Skip to main content
KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO - ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 
Chế độ ban đêm In trang Xuất PDF Đọc nội dung
-A A +A

“Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – động lực phát triển bền vững”

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.  Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam xác định muốn bứt phá để phát triển nhanh, bền vững thì một trong những chiến lược quan trọng đó chính là phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện được chiến lược đó và phù hợp với thực tiễn của đất nước, của từng địa phường, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được xây dựng trên nèn tảng văn hóa Việt Nam, trở thành động lực phát triển bền vững. Từ đó sẽ nâng cao tiềm lực và vị trí quốc gia trên bản đồ thế giới…

Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ, nơi địa đầu của Tổ quốc Việt Nam, với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Từ vị thế địa kinh tế, địa chính trị, Lạng Sơn không ngừng vươn lên mạnh mẽ để dần trở thành một tỉnh phát triển bền vững trên các lĩnh vực trong đó có khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ngày càng khẳng định hiệu quả, tạo ra những cơ hội và lợi thế, Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện chính sách phát luật cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Những năm qua hoạt động của khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh Lạng Sơn đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, ngành; Đã ban hành nhiều văn bản quản lý liên quan đến lĩnh vực hoạt động KHCN, trọng tâm là các vấn đề như cải cách hành chính, đổi mới cơ chế quản lý và triển khai các nhiệm vụ KHCN. Cụ thể hoá các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để áp dụng vào thực tế phù hợp với đặc thù của tỉnh. Qua đó góp phần từng bước thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh. Mạng lưới hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường và củng cố. Kết quả các hoạt động nghiên cứu - triển khai, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống đã có những đóng góp tích cực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều đề tài, dự án của một số chương trình đã góp phần quyết định nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh  và quản lý như các lĩnh vực KHCN phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực y tế, lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn và bảo vệ môi trường; Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực góp phần phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động thông tin khoa học - công nghệ và công tác ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Tích cực triển khai tạo lập quản lý và quảng bá nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng cường sức cạnh tranh và hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu.

Cùng với việc hoàn thiện chính sách phát luật cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) thì việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Trong năm 2022: Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ nói riêng đã được thực hiện thường xuyên, liên tục (đã chấp nhận 279 đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT tại biên giới của các chủ sở hữu quyền; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT về nhãn hiệu là 52 vụ; số vụ tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT về nhãn hiệu là 08 vụ). Nhờ có nền tảng ổn định nên việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác sáng kiến đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến vào trong thực tế công tác (42 sáng kiến cấp tỉnh được công nhận). Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn cũng đã góp phần khuyến khích các em học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo, vận dụng để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, áp dụng vào trong học tập và cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực toàn diện và phẩm chất của học sinh (23 sản phẩm được Giải thưởng cấp tỉnh).

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức như tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của những ý tưởng, dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo, có khả năng tăng trưởng dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Lạng Sơn đã đưa Khu làm việc chung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn được đầu tư đầy đủ trang thiết bị như: máy vi tính, mạng kết nối internet, máy chiếu, máy photocopy, màn hình led, máy scan, tài liệu, bàn làm việc, là nơi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các khóa đào tạo khởi nghiệp, tổ chức hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư, khách hàng, kết nối các mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng là không gian để các nhóm khởi nghiệp làm việc, gặp gỡ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Việc thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ được quan tâm triển khai phù hợp với điều kiện thực tế thông qua nhiều đề án, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo phương thức ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Vì vậy, công tác xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc xác lập, phát huy và bảo vệ tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến nay, đã có 40 sản phẩm được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (04 chỉ dẫn địa lý, 06 nhãn hiệu chứng nhận, 30 nhãn hiệu tập thể). Tiến hành công nhận các nguồn giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn (logo và slogan), đồng thời đăng ký bản quyền tác giả và đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.

Để đạt được những kết quả tích cực trên các mặt trước tiên phải kể đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về KHCN&ĐMST trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng: Tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử thành viên; Xây dựng chuyên mục tuyên truyền về khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ trên các phương tiện truyền thông; Công tác truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về KHCN&ĐMST nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; trở thành cầu nối hữu dụng, đưa tri thức và tiến bộ KHCN đến nhanh hơn với sản xuất và đời sống. Đồng thời, khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nuôi dưỡng tinh thần yêu khoa học trong giới trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo.

Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm cho các sản phẩm đặc thù theo ngành, lĩnh vực; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; triển khai áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; hỗ trợ tổ chức chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý: an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp…

Tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc sản địa phương tại các hội chợ thương mại. Việc thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ chủ yếu tập trung vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo. Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ đều được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ xây dựng cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể, xây dựng các tài liệu kỹ thuật sản xuất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày nhằm quảng bá sản phẩm và từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại.

Có thể nói, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lạn Sơn trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nền tảng tốt, là động lực cho tăng trưởng kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững. Bước đầu nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và quan tâm đến việc sáng tạo, xác lập, bảo hộ, khai thác, phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy được phong trào thi đua lao động sáng tạo, tạo sự lan tỏa về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, khuyến khích sự phát triển của những ý tưởng mang tính đổi mới sáng tạo, những dự án có khả năng tăng trưởng dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn tỉnh./.

Nông Hà Thơ