon trong các hệ sinh thái rừng.
Qua thảo luận của các đại biểu tham dự đối với các nội dung đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu ứng dụng cho thấy trong giai đoạn hiện nay bối cảnh ứng dụng rộng rãi của dữ liệu không gian lớn theo thời (big data), các phương pháp học sâu (là một phương pháp trong mô hình học máy) được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh… và đã bắt đầu được ứng dụng trong nghiên cứu thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, số lượng công bố còn rất hạn chế, nên cần tiếp tục có thêm các nghiên cứu để đánh giá khả năng áp dụng, hiệu quả và tính khả thi của phương pháp học sâu ứng dụng trong giải quyết bài toán dự báo và quản lý tai biến thiên nhiên.
Đại biểu tham dự phát biểu
Nguyễn Minh Huấn