THÔNG TIN TỪ VĂN PHÒNG TBT VIỆT NAM THÁNG 11/2024 CẢNH BÁO ĐỐI VỚI DỰ THẢO CỦA EU VỀ YÊU CẦU THIẾT KẾ SINH THÁI ĐỐI VỚI BỘ CẤP NGUỒN NGOÀI, SẠC, CÁP SẠC
Nhằm thực hiện cảnh báo sớm về các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày 20/11/2024, Văn phòng TBT Việt Nam đã có văn bản tới Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về thông tin liên quan tới dự thảo của Liên minh Châu Âu (EU) về yêu cầu thiết kế sinh thái đối với bộ cấp nguồn ngoài, sạc, cáp sạc có liên quan như sau:
Ngày 19/11/2024, EU đã gửi thông báo mã G/TBT/N/EU/1095 về dự thảo Quy định Ủy ban (EC) quy định các yêu cầu thiết kế sinh thái đối với bộ cấp nguồn ngoài (sau đây gọi chung là EPS), sạc không dây, đế sạc không dây, sạc dành cho pin di động sử dụng cho mục đích chung, cáp USB Loại-C theo Chỉ thị 2009/125/EC của Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu, và bãi bỏ Quy định Ủy ban số 2019/1782.
Các nội dung cụ thể được đề xuất trong Dự thảo gồm:
- Bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo sạc không dây và sạc pin dùng cho pin di động sử dụng cho mục đích chung như được định nghĩa tại Quy định (EU) 2023/1542 liên quan tới các yêu cầu về khả năng tương thích và giới hạn tiêu thụ ở chế độ chờ (stand-by) đối với sạc không dây và đế sạc không dây;
- Mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo đối với cáp USB Loại-C để giới hạn mức tổn hao năng lượng và thông tin cho người tiêu dùng về công suất tối đa được hỗ trợ;
- Mở rộng định nghĩa về EPS mà trước đây chỉ giới hạn ở các loại sạc có công suất đầu ra thấp hơn 250W và các loại sử dụng cho một số sản phẩm nhất định (Phụ lục I, Quy định số 2019/1782) và bỏ các yêu cầu về khả năng tương thích đối với một số loại EPS (bao gồm EPS sử dụng trong điều kiện ẩm ướt, đồ chơi, các loại có phóng điện từ cao, các dụng cụ điện năng phổ biến, thiết bị vô tuyến, yêu cầu về công suất cực đại);
- Bắt buộc gắn logo “Sạc dùng chung” (Common Charger) của EU lên các loại sạc USB Loại-C (USB Type-C) để người tiêu dùng nắm được khả năng tương thích của sạc đó;
- Yêu cầu sạc USB Loại-C phải hoạt động được với dây cáp rời và có ghi dấu công suất được hỗ trợ tại mỗi cổng và không dùng cáp khi thử nghiệm sạc USB loại-C và nguồn điện USB PD và bổ sung hệ số hiệu chỉnh riêng nhằm đảm bảo điều kiện tương đối cho các EPS tương thích;
- Bổ sung yêu cầu đối với sạc USB Loại-C dùng cho nhiều loại sản phẩm không thuộc phạm vi của Chỉ thị Thiết bị Vô tuyến để tối đa khả năng tương thích và yêu cầu về hiệu suất công suất đầu ra;
- Tăng ngưỡng tiêu thụ điện năng tối thiểu;
- Làm rõ về điều kiện thử nghiệm (đặc biệt là với các loại nguồn điện thích ứng).
Văn bản đầy đủ của Dự thảo tại đường dẫn dưới đây:
https://members.wto.org/cmattachments/2024/TBT/EEC/24_07871 _00_e.pdf và https: //members .wto. org/cmattachments/2024/TBT/EEC/24_07871_01_e.pdf
Các cơ quan, đơn vị nếu có ý kiến góp ý đối với Dự thảo nêu trên của EU có thể thông tin phản hồi cho Văn phòng TBT Việt Nam trước ngày 06/01/2025 theo địa chỉ: Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 02437912145, bản mềm về email: tbtvn@tcvn.gov.vn. Ý kiến của cơ quan, đơn vị sẽ được Văn phòng TBT Việt Nam tổng hợp gửi cho cơ quan liên quan của EU để xem xét, tiếp thu.
DỰ THẢO QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN ĐẢM BẢO SẢN PHẨM HALAL CỦA INDONESIA
Ngày 31/10/2024, Indonesia đã gửi thông báo cho các nước thành viên WTO mã thông báo G/TBT/N/IDN/131/Add.2 về Quy định của Chính phủ Indonesia liên quan đến việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal đã có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2024. Đây là bản sửa đổi của Quy định số 8839 năm 2021 đã được thông báo trước đó tại mã G/TBT/N/IDN/131/Add.1 và G/TBT/N/IDN/131. Quy định này nhằm đảm bảo rằng cảc sản phẩm được người Indonesia tiêu thụ, đặc biệt là người Hồi giáo, phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và mang đến cho người tiêu dùng sự chắc chắn về các sản phẩm Halal trên thị trường. Chi tiết thông báo và toàn văn của dự thảo xem tại:
https://members.wto.org/crnattachments/2024/TBT/IDN/final_measure/24_07453_00_x.pdf
Các điều khoản chính được quy định trong Quy định số 42 năm 2024 của Chính phủ Indonesia bao gồm:
- Cơ quan thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal (BPJPH) có trách nhiệm quản lý hệ thống Đảm bảo sản phẩm Halal, đảm bảo tuân thủ tất cả các sản phẩm được chứng nhận.
- Tách biệt cơ sở chế biến Halal và không Halal: Địa điểm, cơ sở vật chất và thiết bị cho Quy trình Sản phẩm Halal (PPH) phải khác biệt với những địa điểm, cơ sở và thiết bị được sử dụng cho các quy trình không phải Halal. Điều này bao gồm việc tách biệt các khu vực giết mổ, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, bán hàng và trưng bày.
- Thủ tục đăng ký và gia hạn chứng nhận Halal: BPJPH xử lý đơn xin cấp chứng nhận Halal mới và gia hạn, đảm bảo sản phẩm duy trì sự tuân thủ theo thời gian.
- Các quy trình chứng nhận Halal đơn giản hóa được cung cấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn Halal của BPJPH.
- Ghi nhãn Halal: Các sản phẩm được coi là Halal phải có nhãn Halal, trong khi cảc sản phẩm không Halal phải có thông tin không Halal rõ ràng trên bao bì.
- Hợp tác liên ngành: BPJPH hợp tác với nhiều bộ khác nhau (Công nghiệp, Thương mại, Y tế, Nông nghiệp, Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các cơ quan chính phủ có liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý giám sát thực phẩm và dược phẩm, tiêu chuẩn hóa, đánh giá tuân thủ, công nhận, LPH và Hội đồng Ulema Indonesia (MUI).
- Chứng nhận và đăng ký sản phẩm nhập khẩu: Các sản phẩm nước ngoài phải trải qua chứng nhận Halal và đăng ký để được bán ở Indonesia.
- Chỉ định các danh mục sản phẩm phải có chứng nhận Halal, nêu chi tiết các giai đoạn chứng nhận Halal cho tẩt cả các sản phẩm được phân phôi và bán ở Indonesia.
Các cơ quan, đơn vị có thể đóng góp ý kiến về Văn phòng TBT Việt Nam theo địa chỉ: Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 02437912145, email: tbtvn@tcvn.gov.vn trước ngày 10/12/2024 để gửi phía Indonesia xem xét, tiếp thu.
Chi cục TĐC tổng hợp