Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Khoa học và Công nghệ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn đẩy mạnh khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa - Lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng

 

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới với nền kinh tế có quy mô nhỏ, nông nghiệp vẫn là một trong những ngành chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Với trên 81% dân số sống ở nông thôn, trên 76% dân số và hơn 80% lao động làm nông nghiệp, nông nghiệp quyết định đời sống của phần lớn dân cư, giải quyết việc làm và tạo thu nhập. Nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm chủ yếu, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, cung cấp sản phẩm hàng hoá cho xã hội, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho Lạng Sơn.

Cùng với xu thế phát triển của cả nước, trong những năm gần đây khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới. Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-CP ngày 15/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thúc đẩy Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn bước đầu dần được hình thành từ khâu hoàn thiện chính sách như tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 14/8/2017 về việc hỗ trợ Hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017-2020; Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 23/12/2020 về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 và triển khai các hoạt động hỗ trợ Hệ sinh thái KNĐMST với các mục tiêu cụ thể hóa đề án 844 phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những hoạt động này nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống trong việc chỉ đạo, triển khai thúc đẩy hỗ trợ, phát triển Hệ sinh thái KNĐMST tại địa phương.

Sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp, các ngành và đạt được nhiều kết quả tích cực; tạo được sự lan tỏa về KNĐMST trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tạo được sự kết nối một số yếu tố của hệ sinh thái KNĐMST. Qua đó, từng bước khuyến khích, thúc đẩy phát triển ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh mang tính đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động, trong đó cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng năm đã và đang tạo ra một thế hệ những “Doanh nông trẻ”. Họ gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa và nghiên cứu, sáng tạo để cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường. Cũng từ Cuộc thi, nhiều mô hình đang trong giai đoạn “phôi thai” nghiên cứu, hoặc đang chập chững thử nghiệm đã được tạo động lực, tư vấn, hỗ trợ để có thể hiện thực hóa và khẳng định thành công.

Chị Lăng Thị Thơ, thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 3/2023 với sản phẩm Heo dẻo mác mật ăn liền. Sau khi tham gia cuộc thi KNĐMST năm 2023 tôi có cơ hội được tiếp xúc với đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực KNĐMST. Nhờ đó, tôi đã được các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp tư vấn, chỉ ra những vấn đề mà tôi cần khắc phục, hướng dẫn cách giải quyết những hạn chế cũng như định hướng giúp tôi hướng phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình”.

Một số sản phẩm KNĐMST của tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá tại Hà Nội

Không riêng chị Lăng Thị Thơ khởi nghiệp thành công với sản phẩm Heo dẻo mác mật, chỉ tính từ năm 2022 đến nay đã có 9 dự án khởi nghiệp thành công, hiện đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tiêu biểu như: Dự án Hồng treo gió, Hồng sấy dẻo (Hợp tác xã Toàn Thương, huyện Văn Lãng); Dự án Sản xuất Thạch đen Chu Hạnh (hộ sản xuất và kinh doanh Thạch đen Chu Hạnh, huyện Văn Lãng); Dự án Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (Hợp tác xã thôn Nà Pái, huyện Bình Gia); Dự án Ẩm thực Thịt lợn hun khói và sấy khô; Dự án Sản xuất dầu gội và dầu xả tóc từ thảo mộc thiên nhiên,… Các sản phẩm từ những dự án này tuy mới có mặt trên thị trường song đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế, xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 23 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể), 147 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP (trong đó có 23 sản phẩm 4 sao; 124 sản phẩm 3 sao), trong đó đa số sản phẩm OCOP của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã… có thời gian thành lập mới, điều đó cho thấy tinh thần khởi nghiệp trong Chương trình OCOP là rất cao. Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của địa phương như: Hoa hồi khô, Dầu sở Xứ Lạng, Trà diếp cá Lụa Vy, Thạch đen, Hồng Vành Khuyên,…

 

Các sản phẩm OCOP hiện nay đã và đang có chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên; nhiều sản phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng/ quy trình sản xuất tiên tiến, như VietGAP, ISO, HACCP,... để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từng bước nâng cấp, hoàn thiện phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước,… được các doanh nghiệp phân phối và thị trường chấp nhận, hình thành xu hướng ưu tiên trong phân phối sản phẩm OCOP.

Mẫu mã bao bì sản phẩm KNĐMST “Heo dẻo mác mật”

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động thúc đẩy, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung triển khai một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, truyền cảm hứng khởi nghiệp, trong đó chú trọng truyền thông trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp và lồng ghép chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vào các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như nông nghiệp và du lịch; tổ chức cuộc thi để tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi; tuyên truyền, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng kết nối nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Đồng thời tiếp tục xây dựng hệ sinh thái mở hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp-du lịch; phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; qua đó hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới.

Đặng Nguyệt Ánh