Công bố Quyết định và trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Thạch đen, Hồng không hạt Bảo Lâm, mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy
Chiều ngày 18/4/2023, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức Công bố Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho các sản phẩm: Thạch đen Lạng Sơn, Hồng không hạt Bảo Lâm và Mật ong hoa ngũ gia bì xã Vân Thủy.
Tới dự chương trình có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học công nghệ), các đơn vị đại diện Sở hữu công nghiệp và lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cùng một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được bảo hộ CDĐL.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn”
cho sản phẩm Thạch đen (Ảnh: Ngọc Hưng)
Thạch đen, Hồng không hạt Bảo lâm và Mật ong hoa ngũ gia bì Vân thủy là 3 sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn các huyện Bình Gia, Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc, Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Để các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý, các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL đối với các sản phẩm; xác định phạm vi địa lý bảo hộ, bản đồ vùng sản phẩm mang CDĐL, hoàn thiện thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh trình UBND tỉnh phê duyệt để đăng ký bảo hộ CDĐL. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá xác định, thành lập tổ chức đứng tên đăng ký chỉ dẫn địa lý; phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang CDĐL; các yếu tố tự nhiên tạo nên tính đặc thù của sản phẩm mang CDĐL.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao chỉ dẫn địa lý “Bảo lâm” cho sản phẩm Hồng không hạt Bảo lâm (Ảnh: Ngọc Hưng)
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL cho các sản phẩm nhằm góp phần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm nhằm tránh bị chiếm dụng, lạm dụng hoặc giả mạo thương hiệu của sản phẩm, giúp người tiêu dụng nhận biết, tiếp cận dễ dàng và lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng, từ đó góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng của các sản phẩm trên thị trường.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả các CDĐL trong thời gian tới, chúng ta không chỉ gia tăng số lượng CDĐL được bảo hộ mà quan trọng hơn, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển CDĐL sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL. Có như vậy thì sản phẩm được bảo hộ CDĐL mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.
Đặng Nguyệt Ánh